Học hỏi kinh nghiệm quốc tế để hội nhập và phát triển
Phổ biến kiến thức và kinh nghiệm quốc tế có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Kiểm toán nhà nước (KTNN), đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Việc nâng cao hiệu quả công tác này không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết mà còn là một chiến lược dài hạn để KTNN phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu của thời đại số hóa và hội nhập toàn cầu.

Đoàn công tác của KTNN Việt Nam do Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung làm Trưởng đoàn thăm và làm việc với Tòa Thẩm kế Hy Lạp, tháng 11/2024. Ảnh: TL
Chủ động nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế
Ngay từ khi mới thành lập vào tháng 7/1994, KTNN đã không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ các tổ chức kiểm toán khu vực và thế giới, cũng như các đối tác song phương là cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) của các nước phát triển, các tổ chức nghề nghiệp, các hãng kiểm toán lớn trên thế giới...; qua đó, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, từng bước tiệm cận với các thông lệ tốt của thế giới.
Với sự tham gia vào các Nhóm công tác của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI), Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI), hoạt động hợp tác quốc tế đã phát huy vai trò là cầu nối kiến thức thông qua việc nghiên cứu và áp dụng có chọn lọc nguồn tài liệu chuyên môn khổng lồ từ các tổ chức vào hoạt động của KTNN.
Từ năm 2009 đến nay, KTNN đã và đang tham gia 4 Đề án nghiên cứu của ASOSAI về “Phương pháp xây dựng kế hoạch kiểm toán dựa trên rủi ro và Kiểm toán đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)”; “Kiểm toán việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”; “Kiểm toán từ xa cho các SAI: Tương lai và Thách thức”; “Thúc đẩy trí tuệ nhân tạo để nâng cao tính hiệu quả và hiệu lực trong hoạt động kiểm toán công”. Đồng thời, KTNN tham gia 2 đề án của INTOSAI về “Các công nghệ, ứng dụng mới trong phát triển và tăng cường chuyên môn của SAI đối với sử dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động kiểm toán” và Dự án “Hướng dẫn kiểm toán việc mua lại, xây dựng và triển khai hệ thống công nghệ thông tin”.

KTNN chủ động học hỏi kinh nghiệm quốc tế, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Ảnh: TL
KTNN cũng tích cực, chủ động tham gia và tổ chức các hoạt động hội thảo, hội nghị quốc tế, các khóa đào tạo và tập huấn chuyên sâu ngắn hạn hoặc dài hạn nhằm nắm bắt cơ hội học hỏi kinh nghiệm của các chuyên gia trong và ngoài nước. Riêng trong năm 2024, KTNN đăng cai tổ chức 3 hội thảo, hội nghị quốc tế, nổi bật là Hội nghị lần thứ 8 Nhóm công tác dữ liệu lớn của INTOSAI, tổ chức tại tỉnh Ninh Bình.
Với nhu cầu học tập, chia sẻ kinh nghiệm với KTNN các nước về nhiều lĩnh vực chuyên môn quan trọng, lãnh đạo KTNN đã dẫn đầu nhiều đoàn công tác thăm và chia sẻ kinh nghiệm với một số SAI trên thế giới. Đơn cử như chuyến thăm và làm việc tại Peru của Tổng Kiểm toán nhà nước, trao đổi về quá trình thực hiện kiểm toán hợp tác; Tổng Kiểm toán nhà nước thăm và làm việc với Cơ quan Kiểm toán quốc gia Vương quốc Anh, Văn phòng Kiểm toán xứ Wales và Hiệp hội Kế toán công chứng Anh, chia sẻ kinh nghiệm về việc áp dụng các thông lệ phổ biến, xây dựng các hướng dẫn về kiểm toán môi trường và kiểm toán phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng và tăng cường tính minh bạch của nền tài chính quốc gia. Đoàn công tác của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung thăm và làm việc với KTNN Hy Lạp và KTNN Georgia, trao đổi kinh nghiệm về chủ đề kiểm toán môi trường liên quan đến khí hậu và bảo vệ rừng...
Ngoài ra, KTNN chủ trì và tham gia nhiều khóa đào tạo, hội thảo, hội nghị quốc tế cũng như chủ trì hoặc phối hợp với các SAI triển khai các cuộc kiểm toán hợp tác; xuất bản ấn phẩm Bản tin quốc tế về các hoạt động nổi bật và cập nhật các kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn kiểm toán mới nhất của các cơ quan, tổ chức có liên quan trên thế giới; tổ chức biên dịch tài liệu, cung cấp cho các đơn vị trong Ngành...
Vụ Hợp tác quốc tế phải tiên phong trong việc học hỏi các kinh nghiệm tốt trên thế giới, tham mưu Lãnh đạo KTNN đưa các kinh nghiệm này áp dụng vào hoạt động của KTNN, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Ngành.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung
Từ năm 2017 đến nay, KTNN đã biên dịch khoảng 12.500 trang tài liệu chuyên môn, tập trung vào các nội dung liên quan đến các chuẩn mực, hướng dẫn kiểm toán, các loại hình kiểm toán; công nghệ, Luật của KTNN các nước... Đáng chú ý, công tác biên dịch đã có đóng góp quan trọng trong việc ban hành Hệ thống Chuẩn mực KTNN mới (năm 2024) với 43 chuẩn mực trên cơ sở cập nhật các sửa đổi, bổ sung của Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán quốc tế do INTOSAI xây dựng, đảm bảo phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.
Cần quy trình, công cụ đánh giá và chính sách phù hợp
Trong hơn 30 năm xây dựng và phát triển KTNN, các hoạt động chia sẻ, phổ biến kinh nghiệm quốc tế đã được thực hiện một cách thường xuyên với hình thức đa dạng, phong phú, cải thiện về chất lượng, đáp ứng nhu cầu và yêu cầu ngày càng cao của KTNN. Tuy nhiên, theo đánh giá, việc tiếp cận và chuyển giao kinh nghiệm quốc tế vẫn còn nhiều khó khăn do rào cản về ngôn ngữ, hình thức chia sẻ kinh nghiệm còn chưa hấp dẫn, hiệu quả. Ngoài ra, chưa có công cụ và phương pháp đánh giá hiệu quả hoạt động phổ biến kinh nghiệm để xác định rõ tác động của các hoạt động này đối với năng lực và chất lượng công việc của kiểm toán viên...
Để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến kinh nghiệm quốc tế của KTNN, Phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Vụ Hợp tác quốc tế, KTNN) cho rằng, cần xây dựng quy trình tiếp nhận, phân loại và áp dụng kinh nghiệm quốc tế một cách có hệ thống, đảm bảo tính ứng dụng cao; xây dựng công cụ và phương pháp đánh giá hiệu quả của các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, bao gồm việc thu thập phản hồi từ người tham gia và theo dõi các chỉ số về cải thiện năng lực, chất lượng công việc; xây dựng các chế độ, chính sách phù hợp để tạo điều kiện, khuyến khích các công chức tham gia sâu hơn vào các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm quốc tế.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy các hoạt động đào tạo, tăng cường năng lực về tiếng Anh, nghiệp vụ công tác đối ngoại cho đội ngũ kiểm toán viên để có thể tham gia sâu và có chất lượng hơn vào các hoạt động chia sẻ, phổ biến kinh nghiệm quốc tế.
Trong bối cảnh mới, KTNN cần tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chia sẻ, phổ biến kinh nghiệm quốc tế, trong đó, đẩy mạnh công tác số hóa tài liệu chuyên môn kiểm toán của khu vực và quốc tế đã được biên dịch, xây dựng thư viện trực tuyến để lưu trữ và chia sẻ tài liệu; tăng cường khai thác và tham gia các khóa đào tạo trực tuyến do INTOSAI cung cấp; xây dựng tài khoản trên các kênh truyền thông trực tuyến khác có nhiều người tiếp cận để cập nhật, phổ biến kịp thời các tài liệu, kinh nghiệm kiểm toán quốc tế./.