Học môn Lý luận chính trị thông qua các triển lãm, vở kịch lịch sử hào hùng của dân tộc
Thầy cô và sinh viên (SV) Trường Cao đẳng FPT Polytechnic vừa thực hiện phương pháp giảng dạy - học tập mới: Biến môn Lý luận chính trị (LLCT) với những khái niệm trừu tượng, lịch sử (LS) dày đặc, từ lâu đã là thách thức lớn đối với cả giảng viên (GV) lẫn SV, trở thành môn học sống động, hấp dẫn, thông qua các buổi triển lãm tái hiện những cột mốc LS hào hùng, các hình ảnh nhân vật, thậm chí cả vở kịch lịch sử truyền cảm hứng đến các SV.
Từ giảng dạy thông qua triển lãm...
Theo cô Nguyễn Huệ Linh - GV môn LLCT của Trường Cao đẳng FPT Polytechnic, đây là phương pháp giúp thay đổi cách SV tiếp cận môn học này.
Thông qua triển lãm và các vở kịch LS được tái hiện trên sân khấu (SK), các em sẽ cảm thấy hào hứng, nhớ kỹ hơn từng cột mốc LS hào hùng của dân tộc. Triển lãm là cách tiếp cận đầu tiên giúp SV hình dung cụ thể về các chủ đề liên quan đến LLCT, LS.
Trong những sự kiện này, SV được khuyến khích tự nghiên cứu, sáng tạo nên các nội dung trưng bày cũng phong phú, như mô hình, infographic, tranh vẽ và các sản phẩm đa phương tiện. “Qua việc tổ chức triển lãm, không gian học tập không còn giới hạn trong lớp học truyền thống mà mở rộng ra môi trường giàu tính tương tác, sáng tạo”, cô Linh chia sẻ.
Sinh viên Nguyễn Văn Mạnh cho biết, ban đầu cũng cảm thấy lo vì chưa được tiếp cận phương pháp học tập này, nhưng khi được thầy cô hướng dẫn, Mạnh và các bạn đã cảm thấy hào hứng, đam mê tìm hiểu các giai đoạn LS của đất nước.
“Chúng em không chỉ được quan sát mà còn tự chuẩn bị, sắp đặt và kể lại những câu chuyện LS qua góc nhìn của mình. Phương pháp triển lãm LS là cách học đầy sáng tạo, biến những sự kiện khô khan trên trang giấy thành không gian trực quan sinh động. Đây thực sự là phương pháp học mới mẻ, hiệu quả, truyền cảm hứng mạnh mẽ”, Mạnh chia sẻ thêm.
Khi tìm hiểu về các phong trào Cách mạng Việt Nam, SV có thể tái hiện các cột mốc LS qua sơ đồ, tranh vẽ hoặc mô phỏng hiện vật như lá cờ, bản đồ chiến lược…, qua đó giúp hiểu sâu hơn về bối cảnh, ý nghĩa và giá trị của từng giai đoạn LS. Chính sự tham gia chủ động này giúp kiến thức thấm sâu hơn vào tâm trí SV.
... Đến học từ những vở kịch lịch sử hào hùng của dân tộc
Cũng theo GV Huệ Linh, SK hóa là một hình thức độc đáo để tái hiện các sự kiện LS. Thay vì chỉ đọc tài liệu hoặc nghe giảng, SV được hóa thân thành các nhân vật LS, từ những lãnh đạo nổi tiếng đến các nhân vật thầm lặng trong các phong trào Cách mạng.
Việc này không chỉ khơi dậy cảm xúc mà còn giúp SV hiểu rõ hơn về tâm tư, nguyện vọng và bối cảnh hành động của từng nhân vật.
Mỗi vở kịch đều giúp SV hiểu sâu sắc hơn tinh thần yêu nước, lòng quả cảm, ý chí Cách mạng của thế hệ đi trước. Quá trình chuẩn bị, các nhóm SV phải nghiên cứu kỹ tài liệu, thảo luận, phân vai và tập luyện cùng nhau, qua đó không chỉ học hỏi kiến thức mà còn rèn luyện các kỹ năng mềm như giao tiếp, hợp tác, sáng tạo.
Ngoài ra, SV còn tham gia tranh biện - phần không thể thiếu trong phương pháp học tập này. Đây là cơ hội để SV thảo luận, phân tích, bảo vệ quan điểm của mình về các vấn đề chính trị, xã hội. Thông qua tranh biện, SV cũng học được cách lập luận logic, phản biện sắc bén... Quá trình này giúp SV không chỉ nắm vững kiến thức mà còn phát triển tư duy độc lập và khả năng thuyết phục người khác…
Việc kết hợp triển lãm, SK hóa và tranh biện mang lại nhiều lợi ích vượt xa việc tiếp thu kiến thức đơn thuần. Trước hết, SV trở nên chủ động hơn trong học tập, từ việc nghiên cứu tài liệu đến trình bày ý tưởng.
Phương pháp này còn giúp SV phát triển các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, sáng tạo, thuyết trình, phản biện và giải quyết vấn đề. Đặc biệt, SV còn có cơ hội khám phá đồng thời thể hiện năng khiếu cá nhân, từ diễn xuất, thiết kế đến lãnh đạo nhóm…
Bên cạnh đó, việc trải nghiệm các sự kiện LS qua hình thức trực quan và tương tác này cũng giúp SV nhận thức sâu sắc hơn về giá trị của các bài học LS, qua đó học không phải để thi mà để hiểu, để trân quý những giá trị to lớn trong quá khứ, phòng tránh nguy cơ diễn biến hòa bình, cách mạng màu trong bối cảnh hiện nay.
Việc đổi mới phương pháp giảng dạy môn LLCT thông qua triển lãm, SK hóa và tranh biện là hướng đi đầy sáng tạo, hiệu quả, không chỉ giúp SV tiếp thu kiến thức tốt hơn, phương pháp này còn khơi dậy niềm yêu thích học tập và phát triển toàn diện những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống.
Đây là minh chứng rõ ràng rằng môn LLCT không hề khô khan, mà ngược lại có thể trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ khi được truyền tải bằng những cách thức sáng tạo, gần gũi.