Học phí đại học công lập lên đến 3,5 triệu đồng/tháng từ năm học 2025
Năm học 2021 - 2022, mức trần học phí các trường đại học công lập cao nhất 1,43 triệu đồng/tháng và lên mức cao nhất 3,5 triệu đồng vào năm học 2025 - 2026.
Nghị định số 81/2021/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2021.
Đáng chú ý là quy định về học phí đại học. Theo đó, mức trần học phí năm học 2021 - 2022 đối với các ngành đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học công lập được áp dụng bằng mức trần học phí của các cơ sở giáo dục đại học công lập do Nhà nước quy định áp dụng cho năm học 2020 - 2021, mức cụ thể như sau:
Mức trần học phí năm học 2021 - 2022 đối với các khối ngành đào tạo trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được quy định từ 980.000 đến 1.430.000 đồng/sinh viên/tháng.
Từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 - 2026, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên được quy định theo từng khối ngành với mức từ 1.200.000 đến 3.500.000 đồng/sinh viên/tháng.
Cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: Mức học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí nêu trên tương ứng với từng khối ngành và từng năm học.
Cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Mức học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí nêu trên tương ứng với từng khối ngành và từng năm học.
Bên cạnh quy định về mức trần học phí, Nghị định 81/2021/NĐ-CP cũng quy định rõ về các đối tượng sinh viên được miễn, giảm học phí. Cụ thể, người theo học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục đại học sẽ không phải đóng học phí.
Những đối tượng sinh viên được miễn học phí bao gồm: Sinh viên khuyết tật; không có nguồn nuôi dưỡng, đối tượng hưởng trợ cấp xã hội; mồ côi không nơi nương tựa; Sinh viên học tại các có sở giáo dục nghề nghiệp và đại học người dân tộc thiểu số có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trường hợp ở với ông bà) thuộc thuộc diện hộ nghèo và hộ cận nghèo;
Sinh viên học chuyên ngành Mác - Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Sinh viên học một trong các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Giám định pháp Y, Pháp y tâm thần và Giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước.
Sinh viên hệ cử tuyển theo quy định của Chính phủ về chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân… Sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 57/2017NĐ-CP năm 2017 của Chính phủ;
Các đối tượng sinh viên được giảm 70% học phí bao gồm: Sinh viên học các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập, tư thục có đào tạo về văn hóa - nghệ thuật bao gồm: Nhạc công kịch hát dân tộc, nhà công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ, diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật bài chòi, biểu diễn nhạc cụ truyền thống.
Sinh viên học các chuyên ngành nhac nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc; Một số nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với giáo dục nghề nghiệp theo danh mục các nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định. Sinh viên là người dân tộc thiểu số ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Giảm 50% với các đối tượng: Sinh viên là con cán bộ, công chức, viên chức, công nhân mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên.