Học ngành Quy hoạch vùng và đô thị cơ hội việc làm cao vì nhiều doanh nghiệp cần

Theo TS. Lê Quỳnh Chi, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm kiến trúc sư quy hoạch, do vậy sinh viên sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm.

Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng, vai trò của công tác quy hoạch vùng và đô thị ngày càng trở nên quan trọng với sự phát triển của đất nước và từng địa phương.

Tuy là ngành học còn khá mới tại Việt Nam nhưng Quy hoạch vùng và đô thị được đánh giá là ngành có cơ hội việc làm rộng mở và phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội. Ngành này hướng tới đào tạo các kiến trúc sư quy hoạch làm việc chủ yếu trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị, nông thôn.

Chương trình đào tạo ngành Quy hoạch vùng và đô thị

Trao đổi với phóng viênTạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Quỳnh Chi - Phụ trách bộ môn Quy hoạch vùng và đô thị, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, Quy hoạch vùng và đô thị là ngành thiết kế không gian sống học tập, làm việc, vui chơi giải trí, thể thao, mua sắm, du lịch… bao gồm tất cả các không gian bên ngoài công trình.

Học ngành Quy hoạch vùng và đô thị, sinh viên sẽ được cung cấp kiến thức thiết kế từ các khu đô thị thông minh, hiện đại, các khu giải trí mang tầm quốc tế đến các tuyến phố đi bộ, tái sử dụng không gian nhà máy cho các hoạt động sáng tạo. Sinh viên vừa nắm được nghệ thuật để tạo nên các không gian đẹp, vừa nắm được kỹ thuật để không gian có thể xây dựng được.

Ngoài được trang bị kỹ năng về mặt diễn họa, thể hiện các không gian, sinh viên còn được rèn kỹ năng mềm để làm việc với nhiều đối tác, đặc biệt là cộng đồng cư dân địa phương.

 Tiến sĩ Lê Quỳnh Chi, phụ trách bộ môn Quy hoạch vùng và đô thị, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Lê Quỳnh Chi, phụ trách bộ môn Quy hoạch vùng và đô thị, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Bên cạnh đó nhà trường cũng chú trọng hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo. Thứ nhất là tổ chức chương trình thực tập tại các công ty tư vấn thiết kế, tập đoàn bất động sản và cơ quan quản lý. Thứ hai là kết nối với doanh nghiệp thông qua các môn học, đặc biệt là đồ án kết hợp giữa kiến thức nhà trường và nhu cầu thực tiễn của chủ đầu tư.

Sinh viên nhà trường được tiếp xúc với doanh nghiệp từ năm thứ 2, được đi khảo sát thực địa và trình bày phương án với doanh nghiệp. Đồng thời, các sản phẩm thiết kế của sinh viên cũng được chuyển giao cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, sự hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế thông qua các dự án quy hoạch mang tính cộng đồng và xã hội cũng giúp sinh viên tiếp cận với các xu hướng mới, thể hiện trách nhiệm xã hội và nhận thức được giá trị công việc mình đang làm.

Trong khi đó, Thạc sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Phạm Kim Toàn - Trưởng Bộ môn Quy hoạch, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng cho biết, ngành Quy hoạch vùng và đô thị cung cấp kiến thức cơ bản về khoa học xã hội, kinh tế và pháp luật cho việc học tập, nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực chuyên môn. Bên cạnh đó là kiến thức về lịch sử quy hoạch tiêu biểu ở Việt Nam và thế giới để kết nối kinh nghiệm, ứng dụng và hình thành quan điểm cá nhân. Qua đó, sinh viên sẽ xác định được các yếu tố về xã hội, môi trường trong quá trình thiết kế kiến trúc, quy hoạch và đánh giá được sự thích ứng của đô thị.

Về kỹ năng, sinh viên có kỹ năng trình bày quy trình thiết kế một đồ án kiến trúc, quy hoạch theo các tiêu chuẩn liên quan đến kiến trúc, quy hoạch vùng và đô thị. Đồng thời vận dụng kiến thức để phát triển chương trình thiết kế và giám sát thông qua nghiên cứu, phân tích hồ sơ.

Trong quá trình học, sinh viên có nhiều cơ hội trải nghiệm thực tế từ các môn học ứng dụng mô hình học tập gắn kết cộng đồng và hội thảo từ doanh nghiệp. Với học phần thực tập tốt nghiệp, sinh viên được trường gửi đến các đơn vị trong lĩnh vực chuyên ngành để thực tập trong vòng 6 tuần.

Sau mỗi chuyến đi thực tế, sinh viên có thêm nhiều ý tưởng trong việc nghiên cứu và đề xuất các giải pháp tăng tính nhận diện cho địa phương. Đồng thời gắn kết các yếu tố môi trường, kinh tế - xã hội để tạo ra những không gian đẹp, góp phần phát triển du lịch bền vững.

 Sinh viên ngành Quy hoạch vùng và đô thị, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng tham gia khảo sát thực tế phục vụ môn học tại làng chài Nam Thọ - Thọ Quang. Ảnh: NTCC.

Sinh viên ngành Quy hoạch vùng và đô thị, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng tham gia khảo sát thực tế phục vụ môn học tại làng chài Nam Thọ - Thọ Quang. Ảnh: NTCC.

Cơ hội việc làm đa dạng nhưng cần nắm chắc nhiều kỹ năng

Theo Tiến sĩ Lê Quỳnh Chi, sinh viên tốt nghiệp ngành Quy hoạch vùng và đô thị có thể làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước, công ty tư vấn thiết kế, tập đoàn đầu tư. Cụ thể là thực hiện công tác quản lý đô thị, quản lý dự án đầu tư xây dựng, cấp phép tại các cơ quan quản lý nhà nước các cấp từ trung ương đến tỉnh/thành phố, quận/huyện, phường/xã.

Ngoài ra, sinh viên có thể trở thành nhà tư vấn, thực hiện các dự án thiết kế không gian từ quy mô đô thị đến các khu du lịch, các khu đô thị mới, các khu trung tâm công cộng, thiết kế các không gian nhỏ tại các đơn vị tư vấn hoặc tư vấn, quản lý dự án của chủ đầu tư. Sinh viên ra trường cũng có khả năng làm việc trong lĩnh vực bất động sản do có kiến thức, kỹ năng phân tích, xác định giá trị đất đai.

Để thực hiện tốt công việc, đòi hỏi sinh viên phải có kiến thức về nghệ thuật tổ chức không gian đẹp và khoa học, có khả năng diễn họa được ý tưởng không gian, có khả năng thuyết trình tốt để thuyết phục khách hàng. Đặc biệt, nếu sinh viên có khả năng ngoại ngữ tốt sẽ có nhiều cơ hội làm việc cho các doanh nghiệp liên doanh nước ngoài với mức lương cao.

Tiến sĩ Lê Quỳnh Chi cho biết, theo khảo sát hàng năm của Trường Đại học Xây dựng, tỷ lệ sinh viên ngành Quy hoạch vùng và đô thị ra trường có việc làm đạt trên 90%, trong đó trên 80% sinh viên làm việc đúng với ngành đào tạo.

"Nhiều sinh viên chỉ mất 6 tháng đến 1 năm làm việc thực tế để có những bước tiến vượt bậc, thậm chí có thể chủ trì thiết kế một số dự án quy hoạch. Điều này có được nhờ sự nỗ lực của bản thân sinh viên và nền móng kiến thức, kỹ năng, thái độ làm việc các em được trang bị.

Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm kiến trúc sư quy hoạch, đặc biệt là kiến trúc sư quy hoạch có năng lực và kinh nghiệm thực tế. Do vậy, sinh viên quy hoạch ra trường không hề khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm", cô Chi cho hay.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn sẵn sàng nhận sinh viên năm 3, năm 4 vào làm việc bán thời gian. Đây cũng là cơ hội để các bạn có thêm kinh nghiệm làm việc ngay từ khi chưa tốt nghiệp. Với những kiến trúc sư quy hoạch có kinh nghiệm và năng lực quản lý, vận hành, tổ chức nhóm, đặc biệt nếu có kỹ năng thuyết trình, báo cáo làm việc với nhà đầu tư, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp lớn sẵn sàng "trải thảm đỏ" mời các bạn về làm việc. Sau 3-5 năm tích lũy đủ kinh nghiệm, kiến thức nghề, kiến trúc sư có thể dễ dàng thành lập các văn phòng, công ty riêng để hoạt động.

Ngoài ra, sinh viên sau khi tốt nghiệp có nhiều cơ hội làm việc trong môi trường quản lý nhà nước như các phòng kinh tế và hạ tầng, quản lý đô thị, phòng quy hoạch ở các địa phương, sở ban ngành hay ủy ban nhân dân các cấp.

 Sinh viên ngành Quy hoạch vùng và đô thị, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội thực hành môn học. Ảnh: NTCC

Sinh viên ngành Quy hoạch vùng và đô thị, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội thực hành môn học. Ảnh: NTCC

Tiến sĩ Lê Quỳnh Chi chia sẻ, ngành Quy hoạch vùng và đô thị là ngành có điểm đầu vào ở mức không quá khó và được giữ ổn định qua các năm. Hàng năm, ngành luôn thu hút đủ lượng sinh viên theo chỉ tiêu tuyển sinh với chất lượng đầu vào đảm bảo việc học tập.

"Sự quan tâm của thí sinh không chỉ thể hiện qua số lượng đầu vào mà còn ở sự trao đổi, tương tác trong thời gian dài trước đó giữa học sinh, phụ huynh và thầy cô thông qua trang fanpage ngành. Nhiều gia đình có phụ huynh, anh chị em đã theo học lĩnh vực quy hoạch tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã tin tưởng cho con em tiếp tục theo học", cô Chi thông tin.

Anh Nguyễn Quang Huy, Trưởng phòng Quy hoạch 5, Viện Quy hoạch và Kiến trúc Đô thị đồng thời là cựu sinh viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chia sẻ, công tác quy hoạch xây dựng hiện nay rất được chú trọng từ trung ương đến địa phương, ở cả các doanh nghiệp lẫn người dân.

Theo anh Huy, các kiến thức ở trường học giúp sinh viên có góc nhìn tổng quan về nghề, rèn tư duy thiết kế sáng tạo và được tham gia làm nhiều đồ án hoàn chỉnh. Tuy nhiên trong thực tế, khi bắt đầu bước chân vào nghề, kiến trúc sư phải làm từ những việc nhỏ nhất, đơn giản nhất, đòi hỏi tính kiên trì, cẩn thận, tỷ mỉ với mỗi công việc được giao.

"Sinh viên mới ra trường cần nắm chắc và sử dụng thành thạo các phần mềm cơ bản như các ứng dụng tin học văn phòng, Autocad, Photoshop… Ngoài ra, các bạn cần am hiểu hệ thống luật, nghị định, thông tư về lĩnh vực quy hoạch xây dựng. Để tiến xa hơn trong công việc, sinh viên cũng cần có kỹ năng thuyết trình, báo cáo, bảo vệ, kỹ năng phối hợp làm việc nhóm, khả năng tư duy sáng tạo trong thiết kế", anh Nguyễn Quang Huy cho hay.

Cần chuyển đổi hướng đào tạo dựa trên dự án thực tiễn

Chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn trong công tác đào tạo ngành Quy hoạch vùng và đô thị Thạc sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Phạm Kim Toàn cho biết, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng có đội ngũ giảng viên chất lượng cao, cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy và học. Nhiều khóa tốt nghiệp đảm bảo được yêu cầu công việc của các đơn vị quản lý nhà nước. Chất lượng sinh viên được khẳng định qua nhiều giải thưởng lớn do Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam trao và đồ án tốt nghiệp của sinh viên.

Hàng năm, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng đều duy trì tuyển sinh ngành Quy hoạch vùng và đô thị với số lượng từ 100 - 120 sinh viên. Tuy nhiên, 5 năm gần đây, việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn và số lượng tuyển sinh không đạt yêu cầu bởi nhiều lý do khác nhau. Từ bối cảnh xã hội đến công việc, thu nhập và đặc thù của ngành nghề đều ảnh hưởng đến đến sự quan tâm của người học. Mặc dù số lượng đầu vào ít, nhà trường vẫn đảm bảo chất lượng đào tạo, chương trình học được rà soát, cải tiến liên tục để đáp ứng nhu cầu xã hội.

Thạc sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Phạm Kim Toàn cho biết thêm, những năm qua, hơn 80% sinh viên ngành Quy hoạch vùng và đô thị ra trường có việc làm theo đúng lĩnh vực, chuyên ngành đào tạo, hơn 10% sinh viên làm việc ở lĩnh vực có kiến thức liên quan.

"Tuy nhiên, mức thu nhập của sinh viên mới ra trường ở các đơn vị như sở xây dựng các tỉnh thành, sở tài nguyên môi trường, viện quy hoạch xây dựng… chỉ được thanh toán theo định mức và hệ số lương rất hạn chế. Vì vậy, sinh viên ra trường phải rất nỗ lực, thậm chí làm thêm công việc khác để trụ lại với nghề. Điều này phần nào phản ánh công tác đào tạo ngành Quy hoạch vùng và đô thị chưa được xã hội đánh giá đúng vai trò", Trưởng Bộ môn Quy hoạch, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng nhận định.

Đối với Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, việc đào tạo sinh viên ngành Quy hoạch vùng và đô thị có nhiều thuận lợi do đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản, có nhiều năm kinh nghiệm, mạng lưới kết nối với các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế rộng. Nhà trường và khoa chú trọng xây dựng hệ sinh thái học tập sáng tạo, tổng hợp để sinh viên có thể giao lưu, trao đổi, phát triển bản thân.

Bên cạnh đó, sinh viên có nhiều cơ hội được đào tạo tích hợp, liên ngành bởi nhiều thầy cô, chuyên gia đến từ các lĩnh vực xây dựng khác nhau như kiến trúc dân dụng, xây dựng dân dụng, giao thông - cầu đường, kinh tế, môi trường, công nghệ thông tin…. Phong trào nghiên cứu khoa học, phong trào làm việc cùng các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế, các hoạt động tham gia khóa học quốc tế ngắn hạn luôn diễn ra sôi nổi. Sinh viên có nhiều cơ hội tiếp cận và trải nghiệm thực tiễn trong tất cả các năm học.

Về mặt khó khăn, cô Chi cho biết, quy hoạch vùng và đô thị vẫn là khái niệm còn mơ hồ với cộng đồng, do đó học sinh phổ thông thường không định hình rõ mình sẽ học gì, làm gì khi học quy hoạch. Đối với sinh viên đã nhập học, điều này được khắc phục qua môn học giới thiệu ngành, cũng như các buổi giao lưu, tiếp xúc với doanh nghiệp và các khóa sinh viên.

 Sinh viên ngành Quy hoạch vùng và đô thị, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội thực hành môn học. Ảnh: NTCC

Sinh viên ngành Quy hoạch vùng và đô thị, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội thực hành môn học. Ảnh: NTCC

Để nâng cao chất lượng dạy và học ngành Quy hoạch vùng và đô thị, Tiến sĩ Lê Quỳnh Chi nhận định, công tác truyền thông xã hội cần được đẩy mạnh hơn nữa. Với xu thế phát triển của ngành Quy hoạch vùng và đô thị trên thế giới, cần chuyển đổi hướng đào tạo từ đào tạo chủ yếu lý thuyết trên giảng đường sang đào tạo dựa trên dự án thực tiễn (project-based). Đây là xu hướng các nước đã chuyển đổi, trong đó chú trọng vào các dự án làm việc với cộng đồng.

Cô Chi mong muốn, với sự phát triển của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, tổ hợp tuyển sinh đầu vào ngành Quy hoạch vùng và đô thị có thể mở rộng hơn nữa. Từ đó, năng lực về nghệ thuật và diễn họa có thể được đào tạo trên giảng đường đại học.

Ngoài ra, với xu hướng toàn cầu hóa, sinh viên cần được tăng cường cơ hội giao lưu với quốc tế, nhìn nhận vấn đề toàn cầu, giải quyết ở quy mô địa phương. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, cần gắn kết chặt chẽ giữa công nghệ tiên tiến và kỹ thuật phân tích, thiết kế không gian, để sinh viên có thể tận dụng công nghệ tối đa, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ thiết kế và dữ liệu lớn trong phân tích dữ liệu.

Ngành Quy hoạch vùng và đô thị cần được định hướng trở thành một lĩnh vực tổng hợp và đa ngành. Chương trình học được xây dựng theo hướng xuyên ngành, trong đó chuẩn đầu ra của sinh viên bao gồm kiến thức và kỹ năng của ngành Quy hoạch vùng và đô thị, cùng các lĩnh vực liên quan mật thiết như kinh tế đô thị, khoa học xã hội, công nghiệp văn hóa...

Bích Ngọc

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hoc-nganh-quy-hoach-vung-va-do-thi-co-hoi-viec-lam-cao-vi-nhieu-doanh-nghiep-can-post245508.gd
Zalo