Học sinh Trung Quốc giấu điện thoại trong bình nước, sách giả
Những loại thiết bị để giấu smartphone như bình nước, từ điển hay sách vở, gương, được bán công khai cho học sinh Trung Quốc, gây tranh luận trên Internet.
Trên các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc, một trong những sản phẩm bán chạy nhất là bình nước có ngăn ẩn, theo Sixth Tone. Thiết kế đặc biệt của sản phẩm này cho phép học sinh vừa uống nước ở phần trên, vừa giấu điện thoại ở phần đáy. Với vỏ nhựa đục mờ, những chiếc bình nước này gần như không thể bị phát hiện.
Bên cạnh đó, còn có loại sách vở nhưng khoét rỗng các trang bên trong, hộp đựng gương, hay pin sạc dự phòng có khe giấu điện thoại. Các sản phẩm này rất phổ biến với học sinh tiểu học và trung học.
Đó là cách các học sinh lách lệnh cấm khắt khe trong lớp học, đồng thời gián tiếp thúc đẩy một thị trường màu mỡ cho các thiết bị giấu điện thoại.
Sàn thương mại điện tử tràn ngập thiết bị ngụy trang điện thoại tinh vi
Xu hướng này xuất phát từ những quy định ngày càng chặt chẽ về việc sử dụng smartphone trong trường học tại quốc gia tỷ dân. Năm 2021, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm học sinh mang điện thoại đến trường, trừ khi có sự đồng ý của phụ huynh và nộp đơn xin phép. Ngay cả khi được phép, điện thoại cũng phải nộp cho giáo viên ngay khi đến trường và tuyệt đối không được sử dụng trong lớp học.
Chính sách này được đưa ra nhằm đối phó với tình trạng nghiện smartphone ở học sinh. Năm 2023, Trung Quốc có 196 triệu người dùng Internet dưới 18 tuổi. Tỷ lệ tiếp cận Internet đạt 97,3%. Các trường học cho rằng việc sử dụng smartphone quá mức gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tập trung, thành tích học tập và sức khỏe tinh thần, từ đó dẫn đến phải có các biện pháp quản lý nghiêm ngặt hơn.
Tuy nhiên, với sự phổ biến của các thiết bị giấu smartphone, nhiều ý kiến phản đối đã nổi lên. Trên các nền tảng thương mại điện tử tại Trung Quốc, các sản phẩm này được quảng cáo công khai và thường được giới thiệu là “khó bị phát hiện, ngụy trang hoàn hảo”.
Tờ China Youth Daily đưa tin một nhà bán hàng mô tả hộp giấu điện thoại dạng gương là “an toàn và đáng tin cậy, không bị phát hiện bởi máy dò kim loại và được giao hàng kín đáo”. Một hộp đựng pin sạc dự phòng giấu smartphone được quảng cáo là “kín đáo hơn, không cần ốc vít, vừa hoạt động như đèn pin vừa có thể sạc điện thoại”.
Tờ Guangming Daily cũng lên án việc sản xuất và kinh doanh các sản phẩm này. Báo này cho rằng chúng khuyến khích học sinh vi phạm quy định và làm suy yếu nỗ lực của các trường học trong việc xây dựng văn hóa sử dụng điện thoại có trách nhiệm.
Dẫu vậy, thị trường cho các sản phẩm này vẫn phát triển mạnh mẽ. Chỉ cần tìm từ khóa “thiết bị giấu điện thoại” trên Taobao, hàng trăm kết quả sẽ hiện ra. Trong đó, một số sản phẩm có doanh số vượt 1.000 đơn/tháng.
Giáo viên chỉ trích thương nhân bất chấp bán công cụ gian lận cho học sinh
Đối với nhiều học sinh, việc lén mang smartphone vào trường được coi là một “nhu cầu thiết yếu”. Nói với Sixth Tone, một học sinh trung học tại Thượng Hải thừa nhận đã nhiều lần mang điện thoại vào trường. Em coi điện thoại là cách để giải trí với các video ngắn và trò chơi di động, đồng thời cũng là công cụ truy cập các tài liệu học tập trực tuyến.
Song, giáo viên Liu Chenxu tại một trường nội trú ở tỉnh Hà Bắc lại có cái nhìn khác. “Thanh thiếu niên thiếu khả năng tự giác, cần được nhà trường và giáo viên hướng dẫn. Việc cho phép sử dụng smartphone trong trường không chỉ làm mất tập trung trong lớp học, mà còn khiến một số học sinh nội trú thức khuya chơi điện thoại”, cô chia sẻ với Sixth Tone.
“Chúng tôi từng là học sinh và chúng tôi hoàn toàn hiểu sức hấp dẫn của smartphone. Nhưng lâu dần, điều này có thể dẫn đến một vòng luẩn quẩn nguy hiểm”, cô nói.
Liu cảnh báo nếu không có quy định phù hợp, việc sử dụng điện thoại quá mức có thể gây rối trật tự lớp học. “Cấm sử dụng smartphone có thể khiến học sinh thấy bất tiện, nhưng mục đích của quy định này là tốt. Hơn nữa, Internet chứa đầy thông tin hỗn tạp và học sinh thường không đủ khả năng phân biệt điều gì là phù hợp, điều này có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển giá trị của các em”, cô nói.
Cô Liu cũng chỉ trích các thương nhân lợi dụng nhu cầu của học sinh để kiếm lời. “Hành vi này vi phạm lợi ích chung và còn dạy học sinh cách lừa dối giáo viên và nhà trường”, cô nói.
“Lo ngại của tôi là liệu những học sinh trung thực có thể bị những sản phẩm này và các chiến dịch quảng bá của họ dẫn dắt sai đường hay không. Nếu học sinh thực sự cần sử dụng điện thoại, các em nên thảo luận với giáo viên, thay vì dùng đến những cách không trung thực”, cô Liu kết luận.