Học giả Nguyễn Đình Đầu, cánh hạc đã bay về trời

Học giả Nguyễn Đình Đầu với những công trình nghiên cứu đầy tâm huyết và công phu đã vĩnh biệt chúng ta ở tuổi 104.

Học giả Nguyễn Đình Đầu đi xa nhưng những tư liệu quý giá do học giả cung cấp đã giúp những người làm Báo Công Thương hình dung rõ nét về thuở lập quốc, kiến quốc từ mùa thu năm 1945, gắn liền với sự hình thành và phát triển của ngành Công Thương, trong đó có sự ra đời của tờ tin Mặt trận Kinh tế - tiền thân của Báo Công Thương ngày nay.

Trưa 20/9/2024, giữa lúc đang soạn tài liệu cho một bài báo mới, chiếc smartphone của tôi bỗng nảy lên rồi đầu sóng bên kia là giọng của một người bạn thông báo: “Anh ơi, cụ Nguyễn Đình Đầu đã đi rồi”…

Tôi lặng đi mất chục giây. Có lẽ nào, lẽ nào… khi mới chỉ cách đây vài tháng, cụ Nguyễn Đình Đầu tại ngôi nhà ở quận 1, TP. Hồ Chí Minh trong một sáng ngập nắng đã dành những khoảng thời gian quý giá của tuổi ngoại bách niên để tiếp chuyện đoàn nhà báo của Báo Công Thương từ Hà Nội vào nhân dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4.

Dẫu vẫn biết “người già như chuối chín cây”, lòng mỗi chúng tôi, trong đoàn nhà báo hôm ấy, không khỏi trào dâng nỗi nhớ tiếc cụ khi cụ hẹn có dịp và sức khỏe cho phép sẽ lại tiếp chuyện. Và cả ý tưởng mà cụ bảo là sẽ có một cuộc “bàn giao tài liệu” nữa.

Vậy mà những câu chuyện như cụ nói đã mãi mãi theo cụ nhẹ cánh hạc về trời.

Một con người đã sống qua hai thế kỷ, một chứng nhân những sự kiện bi hùng của đất nước suốt thế kỷ XX, một học giả luôn đau đáu nỗi niềm ghi hình đất nước, một ông lão hơn trăm tuổi vẫn lướt web, sử dụng máy tính thuần thục và nếu có dịp luôn như một cuốn phim tua chậm với bao hình ảnh, ngôn từ vô cùng sắc nét trong chia sẻ với mọi người.

Thời gian đã đưa cụ Nguyễn Đình Đầu là người đến từ hôm qua nhưng những cuốn sách, tư liệu mà cụ đã tận hiến trong cả cuộc đời có lẽ không chỉ thuộc về hôm nay mà chắc rằng còn cho cả ngày mai.

Học giả Nguyễn Đình Đầu (1920 - 2024)

Học giả Nguyễn Đình Đầu (1920 - 2024)

Sinh năm 1920 tại Hà Nội, năm 1941, cụ tốt nghiệp trường Bách Nghệ (Hà Nội), sau đó làm trưởng một xưởng công nghệ. Sau Cách mạng Tháng Tám, khi Chính phủ lâm thời thành lập, cụ được chỉ định làm Bí thư cho Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà. Năm 1951, sang Pháp học tại Đại học Công giáo Paris, tốt nghiệp cử nhân năm 1953.

Thời gian này, cụ Nguyễn Đình Đầu cùng các nhà trí thức Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Ngọc Bích tham gia vận động phong trào kêu gọi Chính phủ Pháp đàm phán với Chính phủ Hồ Chí Minh; năm 1954, cùng các trí thức nói trên sang Thụy Sĩ ủng hộ phái đoàn do Phạm Văn Đồng dẫn đầu dự hiệp định Genève.

Đầu năm 1955, cụ về nước làm giáo sư sử địa tại Trường trung học Nguyễn Bá Tòng, Sài Gòn (trường Bùi Thị Xuân ngày nay). Những năm 1960, cụ bắt đầu công bố các công trình nghiên cứu của mình trên báo chí miền Nam và được giới nghiên cứu công nhận là một học giả uy tín. Bên cạnh đó cụ cũng là người tích cực đấu tranh cho hòa bình.

Từ năm 1975 đến nay, cụ vẫn tiếp tục nghiên cứu và công bố các công trình nghiên cứu về sử địa, đặc biệt trong đó có công trình nghiên cứu về vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Ít ai ngờ (mà có lẽ với cụ Nguyễn Đình Đầu cũng vậy), khoảng thời gian ngắn mấy tháng làm Bí thư cho Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hà trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau ngày 2/9/1945 lại sống dậy rõ ràng vẹn nguyên trong cụ sau ngót 80 năm. Cứ như một mối lương duyên với Báo Công Thương, tờ báo trong vai trò là Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương mà tiền thân của Bộ là Bộ Quốc dân Kinh tế đã làm thức dậy quãng thời gian trai trẻ sôi nổi của học giả Nguyễn Đình Đầu, cũng là những năm tháng đầy sục sôi của buổi bình minh lịch sử đất nước.

Có lẽ là điều cần thiết khi nhắc lại đôi tư liệu lịch sử ở đây. Tư liệu lưu trữ được tìm thấy cho biết, ngày 2/10/1945 theo Nghị định số 08/BKT-VP của Bộ Quốc dân Kinh tế do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hà ký về việc quy định bộ máy của Bộ, có nội dung quy định về Phòng 3 – Phòng Kinh tế tập san thuộc các phòng sự vụ. Phòng 3 có nhiệm vụ xuất bản Việt Nam kinh tế tập san – cơ quan báo chí đầu tiên của Bộ Quôc dân Kinh tế- tiền thân của Báo Công Thương ngày nay.

Và đến nay, ngày 2/10/1945 chính thức được chọn là Ngày truyền thống của Báo Công Thương, một cơ quan báo chí ra đời ngay ở những ngày đầu mới lập nước, thể hiện tầm nhìn của lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh về vai trò của báo chí như công cụ chuyển tải mọi chính sách của Chính phủ đến với quốc dân đồng bào, để tỏ cho thấy chính sách ấy thực sự vì một tương lai mới của đất nước, của tất cả người dân con Lạc cháu Hồng từ nay đã là công dân của một nước Việt Nam mới, hoàn toàn độc lập, tự do.

Vẫn còn đây những lời tâm sự, những dòng hồi ức mà cụ vui vẻ nhận mình là “người của Bộ Công Thương” khi chia sẻ với nhà báo Nguyễn Văn Minh - Tổng Biên tập Báo Công Thương - tại buổi làm việc tháng 4/2024: “Cụ nói với tôi mà như nói với chính mình: “Kinh tế nói cho cùng là cái đường sống của dân tộc, có trước thì mới có sau. Dân tộc nào cũng thế. Tôi không ngờ từ cái chuyện kinh tế đã đưa tôi đến sau này nghiên cứu kinh tế như là cuộc sống của tôi. Nó thực sự tự nhiên vì lúc đầu có tình cảm thôi, nhưng mà không khí nó đưa đến những chuyện như thế, hôm qua đọc tờ Báo Công Thương các anh chị gởi tôi thấy lạ như khám phá lại mình, được sống trong không khí mình từng sống, thật là đáng quý lắm. Hôm nay, anh đến đây nhắc lại và hỏi những chuyện cũ thời Bộ Quốc dân Kinh tế như truyền thêm động lực cho tôi, tôi rất cảm kích… Động lực cá nhân đối với tôi như thế là nhỏ bé nhưng nếu trong xã hội, mọi người đều có động lực tự thân trong công việc, sẽ gây được sức mạnh vô bờ bến!”.

Những dòng hồi ức của học giả Nguyễn Đình Đầu cả trong khoảng thời gian ngắn làm Bí thư cho Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hà cũng như cả về mấy mươi năm sau này đã được cụ gửi gắm, chia sẻ với Báo Công Thương. Trong câu chuyện với cụ - một nhân chứng hiếm hoi đến từ những ngày đầu của Bộ Công Thương, của Báo Công Thương, chúng giống như những giai điệu được ngân bởi những hợp âm mở trong bản giao hưởng của chứng nhân để gửi gắm những tiếng chuông lịch sử của một thời đầy lưu luyến, đầy biến động. Chúng chẳng hề cũ kỹ hay bị lớp bụi thời gian bao phủ. Sau tất thảy những biến động ấy, vẫn vẹn nguyên tình yêu của một công dân với Tổ quốc cùng sự nặng lòng với lịch sử để hai chữ Việt Nam dù ở đâu, khi nào vẫn mãi tỏa sáng.

Nay cụ như một cánh hạc bay đi, xin cụ mãi an giấc. Và những gì cụ đã chia sẻ trong các câu chuyện của mình xin hãy là những ngọn nến thắp sáng tâm tưởng những người làm Báo Công Thương, của tất cả chúng ta. Ở một nơi xa, hẳn đó cũng là mong muốn không gì hơn của học giả Nguyễn Đình Đầu.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hoc-gia-nguyen-dinh-dau-canh-hac-da-bay-ve-troi-347372.html
Zalo