Học sinh chế tạo pháo bán chơi Tết
Ngày 13/1, thông tin từ Công an huyện Lương Sơn (Hòa Bình) cho biết, vừa bắt quả tang B. C. Tr, sinh năm 2008, trú tại Thị trấn Bo, Kim Bôi, Hòa Bình đang tàng trữ, vận chuyển 30 khối trụ hình tròn màu trắng kích thước khác nhau, một đầu gắn dây, tổng trọng lượng là 9,3kg.
Tr khai nhận các khối hình trụ này là pháo nổ tự chế. Tr lấy số pháo trên tại nhà của B. Đ. K. H, sinh năm 2007, trú tại khu Nội Sung, Thị trấn Bo, Kim Bôi, Hòa Bình để mang đi bán. Hiện, Công an huyện Lương Sơn đã tạm giữ B. C. Tr và B. Đ. K. H để phục vụ điều tra xác minh.
Theo cơ quan chức năng, thời điểm cuối năm, gần Tết Nguyên đán, các vụ tai nạn do chế tạo, mua bán, vận chuyển pháo trái phép, đặc biệt là tình trạng thanh thiếu niên mua nguyên vật liệu tự chế pháo nổ diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương.
Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, gây thiệt hại tới sức khỏe thậm chí là tính mạng. Các bậc cha mẹ, phụ huynh cần có biện pháp quản lý, giáo dục con, em không mua bán, tàng trữ, sử dụng và chế tạo các loại pháo. Mọi hành vi liên quan đều là hành vi vi phạm Pháp luật, bị nghiêm cấm dưới mọi hình thức.
Tại Điều 5, Nghị định 137/2020 của Chính phủ quy định về các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này.
Theo đó, hành vi tự chế tạo, buôn bán pháo tự chế sẽ bị xử lý theo Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm như sau:
Phạt tiền 5 - 10 triệu đồng đối với các hành vi: Trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép.
Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với các hành vi: Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép phụ kiện nổ; Vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo.
Căn cứ tính chất, mức độ, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” (Điều 305) hoặc “Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm” (Điều 190) Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.