Học sinh cuối cấp nên ôn luyện ở trung tâm hay kiên trì tự học?

Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT về dạy thêm, học thêm có hiệu lực đúng thời điểm học sinh lớp 9, lớp 12 chuẩn bị giai đoạn ôn thi chuyển cấp. Trước quy định mới, nhiều học sinh hối hả tìm trung tâm ôn luyện nhưng các chuyên gia cho rằng, đây là cơ hội để rèn thói quen tự học.

Xuôi ngược tìm chỗ ôn thi

Từ ngày 14/2, thực hiện quy định tại Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT, các trường học Hà Nội tạm dừng mọi hoạt động dạy thêm, học thêm có thu phí, trong đó có các tiết ôn luyện, tăng cường kiến thức với học sinh lớp 9 và lớp 12. Thời điểm hiện tại, hầu hết các nhà trường chưa khởi động chương trình ôn tập miễn phí cho học sinh cuối cấp, dẫn đến phụ huynh, học sinh lớp 9, lớp 12 ít nhiều có tâm lý hoang mang và hối hả tìm trung tâm bên ngoài cho con ôn luyện.

Học sinh lớp 9, lớp 12 thuộc đối tượng được ôn luyện miễn phí trong nhà trường.

Học sinh lớp 9, lớp 12 thuộc đối tượng được ôn luyện miễn phí trong nhà trường.

Chị Nguyễn Thu Hà, quận Hà Đông, có con học lớp 9 cho hay: “Kỳ thi lớp 10 đang đến gần, môn thi thứ 3 còn chưa biết, nay lại “cắt” học thêm trong nhà trường. Sau khi nghe thầy cô phổ biến kế hoạch dự kiến là cuối tháng 3 nhà trường mới mở các lớp ôn tập, thời lượng môn toán, văn ôn 2 tiết/tuần; môn thứ 3 ôn 1 tiết/tuần nhưng chỉ ôn cho đối tượng có lực học trung bình trở xuống. Nghĩa là những học sinh khá, giỏi sẽ không học các lớp này. Con tôi có học lực giỏi nhưng sẽ đăng ký nguyện vọng vào trường THPT tốp đầu. Với mức độ cạnh tranh gay gắt như hiện nay, tôi không thể không cho con học thêm”.

Khi tìm hiểu các trung tâm ôn luyện, chị Hà đăng ký cho con học lớp tổng ôn và luyện đề với mức phí cao gấp hơn 10 lần ở trường, số lượng học sinh/lớp cũng rất đông. “Dù phí đắt, lớp đông thì tôi vẫn đăng ký cho con học vì không có lựa chọn tốt hơn, nhất là khi chỉ còn khoảng 4 tháng nữa là kỳ thi diễn ra”, chị Hà chia sẻ.

Khi trường dừng các tiết bồi dưỡng, tăng cường kiến thức, em Lê Diệu Anh, học sinh lớp 9 quận Cầu Giấy lập tức được mẹ đăng ký học một lớp toán điều kiện 9 tại trung tâm cách nhà gần 5 km. Diệu Anh chia sẻ, em thi chuyên văn và môn toán hơi đuối nên cần ôn luyện, củng cố thêm kiến thức và luyện các dạng đề.

Đang là học sinh lớp 5, em Nguyễn Mạnh Tiến, trú tại quận Thanh Xuân học online 3 buổi/tuần với 3 môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh. Tiến được bố mẹ định hướng thi trường THCS chất lượng cao và có lộ trình ôn luyện từ lớp 3. Trước đây, tuần 3 buổi em đến trung tâm học trực tiếp nhưng từ khi Thông tư 29 có hiệu lực với quy định "không được dạy thêm với học sinh tiểu học", em nhận thông báo chuyển sang hình thức học online.

“Tôi đọc Thông tư 29 không thấy nhắc gì về việc học online nên khi thầy cô thông báo chuyển trực tuyến, tôi cũng chuyển cho con học. Con đang theo lộ trình ôn tập, giai đoạn nước rút rất quan trọng nên không thể bỏ được”, chị Lê Thị Mai, phụ huynh của Mạnh Tiến nói.

Cơ hội rèn thói quen tự học

Bên cạnh những học sinh tìm học tại trung tâm khi Thông tư 29 có hiệu lực thì vẫn có không ít sỹ tử cuối cấp cùng phụ huynh bình tĩnh lên kế hoạch tự học. Đây cũng là phương thức học được khuyến khích theo tinh thần Thông tư 29.

Nhiều năm qua, Hà Nội tổ chức đợt khảo sát chất lượng để học sinh lớp 12 tập dượt kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Nhiều năm qua, Hà Nội tổ chức đợt khảo sát chất lượng để học sinh lớp 12 tập dượt kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Cô Nguyễn Thị Hằng, cán bộ quản lý một trường THCS tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho hay, nhà trường đang học chương trình theo thời khóa biểu và tạm dừng các tiết học tăng cường. Có thể cuối tháng 3, các lớp học thêm bồi dưỡng kiến thức cho học sinh lớp 9 mới được mở. Trường quán triệt phụ huynh việc quản lý, nhắc nhở con để rèn thói quen tự học, tránh tâm lý vội vã tìm trung tâm không bảo đảm uy tín, chất lượng.

“Học sinh khối 9 hiện chỉ học buổi sáng rồi về nhà. Thầy cô khuyến cáo, sau khi ăn trưa và nghỉ ngơi, các em sẽ tự học từ 2 -2,5 tiếng buổi chiều. Trong quá trình tự học có bất cứ thắc mắc nào muốn hỏi thì kết nối nhờ thầy cô giải đáp”, nhà giáo Vũ Thị Lan Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Thị, huyện Gia Lâm cho biết.

Thực tế cho thấy, với lớp 12, Bộ GD&ĐT đã công bố cấu trúc đề thi và đề minh họa kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 từ trung tuần tháng 10/2024. Với học sinh lớp 9, cuối tháng 8/2024, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng công bố cấu trúc định dạng và đề minh họa các môn; đồng thời khẳng định đó là căn cứ để xây dựng ngân hàng câu hỏi, ra đề thi lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các trường THCS chỉ đạo tổ chuyên môn nghiên cứu, áp dụng cấu trúc định dạng đề thi phù hợp với từng môn học để học sinh làm quen; tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học; khuyến khích xây dựng thư viện số đề kiểm tra, khảo sát, chia sẻ với các cơ sở giáo dục trên địa bàn để cùng trao đổi, hỗ trợ thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá.

Với cấp THPT, sở yêu cầu các nhà trường tiếp tục thực hiện nghiêm túc kế hoạch giáo dục phù hợp với khung năm học theo quy định; tổ chức dạy học, ôn tập hiệu quả, quan tâm đến học sinh lớp 12, nhất là những học sinh có khó khăn trong học tập; tăng cường các giải pháp để hỗ trợ học sinh lớp 12, quyết tâm nâng cao hơn nữa tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2025.

Được biết, các Phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã đã tích cực xây dựng ngân hàng đề thi, tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc theo tháng với học sinh lớp 9 trên địa bàn theo hình thức tập trung và đề chung.

Với lớp 12, nhiều năm qua, nhằm giúp học sinh làm quen, tập dượt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, Hà Nội duy trì tổ chức kỳ khảo sát chất lượng trên phạm vi toàn TP với hình thức như một kỳ thi thật. Riêng học sinh khối 12 năm nay đã có cơ hội tham gia kỳ khảo sát ngay từ khi đang học lớp 11. Căn cứ kết quả khảo sát, các nhà trường tiếp tục phân loại học sinh và có kế hoạch ôn tập chi tiết, phù hợp theo năng lực. Cùng với đó, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng triển khai chương trình hỗ trợ học sinh lớp 12 ôn thi tốt nghiệp THPT qua sóng truyền hình và ứng dụng đa phương tiện Hanoi On.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: Hầu hết giáo viên các trường học trên địa bàn TP đều nỗ lực hỗ trợ học sinh đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Thực tế đã có nhiều mô hình, sáng kiến hay trong việc phụ đạo học sinh yếu, kém cũng như nâng chất lượng các kỳ thi.Tuy nhiên, nhằm tăng cường nguồn lực cho các nhà trường, Sở GD&ĐT Hà Nội đang tích cực đề nghị các cấp thẩm quyền, HĐND TP ban hành nghị quyết hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng cho học sinh ôn tập. Tới đây, Sở tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao năng lực, trách nhiệm của nhà giáo nhằm phát huy năng lực tự học của học sinh.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hoc-sinh-cuoi-cap-nen-on-luyen-o-trung-tam-hay-kien-tri-tu-hoc.html
Zalo