Học sinh chế tạo pháo nổ: Mối nguy hiểm đến từ mạng xã hội
Mặc dù nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra do việc chế tạo pháo nổ nhưng không ít thanh, thiếu niên, đặc biệt là học sinh vẫn lén lút lên mạng xã hội để tìm hiểu và mua các vật dụng về tự chế thành pháo nổ.
Liên tiếp phát hiện nhiều học sinh chế tạo pháo
Vừa qua, qua công tác nghiệp vụ và nắm tình hình, lực lượng Công an huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) đã phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến hành vi chế tạo pháo đối với các trường hợp học sinh trên địa bàn huyện.
Cụ thể, vào lúc 14h ngày 15/12, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an huyện Cư Kuin phát hiện cháu M.G.H., học sinh Trường THCS Dray Bhăng (trú tại xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin) có hành vi chế tạo pháo nổ.
Qua làm việc, cháu H. khai nhận, vào cuối tháng 11/2024, cháu lên mạng xã hội Facebook tìm hiểu về cách thức chế tạo pháo nổ, sau đó đặt mua các tiền chất hóa học về tự chế tạo pháo tại nhà. Tại thời điểm phát hiện, cơ quan công an đã thu giữ 16 quả pháo nổ tự chế.
Tiếp đó, ngày 16/12, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an huyện Cư Kuin tiếp tục phát hiện 8 cháu học sinh cấp 2 trên địa bàn xã Ea Bhốk (huyện Cư Kuin) có hành vi mua các tiền chất trên mạng như lưu huỳnh, phốt pho, than đá về chế tạo pháo nổ để sử dụng và bán cho bạn bè.
Tiến hành kiểm tra, cơ quan công an đã thu giữ 104 quả pháo tự chế, trong đó có 3 quả pháo cối kích thước 4x7cm; 0,7kg các tiền chất các loại.
Thông tin từ Công an huyện Cư Kuin cho biết, thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, từ ngày 15/12 đến nay, các đơn vị Công an huyện đã phát hiện 5 vụ liên quan đến pháo, đồ chơi nguy hiểm, với 13 đối tượng (trong đó có 11 học sinh). Lực lượng công an đã thu giữ 144 quả pháo; 1,2kg pháo; 7 khẩu súng (trong đó có 5 khẩu súng côn xoay bằng kim loại, 2 khẩu súng côn xoay bằng nhựa; 302 băng đạn súng pháo; 12 xấp viên pháo xoay...
Trao đổi với Người Đưa Tin, một lãnh đạo Công an huyện Cư Kuin cho biết, sau khi phát hiện các vụ việc nói trên, Công an huyện đã mời gia đình lên làm việc, đề nghị cam kết thực hiện các biện pháp răn đe, giáo dục nhằm ngăn ngừa các vụ việc đáng tiếc xảy ra.
Để công tác phòng, chống pháo nổ đạt hiệu quả cao, Công an huyện Cư Kuin cho rằng, phụ huynh cần giám sát việc sử dụng Internet của con em, hướng dẫn trẻ tiếp cận nội dung phù hợp và tránh xa các video có nội dung nguy hiểm.
Đồng thời, phụ huynh cần làm gương bằng cách sử dụng các sản phẩm pháo hợp pháp do Nhà nước cung cấp, tuyệt đối không sử dụng pháo tự chế. Hướng dẫn trẻ báo cáo những nội dung độc hại cho cha mẹ hoặc thầy cô để có biện pháp xử lý kịp thời.
Ngoài ra, Công an huyện Cư Kuin cũng đề nghị, khi phát hiện các vụ việc nghi vấn liên quan đến hoạt động sử dụng, chế tạo, mua bán, tàng trữ trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, người dân liên hệ trực tiếp cho công an xã nơi gần nhất để được tiếp nhận, hướng dẫn.
Tai nạn thương tâm
Việc chế tạo pháo nổ không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là việc làm rất nguy hiểm, gây nguy cơ tai nạn thương tâm.
Mới đây, vào chiều 14/12, sau khi tìm hiểu cách chế tạo pháo trên mạng xã hội, 3 em học sinh gồm: L.B.H, P.C.H và L.H.A.N (cùng là học sinh lớp 6, Trường THCS Trần Hưng Đạo, xã Tam Giang, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) đã rủ nhau tự chế tạo pháo nổ. Các vật liệu chế tạo pháo được các em mua tại một tài khoản trên mạng xã hội.
Trong quá trình chế tạo pháo không may phát nổ, khiến cả ba học sinh nói trên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng bị thương ở nhiều nơi, nhiều mảnh thủy tinh găm vào người. Trong đó, 1 em bị dập nát ngón tay.
Ông Trần Võ Toàn, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Năng cho biết, sau khi vụ việc nói trên xảy ra, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Năng đã xuống trường nắm bắt thông tin. Đồng thời, tiếp tục ban hành văn bản yêu cầu các trường học trên địa bàn tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích liên quan đến pháo nổ.
Theo ông Phạm Bá Thìn, Chủ tịch UBND huyện Krông Năng, từ nay đến cuối năm, nhất là thời điểm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, dự báo tình hình vi phạm pháp luật về pháo sẽ có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm về pháo, thuốc nổ, tiền chất thuốc nổ xảy ra trên địa bàn, nhất là trong giới học sinh, thanh thiếu niên, ngày 17/12, Chủ tịch UBND huyện Krông Năng đã ra Văn bản số 2769/UBND-CA yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, ban ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn,... trên địa bàn tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền phòng ngừa, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến pháo.
Nội dung văn bản nêu rõ: "Đơn vị, địa phương nào không triển khai, triển khai không có hiệu quả các biện pháp tuyên truyền, cảnh báo, dẫn đến xảy ra các vụ việc tai nạn liên quan đến pháo thì xử lý trách nhiệm người đứng đầu của đơn vị, địa phương đó".
Trong đó, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu Ban Giám hiệu các trường THPT, GDNN-GDTX; Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học thuộc phạm vi quản lý thường xuyên, hàng tuần (buổi chào cờ đầu tuần) tuyên truyền, giáo dục cho học sinh nâng cao hiểu biết về tác hại hậu quả nguy hiểm của việc chế tạo và sử dụng pháo nổ.
Chủ tịch UBND huyện cũng chỉ đạo, Ban Giám hiệu các trường tiếp tục tổ chức cho học sinh, phụ huynh học sinh, ký cam kết không mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng (đốt) pháo trái phép. Đồng thời, xem xét, quy trách nhiệm liên đới đối với giáo viên chủ nhiệm, Ban Giám hiệu nhà trường nếu để xảy ra tình trạng tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo trong học sinh...
Thông tin từ Khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết, khoảng một tháng gần đây, Khoa tiếp nhận 4-5 trường hợp học sinh bị tai nạn do hỏa khí. Đa số các trường hợp bị tổn thương rất nặng ở hai bàn tay, bị mất 3-4 ngón tay, tổn thương mắt, cụt tay... Điều này khiến bệnh nhân mất chức năng, làm giảm khả năng lao động.
Đáng nói, vào thời điểm gần và trước Tết âm lịch, số ca bị thương liên quan đến pháo nổ rất nhiều. Trung bình trong một tuần, Khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) tiếp nhận khoảng 2-3 ca với lứa tuổi từ 12-16 tuổi.