Học giả Nga nói về con đường hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tiến sĩ Anatoly Sokolov, cán bộ khoa học của Viện nghiên cứu Phương Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga chia sẻ về bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng cùng những phẩm chất nổi bật của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với nước Nga Xô viết đem theo niềm tin: đất nước vĩ đại này sẽ giúp Người hoàn tất con đường cứu nước mà cả dân tộc Việt Nam đang trông chờ. Đến nước Nga là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Phóng viên VOV phỏng vấn Tiến sĩ Anatoly Sokolov, cán bộ khoa học của Viện nghiên cứu Phương Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga về nội dung này.

Tiến sĩ Anatoly Sokolov
PV: Thưa ông, năm 1923 lần đầu tiên Bác Hồ đến nước Nga, đất nước mà bao năm Người ao ước được đặt chân tới, mong được gặp và tiếp xúc với Lênin. Xin ông cho biết đôi nét về hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên quê hương Cách mạng Tháng Mười?
Tiến sĩ Anatoly Sokolov: Năm 1923, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân đến Petrograd (nay là St. Peterburg) rồi chuyển về Moscow – nơi đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Người hiểu rằng, nước Nga Xô viết là nơi Người có thể học hỏi cả kinh nghiệm lẫn thực tiễn để áp dụng vào đất nước mình.
Thời gian ở Liên Xô là giai đoạn quan trọng. Người sống và làm việc tại Moscow, quan sát xã hội Xô viết với đôi mắt của một người đang tìm hiểu một mô hình mới, nơi mà lý tưởng cách mạng không chỉ là lời nói, mà đã trở thành hiện thực. Người học tập, tích lũy kinh nghiệm, và từ đó nảy sinh một suy nghĩ lớn: phải đưa những thanh niên Việt Nam sang đây học tập, để họ trở thành lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh giành độc lập sau này.
Với suy nghĩ ấy, Người bắt đầu tìm cách xây dựng các tổ chức chính trị tại Trung Quốc – nơi thuận lợi để tuyển chọn và huấn luyện những người trẻ có lý tưởng. Họ được đưa sang Liên Xô, học ở Trường Đại học Phương Đông, rồi trở về quê hương tiếp tục con đường cách mạng.
Những ngày tháng ở Liên Xô không chỉ bồi đắp kiến thức và niềm tin, mà còn giúp Người xác lập rõ ràng con đường đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc.
PV: Đến với nước Nga là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xin ông cho biết Người đã tiếp cận với Luận cương của Lênin như thế nào và vận dụng vào hoàn cảnh, điều kiện ở Việt Nam ra sao?
Tiến sĩ Anatoly Sokolov: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng tham dự nhiều hội nghị, nhiều cuộc mít-tinh và sự kiện quốc tế quan trọng. Người không chỉ quan sát mà còn tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị và xã hội, luôn với một mục tiêu rõ ràng: tìm con đường đúng đắn cho tương lai của dân tộc.
Người mong được gặp Lênin, được trực tiếp trò chuyện, học hỏi. Nhưng tiếc thay, vào thời điểm đó, Lênin lâm bệnh nặng và ước nguyện ấy không thành. Việc không thể gặp vị lãnh tụ mà Người vô cùng kính trọng là một nỗi buồn sâu sắc. Dẫu vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định đến nước Nga và tham dự lễ tang Lênin – một sự kiện mà sau này Người nhiều lần nhắc lại trong các bài viết bằng tiếng Nga và tiếng Pháp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh (thứ 3 bên trái, hàng đứng) cùng các đại biểu dự Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản tại Moscow năm 1924. (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có tác phong làm việc rất khoa học, cẩn trọng và luôn hướng đến tính cụ thể, rõ ràng trong mọi suy nghĩ và hành động. Chính vì vậy, khi đọc những luận điểm của Lênin về vấn đề dân tộc, Người đã nhanh chóng nhận ra hướng đi thiết thực cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đó là một chương trình tuy ngắn gọn, nhưng mạch lạc và dễ hiểu. Dẫu lúc ấy, nội dung của Bản Luận chương chưa hoàn toàn tương thích với hoàn cảnh của một đất nước thuộc địa như Việt Nam, nhưng đối với Người, đó vẫn là một nền tảng quý giá, là cơ sở đầu tiên để từ đó phát triển, mở rộng và điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam.
PV: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhân cách lớn. Các chuyên gia, học giả Nga và thế giới đều rất trân trọng nhân cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xin ông cho biết cụ thể?
Tiến sĩ Anatoly Sokolov: Phẩm chất lớn nhất và xuyên suốt trong cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là lòng yêu nước, một tình yêu mãnh liệt, chân thành và bền bỉ như dòng chảy không ngừng nghỉ. Song hành với ngọn lửa yêu nước ấy, là một khát vọng học tập không bao giờ nguôi, không chỉ để nâng cao trí tuệ, mà còn để soi sáng con đường giải phóng cho dân tộc.
Nếu chỉ chọn một từ để nói về Người, thì “Người Thầy” là danh xưng xứng đáng nhất và phải được viết bằng chữ in hoa. Bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng trau dồi kiến thức cho bản thân, Người còn luôn cổ vũ, thúc đẩy mọi người xung quanh học tập. Người tin rằng, chỉ những con người có tri thức, được giáo dục bài bản, mới có thể làm nên một cuộc cách mạng bền vững, để xây dựng một đất nước độc lập, tự do và hạnh phúc.
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tri thức không chỉ là hành trang, mà là con đường đưa một dân tộc từ bóng tối ra ánh sáng. Người từng nhấn mạnh: “Tri thức, tri thức và một lần nữa tri thức”, lời nhấn mạnh không chỉ đồng điệu với tư tưởng của Lênin “Học, học nữa, học mãi”, mà còn được Người cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực, gắn liền với từng chặng đường phát triển của đất nước.
Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, lòng yêu nước và niềm tin vào giá trị của tri thức không tách rời nhau. Chúng hòa quyện, nâng đỡ và dẫn lối cho cả một dân tộc vươn lên. Đó là tình yêu dành cho đất nước, là khát vọng đưa dân tộc thoát khỏi nô lệ, bước tới tự do, một khát vọng đã trở thành hiện thực dưới sự dẫn dắt của Người.
PV: Trân trọng cảm ơn ông.