Học giả Trung Quốc chỉ ra đặc trưng riêng có quyết định tầm quan trọng của quan hệ Việt-Trung

Trung Quốc và Việt Nam đều là những nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, cũng có nghĩa là Đảng đóng vai trò chủ đạo, định hướng, dẫn dắt tiến trình phát triển của đất nước. Đây là điểm chung, rất quan trọng, quyết định các phương diện hợp tác giữa hai nước trong suốt 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Giáo sư Phan Kim Nga trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc.

Giáo sư Phan Kim Nga trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc.

Đây là nhận định của giáo sư Phan Kim Nga, chuyên gia của Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Giáo sư Phan Kim Nga nhận định, trong mấy chục năm qua, hợp tác kênh Đảng luôn đóng vai trò rất quan trọng, quan hệ hai Đảng luôn định hướng cho sự phát triển quan hệ hai nước. Nhìn lại lịch sử 75 năm quan hệ ngoại giao Trung Quốc-Việt Nam, ở những thời khắc quan trọng của lịch sử, các chuyến thăm của lãnh đạo hai Đảng luôn có những thông điệp, định hướng, từ đó quyết định phương hướng phát triển quan hệ hai nước cho cả một giai đoạn sau đó.

Giáo sư Phan Kim Nga, chuyên gia Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Nhân Dân, trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Video: HỮU HƯNG-HỒ QUÂN)

Gần đây nhất, lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước nhất trí tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam có ý nghĩa chiến lược. Đây là một định vị mới của quan hệ hai nước trong thời đại mới, thể hiện rõ vai trò định hướng, dẫn dắt chiến lược về chính trị của kênh Đảng.

Ý nghĩa đặc biệt của chuyến thăm

Nói về chuyến thăm lần này, bà Phan Kim Nga nhấn mạnh, đây là lần thứ tư đồng chí Tập Cận Bình thăm Việt Nam trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc, bốn lần thăm chính thức Việt Nam diễn ra trong khoảng 10 năm từ năm 2015 đến nay. Điều này thể hiện sự coi trọng đặc biệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với quan hệ Trung-Việt.

Chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mở màn chuỗi sự kiện “ngoại giao nguyên thủ” của Trung Quốc. Chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm 2025 lựa chọn Việt Nam là điểm đến, thể hiện rõ nét chính sách ngoại giao của Trung Quốc: ngoại giao láng giềng là ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc, trong khi đó, Việt Nam là hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng, cho thấy đầy đủ sự coi trọng đối với Việt Nam và quan hệ Trung-Việt.

Giáo sư Phan Kim Nga cho biết, tại Hội nghị công tác ngoại giao láng giềng Trung ương vừa được tổ chức gần đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh coi ngoại giao láng giềng là một công tác trọng tâm của Trung Quốc, là định hướng ưu tiên quan trọng để Trung Quốc và các nước láng giềng thực hiện mục tiêu cùng phồn vinh, thịnh vượng. Vì vậy, là hai nước láng giềng quan trọng của nhau, Trung Quốc và Việt Nam có mối quan hệ rất đặc biệt, được thể hiện ở mấy điểm sau: Trung Quốc và Việt Nam đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Hai nước sông liền sông, núi liền núi, văn hóa tương thông, lý tưởng tương đồng, chia sẻ tương lai.

Với những đặc điểm trên, chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có những bước tiến mới trên cơ sở của các chuyến thăm trước.

Tháng 12/2023, hai nước đã nhất trí về việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung-Việt có ý nghĩa chiến lược.

Năm 2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sang thăm Trung Quốc, hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung-Việt có ý nghĩa chiến lược đi vào hiệu quả và chiều sâu, ngoài ra còn ký kết hơn 10 văn kiện hợp tác khác. Do đó, trên cơ sở hợp tác của các năm trước, hai nước có thể sẽ ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác mới trên tất cả các lĩnh vực, bám sát nội hàm phương hướng “6 hơn” (tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác quốc phòng-an ninh thực chất hơn; hợp tác thực chất sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn); trong đó, kỳ vọng hợp tác thiết thực sẽ có bước đột phá quan trọng.

Giáo sư Phan Kim Nga, chuyên gia của Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc.

Giáo sư Phan Kim Nga, chuyên gia của Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc.

Hợp tác kinh tế-thương mại còn nhiều dư địa

Theo bà Phan Kim Nga, trong nhiều năm qua, quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước đều phát triển rất tốt, kim ngạch thương mại đã vượt con số 260 tỷ USD theo thống kê của phía Trung Quốc, còn theo thống kê của phía Việt Nam là trên 200 tỷ USD. Như vậy, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên có quy mô thương mại trên 200 tỷ với Việt Nam, còn Việt Nam là đối tác lớn thứ nhất trong ASEAN và lớn thứ tư trên thế giới của Trung Quốc. Điều này cũng có nghĩa là, trao đổi thương mại song phương có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và nâng cao mức sống của người dân ở cả hai nước.

Hơn một năm trở lại đây, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam luôn ở top đầu cả về số lượng dự án lẫn quy mô nguồn vốn, điều này là một tín hiệu rất đáng mừng, cho thấy Việt Nam đã trở thành điểm đến quan trọng trong hành trình “đi ra nước ngoài” của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Ngoài ra, hợp tác trong chuỗi sản xuất và chuỗi cung cứng vẫn còn nhiều dư địa có thể khai thác, nhất là trong các lĩnh vực như kết cấu hạ tầng về đường bộ, đường sắt…, việc cải tạo hoặc xây mới các tuyến đường kết nối hai nước hoặc nâng cấp các cửa khẩu ở khu vực biên giới hai nước sẽ có ý nghĩa rất lớn với việc khai thác các tiềm năng rộng mở giữa Việt Nam với 2 địa phương giáp ranh là Quảng Tây và Vân Nam của Trung Quốc. Ngoài ra, các sản phẩm của Việt Nam như cà phê, sầu riêng có thể thâm nhập vào khu vực nội địa rộng lớn của Trung Quốc, hoặc thông qua các chuyến tàu liên vận qua Trung Quốc để xuất khẩu sang châu Âu.

Giao lưu nhân văn là nền tảng

Khẳng định vai trò của giao lưu nhân văn - một lĩnh vực rất quan trọng, góp phần gắn kết người dân hai bên, bà Phan Kim Nga cho rằng, khi người dân đã thấu hiểu và gắn bó với nhau, thì kết nối, hợp tác trên các lĩnh vực sẽ thông suốt, thuận lợi, như kết nối hạ tầng, hợp tác kinh tế-thương mại…, do vậy đây là nền tảng, cũng là mục tiêu cao nhất của việc thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị.

Trong lĩnh vực này, hai nước đã có nỗ lực rất lớn, thí dụ như Diễn đàn nhân dân Trung Quốc-Việt Nam được tổ chức luân phiên ở mỗi nước, là một cơ chế quan trọng trong kênh ngoại giao nhân dân, giúp hai bên trao đổi về những vấn đề còn tồn tại, hay những định hướng phát triển trong tương lai. Hay các hoạt động gặp gỡ, giao lưu, liên hoan giữa thanh niên hai nước được tổ chức thường xuyên, giúp giới trẻ tạo dựng mối quan hệ hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau.

Ngoài ra, theo vị học giả Trung Quốc, các di tích lịch sử là “địa chỉ đỏ” cũng là một tài nguyên quý có thể khai thác, để thanh niên hai nước hiểu về những năm tháng cách mạng gian khổ, khi những nhà lãnh đạo tiền bối của hai nước đã hợp tác, ủng hộ lẫn nhau, để làm nên thắng lợi của cách mạng ở mỗi nước. Ngoài việc phát huy tốt quan hệ hữu nghị truyền thống, hai bên cũng cần kết hợp với các đặc trưng của thời đại, như cách mạng khoa học-công nghệ hay các phương thức truyền thông hội tụ, để khai thác tốt các nguồn tài nguyên này, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến cho người dân hai nước.

Nói về hợp tác kênh Đảng, giáo sư Phan Kim Nga cho rằng, hợp tác giữa hai Đảng vẫn còn dư địa nhất định trong tương lai, như việc tăng cường trao đổi giữa lãnh đạo hai Đảng về bối cảnh, cục diện thế giới, đánh giá về những đặc trưng của thời đại, chia sẻ về tầm nhìn phát triển đất nước hay kinh nghiệm quản trị Đảng, quản trị đất nước và xã hội… Ngoài ra, hai bên có thể tìm tòi khả năng tổ chức biên dịch, phổ biến các tác phẩm quan trọng của các nhà lãnh đạo hai bên; tăng cường giao lưu về học thuật, như tổ chức các diễn đàn, hội thảo khoa học, hoặc trao đổi học giả hai bên, nhằm nghiên cứu về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội hay công tác xây dựng Đảng, quản trị đất nước…

HỮU HƯNG - HỒ QUÂN Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hoc-gia-trung-quoc-chi-ra-dac-trung-rieng-co-quyet-dinh-tam-quan-trong-cua-quan-he-viet-trung-post872258.html
Zalo