Học sinh hứng thú với giáo dục STEM
Giáo dục STEM là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng giáo dục học sinh theo chuyên ngành cụ thể khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học theo cách tiếp cận liên ngành và ứng dụng. Thay vì dạy bốn môn học như các môn học riêng biệt và rời rạc, STEM tích hợp chúng vào một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng. Đây cũng là quá trình chuẩn bị quan trọng để giáo viên, học sinh tiếp cận sớm với giáo dục trong thời đại công nghiệp 4.0.
Kiến thức của các môn học này đều được ứng dụng phổ biến trong thực tiễn nên việc ứng dụng phương pháp giáo dục STEM sẽ thuận lợi, mang lại hiệu quả trong việc hình thành và phát triển năng lực của học sinh. Từ năm học 2018 - 2019, ngành Giáo dục Sóc Trăng bắt đầu triển khai thí điểm giáo dục STEM trên địa bàn tỉnh, cụ thể đã chọn 3 trường, tương ứng với 3 cấp học phổ thông gồm: Trường Thực hành Sư phạm Sóc Trăng, Trường THCS Đại Tâm và Trường THPT Thuận Hòa.
Ở bậc tiểu học, giáo dục theo định hướng STEM sẽ tập trung vào việc giúp trẻ làm quen, tạo hứng khởi cho trẻ về các lĩnh vực STEM thông qua trải nghiệm làm những món đồ chơi, đồ dùng học tập… Tại các lớp học STEM, cả người hướng dẫn lẫn người học đều bị cuốn vào giờ thực hành. Năm học này, ở Trường Thực hành Sư phạm Sóc Trăng có 156 học sinh tham gia lớp học STEM, giờ học STEM được bố trí vào ngày thứ 7 hàng tuần, mỗi khối lớp hình thành 1 câu lạc bộ có khoảng 30 em và học ở những phòng riêng với những nội dung phù hợp với trình độ nhận thức của các em.
Cô Võ Bảo Ngọc - giáo viên Trường Thực hành Sư phạm Sóc Trăng cho biết: “Sau 2 năm tổ chức câu lạc bộ STEM tại trường, chúng tôi nhận thấy học sinh đã có nhiều thay đổi tích cực về phẩm chất và kỹ năng. Chương trình STEM thu hút được sự quan tâm ngày càng nhiều hơn, cụ thể là các em tham gia STEM tỏ rõ tinh thần ham học hỏi, có trách nhiệm hơn trong các hoạt động học tập của mình, các em trở nên hoạt bát hơn, khả năng diễn đạt, trình bày ý kiến cũng tốt hơn, các em còn tích cực tham gia các hoạt động, khả năng làm việc theo nhóm tốt hơn… Với số lượng học sinh đăng ký tham gia câu lạc bộ STEM ngày càng tăng lên chứng tỏ giáo dục STEM đã có sự lan tỏa tích cực đến học sinh”.
Không như những môn học khác, học sinh chỉ ngồi nghe thầy cô giảng và ghi chép, STEM sẽ cho học sinh tự lên ý tưởng, trên cơ sở những học sinh có năng khiếu và đam mê, giáo viên hướng dẫn các em, sau đó để các mô hình thực thi các nhiệm vụ theo yêu cầu một cách tự động. Qua đó, kích thích, phát triển tư duy, trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của các em.
Chia sẻ kinh nghiệm phương pháp dạy học STEM, cô Thạch Thị Thúy Thuận - giáo viên Trường THCS Đại Tâm cho biết: “Trước tiên cần chuẩn bị và tạo cho học sinh sự hứng thú, sôi nổi; không giải thích suông mà dựa trên những khám phá cụ thể và các hoạt động thực tế; đánh giá xuyên suốt quá trình dự án để giúp học sinh tập nhìn lại, tập đón nhận phê bình để làm tốt hơn cho lần sau; giáo viên khích lệ học sinh làm việc nhóm, giáo viên “lui lại” để học sinh tập làm việc với nhau, tập đưa ra giải pháp”.
Theo nhận định của nhiều giáo viên tham gia giáo dục STEM, ở chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo dục STEM vừa mang ý nghĩa thúc đẩy giáo dục các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, vừa thể hiện phương pháp tiếp cận liên môn, phát triển năng lực và phẩm chất người học. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo dục STEM được chú trọng, có mặt đầy đủ ở các môn học. Đó là các môn toán học, khoa học tự nhiên, công nghệ, tin học… Vị trí, vai trò của giáo dục tin học và giáo dục công nghệ trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã được nâng cao rõ rệt. Điều này không chỉ thể hiện rõ tư tưởng giáo dục STEM, mà còn là sự điều chỉnh kịp thời của giáo dục phổ thông trước cách mạng công nghiệp 4.0. Việc đẩy mạnh cách mạng công nghiệp 4.0 trong ngành giáo dục cũng được chú ý, trong đó ứng dụng STEM trong dạy học đang được nhiều trường học triển khai có hiệu quả. Qua đó, trang bị cho thầy, trò kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày.
Khi thực hiện STEM ở Sóc Trăng, học sinh dễ dàng thực hiện những dự án gắn liền với thực tiễn như: trồng rau phương pháp thủy canh, làm máy sấy nông sản, giấy tái chế, âm thanh kèn chai… Tất cả đều thực hiện từ những vật liệu đơn giản, có những dự án được hỗ trợ công cụ và cũng có khi học sinh phải tự chuẩn bị những vật liệu tái chế để hoàn thành sản phẩm.
Giáo dục STEM là một xu thế và giáo viên sẽ là những người truyền cảm hứng cho học sinh để các em có thể đáp ứng được nhu cầu của thời đại mới. Học STEM rất vui và mang lại nhiều kiến thức, kỹ năng cho người học. Thời gian tới, giáo dục STEM sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ và không còn xa lạ đối với giáo viên cũng như học sinh. Tiếp cận với phương pháp bài bản về những vấn đề của đời sống, học sinh thực hiện ở trường và ở nhà đều rất tiện lợi. Dường như đến lớp, học sinh sẽ chỉ tập trung học hỏi nhau cách thực hành, xử lý sâu hơn các vấn đề liên quan. Qua đó, đã phát huy tác dụng khi học sinh không còn bị ràng buộc bởi những kiến thức giáo viên phổ biến trên lớp, cho phép học sinh có nhiều hơn một cách để giải quyết vấn đề bài học. Hình thức tiếp thu kiến thức tại nhà, thực hành tại trường gia tăng sự tham gia của học sinh, tăng cường kỹ năng làm việc nhóm, đưa ra hướng dẫn cho từng cá nhân, tập trung vào thảo luận trên lớp là những ưu điểm mà giáo dục STEM mang lại.
H.NHƯ