Học sinh đánh nhau thường có bóng dáng 'giang hồ mạng'

Thượng tá, TS tội phạm học Đào Trung Hiếu cho rằng, những năm gần đây, hiện tượng học sinh đánh nhau mang bóng dáng của 'giang hồ mạng', của kiểu hành xử xã hội đen

- Các video “giang hồ mạng” nở rộ khoảng 3 - 4 năm trước. Gần đây, trên mạng lại xuất hiện các clip dàn dựng cuộc sống trong tù với nhiều hình ảnh bạo lực, ngôn từ không chuẩn mực... Theo ông, vì sao những video này lại thu hút khá nhiều khán giả?

Trước hết là do tính “độc, lạ” của những video này. Các tình huống trong loại video chỉ là dàn dựng, thậm chí dàn dựng một cách vụng về, nhưng nó đề cập tới cuộc sống ở một phạm vi, một lĩnh vực không phổ biến trong xã hội.

Đời sống trong tù với số đông vẫn là một cái gì xa lạ, bí ẩn. Chính vì thế, nó kích thích sự tò mò của nhiều người và tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt với giới trẻ. Những người này chưa có sự hiểu biết đầy đủ, chưa có định hướng thẩm mỹ rõ ràng nên chưa nhận biết được đâu là tốt, đâu là xấu, đâu là cái thật, đâu là cái giả. Họ chỉ thấy “hay hay” nên dễ bị cuốn vào.

Chúng ta không thể phủ nhận thực tế, những thứ không theo chuẩn mực trong xã hội có sức hút với người trẻ - thế hệ luôn thích những cái mới, phá cách, đột phá, muốn thoát khỏi những lễ giáo, trật tự đã có, đặc biệt là những điều mà người lớn thường nói. Họ muốn tìm một cái gì đấy để khẳng định bản sắc riêng.

Trong xã hội hiện tại, sự định hướng về thẩm mỹ, đặc biệt cho những người trẻ chưa được rõ ràng. Thậm chí, có một số bộ phận bị tiêm nhiễm từ mạng xã hội về văn hóa bạo lực nên dễ bị cuốn theo những clip “giang hồ mạng”, những clip về cuộc sống trong tù, coi nhân vật trong đó là hình mẫu để học theo.

- Những video như vậy ảnh hưởng thế nào tới người xem, đặc biệt là giới trẻ, thưa ông?

- Những video như vậy ảnh hưởng thế nào tới người xem, đặc biệt là giới trẻ, thưa ông?

Sự tác động của văn hóa đối với việc hình thành nhân cách, thị hiếu thẩm mỹ, giá trị, chuẩn mực đạo đức, lối sống của con người là điều đã được chứng minh. Khi người trẻ đang trong quá trình định hình nhân cách, việc tiếp cận với văn hóa xấu, đi ngược lại chuẩn mực về đạo đức hoặc trật tự pháp luật ở mức độ quá thường xuyên sẽ gây tác động rất sâu sắc. Tư duy chưa hoàn thiện của họ rất dễ bị tiêm nhiễm bởi hành vi ứng xử bạo lực ở những video mà họ tiếp cận trên mạng.

Những video độc hại đó rất dễ trở thành định hướng, dẫn đường, đôi khi còn mang tính khuôn mẫu, thành chuẩn mực để cho người trẻ ứng xử khi gặp phải tình huống tương tự.

- Ông đánh giá thế nào về nhận định "Điều gì xuất hiện trên mạng xã hội sẽ diễn ra ở đời thực”?

Theo tôi, tình trạng bạo lực học đường đang dai dẳng, nhức nhối là một trong những tác hại của việc người trẻ tiếp cận với văn hóa bạo lực từ nhỏ mà chúng ta phải nhìn thấy. Trong những năm gần đây, chuyện học sinh đánh nhau không chỉ là vấn đề tranh tài cao thấp mà còn có bóng dáng của kiểu hành xử xã hội đen, của “giang hồ mạng”.

Học sinh đánh bạn để dằn mặt, để chứng tỏ vị thế, để thể hiện đẳng cấp, chứng minh bản lĩnh của mình mang tính "anh chị", "giang hồ". Thậm chí, họ còn tạo ra những băng đảng tại trường học, không đơn giản là chuyện học trò đùa nghịch đánh nhau như ngày xưa.

Chúng ta phải khẳng định một điều là khi giới trẻ xem quá nhiều những clip mang tính phi giáo dục, phi văn hóa và bị hấp thụ cách hành xử ở trong các clip đó, họ rất dễ bắt chước và mang cách ứng xử, lối suy nghĩ đó vào đời sống thực tế.

Tuổi trẻ có nhiều năng lượng, tuy nhiên khi định hướng sai thì họ rất dễ dùng năng lượng đó vào những việc tiêu cực, phi pháp và đi trái chuẩn mực thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật.

- Theo ông, tình trạng phạm tội gia tăng ở người trẻ có mối liên hệ thế nào với những clip bạo lực tràn lan trên mạng xã hội hiện nay?

Khi bước vào tuổi vị thành niên, người trẻ có sự thay đổi rất lớn về mặt thể chất và tâm lý. Sự phát triển nhanh của cơ thể tạo ra sự hụt hẫng và biến đổi rất lớn về mặt tâm lý. Thời điểm này, nhân cách của họ cũng trong quá trình định hình, họ tìm kiếm cho mình một hình mẫu lý tưởng.

Nếu được tiếp cận với môi trường văn hóa tốt, đọc sách về những tấm gương vì nước, vì dân, làm những việc lớn lao cho cộng đồng nhân xã hội, họ sẽ có xu hướng mong muốn mình trở thành những vị anh hùng này. Ngược lại, nếu như người trẻ tiếp cận với những sản phẩm văn hóa xấu độc, họ rất dễ biến mình thành người nhân vật phản diện.

Tình trạng trẻ hóa tội phạm thời gian gần đây có bóng dáng rất rõ của tác động từ môi trường văn hóa. Những hành động bạo lực, phi nhân tính, hiếp dâm, đua xe... có dáng của những nhân vật mà chúng ta thấy trên không gian mạng.

Tôi đồng tình với quan điểm cho rằng, tác động tiêu cực của các clip xấu trên không gian mang được phản ánh ra đời sống, thông qua hành động của người trẻ, những hành động vi phạm chuẩn mực về của đời sống chung, chuẩn mực đạo đức cũng như chuẩn mực về pháp luật.

- Việc các clip “giang hồ mạng”, các clip dàn dựng phản cảm về cuộc sống trong tù xuất hiện tràn lan trên mạng đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp gì để xử lý?

- Việc các clip “giang hồ mạng”, các clip dàn dựng phản cảm về cuộc sống trong tù xuất hiện tràn lan trên mạng đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp gì để xử lý?

Theo tôi thì phát hiện, xử lý những cái tài khoản thường xuyên đưa ra sản phẩm độc hại là điều cần thiết để giúp cho môi trường văn hóa trên không gian mạng được lành mạnh. Tác hại, ảnh hưởng tiêu cực của những clip phản văn hóa đó đối với người trẻ trên mạng đã rất rõ, cần có sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước với việc tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp.

Đầu tiên, phải tăng cường giáo dục định hướng thẩm mỹ, dạy trẻ kỹ năng sử dụng mạng xã hội, biết lựa chọn tốt xấu khi tiếp cận Internet, định hướng cho người trẻ những gì nên xem.

Chúng ta cũng cần tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước mang tính chuyên ngành. Ví dụ các cơ quan quản lý nếu phát hiện sự việc qua báo chí hay tự mình phát hiện trên không gian mạng thì phải khẩn trương xác minh chủ kênh, yêu cầu gỡ bỏ những clip phản văn hóa đó. Nếu người đó không hợp tác, không chấp hành thì phải sử dụng các công cụ về kỹ thuật và quản lý nhà nước để xử lý, gỡ bỏ.

Chúng ra có thể trao đổi với bên cung cấp dịch vụ xóa các tài khoản như vậy. Đây là điều hoàn toàn nằm trong khả năng. Các nhà cung cấp dich vụ đều có đại diện tại Việt Nam. Chúng ta có thể gửi văn bản chính thức từ cơ quan quản lý nhà nước; nếu họ không tự nguyện, tự giác xóa bỏ thì hoàn toàn có thể xử lý bằng biện pháp hành chính.

Chúng ta có thể xử lý theo quy định pháp luật đối với những người sản xuất và phát tán những clip phản văn hóa, vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng như vậy.

Chuyên gia giáo dục - TS Vũ Thu Hương chia sẻ với phóng viên Báo điện tử VTC News: Tôi nghĩ khán giả trẻ bị hút vào những clip “giang hồ mạng” hay clip dàn dựng cuộc sống tù tội là vì tò mò. Các em muốn biết trong tù người ta làm gì, sinh hoạt thế nào và có khác biệt gì với bên ngoài không. Điều nguy hiểm là không ai kiểm chứng được những gì xuất hiện trong loại clip kia là đúng hay sai. Tuy nhiên, một bộ phận người trẻ sau lại hình dung về cuộc sống trong tù như những gì xem trên mạng.

Nguy hại hơn, trong các clip, một số nhân vật khi vào tù lại được tô hồng một cách lệch lạc, trở thành "anh hùng nghĩa hiệp”, đứng ra phân xử, giải quyết các mâu thuẫn, bất công. Điều này khiến giới trẻ có cái nhìn sai lệch. Họ sẽ coi những hành vi phạm pháp là hành động bản lĩnh, cư xử anh hùng và dễ học theo.

Những hình ảnh như vậy tràn lan trên mạng khiến cho trong mắt nhiều bạn trẻ, cuộc sống trong tù trở nên “gần gũi”, rằng đi tù không có gì quá đáng sợ. Họ sẽ cho rằng việc vi phạm pháp luật có thể chấp nhận được vì nếu phải đi tù, họ cũng chỉ sống như trong những đoạn clip mình từng xem.

Mặt khác, trong cuộc sống thường ngày, các bạn trẻ sẽ nảy những chiêu trò, cách hành xử giang hồ dựa trên gợi ý trong video. Cách sống hành hạ nhau, đánh đập nhau trong clip sẽ trở thành một gợi ý, các bạn trẻ xem đó như một hướng để cư xử với nhau, để giải quyết mọi vấn đề, mâu thuẫn; đấy chính là điều không ổn. Chưa kể đến việc phong cách sống, giao tiếp và sinh hoạt sẽ bị ảnh hưởng mạnh.

Trong cuộc sống công nghiệp, cách mọi người giao tiếp, chia sẻ với nhau đang bị hạn chế rất nhiều, một phần do chúng ta tiếp xúc với thế giới mạng, một phần do cách các gia đình yêu chiều nên một số người trẻ khó có bạn bè. Tỷ lệ bạn trẻ không kết bạn được khá cao so với ngày xưa. Khi xem những clip này, họ sẽ có xu hướng muốn thể hiện bản lĩnh để thu hút mọi người, đi theo những cách cư xử giang hồ để tìm kiếm sự ngưỡng mộ của người khác, hoặc trả thù những người từng khiến mình tổn thương. Các bạn trẻ học theo và có suy nghĩ rằng cuộc sống trong tù đôi khi thú vị hơn cuộc sống bên ngoài. Họ sẽ có những hành động vi phạm pháp luật vì nghĩ rằng mình có thể thay đổi môi trường hiện tại, vào tù để sống.

Việc thiếu định hướng của người lớn cũng sẽ khiến cho rất nhiều bạn hiểu theo hướng như vậy.

Thời điểm Khá Bảnh vào tù, có một số bạn trẻ muốn vi phạm pháp luật để được vào tù theo thần tượng của mình. Vì vậy, những đoạn clip kể trên thật sự có hại với giới trẻ và đã đến lúc chúng ta phải ngăn chặn triệt để.

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/hoc-sinh-danh-nhau-thuong-co-bong-dang-giang-ho-mang-ar908037.html
Zalo