Học gì để có việc làm?

'Học gì để có việc làm?' - câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng lại chất chứa biết bao trăn trở của các bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn trường. Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng cạnh tranh và biến động không ngừng, việc tìm kiếm một công việc ổn định, có thu nhập tốt là một bài toán khó.

Cử nhân thất nghiệp, các công ty vẫn 'đỏ mắt' tìm thợ lành nghề

Mùa tuyển sinh năm 2024, điểm chuẩn đại học tăng vọt, đặc biệt ở các ngành "hot" như kinh tế, luật, công nghệ thông tin… Thế nhưng, giữa không khí ăn mừng chiến thắng của các tân sinh viên, nhiều doanh nghiệp lại đang "đau đầu" vì bài toán thiếu hụt nhân lực lành nghề, nhân lực có kỹ năng chuyên nghiệp.

Bà Ngô Thị Oanh Vũ, Công ty De Hues Việt Nam chia sẻ những khó khăn trong tuyển dụng tại doanh nghiệp mình tại tọa đàm "Các vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực": "Trong quá trình tuyển dụng, tôi nhận thấy sinh viên rất sáng tư duy, rất yêu nghề. Tuy nhiên, người trẻ hiện nay đang bị giới hạn về mặt ngôn ngữ, ít kinh nghiệm thực tiễn. Khi tuyển dụng, công ty có đưa ra những tình huống để đánh giá cơ bản nguồn nhân lực. Khi va chạm tình huống, người trẻ rất lúng túng và khả năng xử lý không thuyết phục, kém nhanh nhạy. Thậm chí, kỹ năng thuyết trình cũng giới hạn".

Ông Trương Hoàng Tâm, Chủ tịch công đoàn In số 7 tại Khu Công nghiệp Tân Tạo, TP HCM cũng chia sẻ tại Tọa đàm: "Thị trường lao động ngành in đang rất cần lao động, nhưng số trường đào tạo ngành này lại rất ít. Đây là ngành vừa thiếu thầy, vừa thiếu thợ".

Công ty của ông Tâm đã phải tự đào tạo và liên kết với trường đại học để có đủ nhân lực. Họ thậm chí còn mở rộng cơ hội cho sinh viên năm nhất, năm hai làm việc thời vụ có lương để tiếp cận thực tế nghề nghiệp sớm hơn.

Tọa đàm “Các vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực hiện nay” đưa ra những góc nhìn và quan điểm thực tế của thị trường lao động hiện nay

Tọa đàm “Các vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực hiện nay” đưa ra những góc nhìn và quan điểm thực tế của thị trường lao động hiện nay

Câu chuyện của ông Tâm và bà Oanh Vũ là một số lát cắt nhỏ phản ánh thực trạng "thừa thầy, thiếu thợ" đang diễn ra phổ biến tại Việt Nam. Dù điểm chuẩn đại học ngày càng tăng cao, nhưng chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.

Điều này đặt ra một thách thức lớn cho hệ thống giáo dục và đào tạo, đòi hỏi phải có những thay đổi căn bản để đào tạo ra những người lao động có đủ cả kiến thức và kỹ năng, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của thời đại công nghiệp 4.0.

Báo động tình trạng thừa thầy thiếu thợ

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ thất nghiệp của người có trình độ đại học trở lên trong quý II-2023 là 2.7%, cao hơn so với tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước là 2.25%. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lại đang "khát" nhân lực có tay nghề cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật.

Điều này cho thấy một thực trạng đáng báo động của thị trường lao động nước ta hiện nay là tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ", mà một trong những lý do lớn nằm ở vấn đề đào tạo chưa thật sự gắn với tuyển dụng; một bộ phận không nhỏ người lao động sau đào tạo vẫn còn thiếu nhiều kỹ năng, hổng kiến thức, cho nên không được thị trường lao động "dung nạp".

Trên thực tế, mặc dù con số cử nhân đại học ra trường mỗi năm ở nước ta rơi vào khoảng trên 500.000 cử nhân, nhưng nhu cầu nhân sự có tay nghề giỏi của doanh nghiệp thì luôn trong tình trạng khan hiếm. Phần vì tốc độ mở rộng hoạt động của doanh nghiệp, nhưng phần lớn nữa do nhân lực lành nghề của chúng ta đang thiếu trầm trọng.

Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam "đau đầu" vì bài toán thiếu hụt nhân lực lành nghề (Ảnh: Huỳnh Như)

Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam "đau đầu" vì bài toán thiếu hụt nhân lực lành nghề (Ảnh: Huỳnh Như)

Theo kết quả khảo sát của Trung tâm trong 6 tháng đầu năm 2024 tại 9.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại TP HCM thì có đến 23,55% doanh nghiệp trả lời gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng, khó tìm kiếm lao động có ngành đào tạo phù hợp với vị trí tuyển dụng, lao động thiếu kỹ năng nghề, kỹ năng mềm và năng lực thực hành ứng dụng vào công việc thấp, doanh nghiệp không đáp ứng được nhu cầu về lương đối với lao động dự tuyển, không tìm được lao động vừa có chuyên môn cao vừa có ngoại ngữ lưu loát...

Cởi mở hơn với Cao đẳng và đào tạo nghề

Một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng này là định kiến xã hội về giá trị của các con đường học vấn. Đại học gần như vẫn được xem là con đường duy nhất, "tấm vé vàng" dẫn đến thành công, trong khi Cao đẳng, Trung cấp hay Đào tạo nghề thường bị coi là "lựa chọn thứ yếu" dành cho những học sinh không đủ điểm vào đại học. Định kiến này đã vô tình tạo ra áp lực học tập quá mức, khiến nhiều bạn trẻ phải chạy theo những ngành "hot" mà không phù hợp với năng lực và đam mê của bản thân.

Ông Nguyễn Quang Anh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt Mỹ TP HCM, chỉ ra thực trạng: "Học sinh vẫn còn thờ ơ với các lựa chọn ngoài đại học, dù nhu cầu tuyển dụng ở các trình độ khác nhau là rất lớn… Mỗi bậc học đều có những ưu điểm riêng. Cao đẳng với thời gian đào tạo ngắn hơn, tập trung vào thực hành, là một lựa chọn tốt cho những bạn trẻ muốn nhanh chóng gia nhập thị trường lao động" - Ông Chương nhấn mạnh về nhu cầu tuyển dụng đa dạng từ các doanh nghiệp hiện nay, không chỉ đòi hỏi bằng cấp đại học, điểm số, mà còn cả kỹ năng thực tế và thái độ làm việc. Ông cũng cho biết thêm, trong những năm qua, Cao đẳng Việt Mỹ đã nhận được nhiều đề nghị tuyển dụng từ các tập đoàn đa quốc gia, chứng tỏ nhu cầu tuyển dụng ở thời đại này rất đa dạng, ở nhiều trình độ khác nhau.

Gần đây, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia, có xu hướng tuyển dụng từ các trường Cao đẳng và Đào tạo nghề để tìm kiếm nhân sự có tay nghề giỏi

Gần đây, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia, có xu hướng tuyển dụng từ các trường Cao đẳng và Đào tạo nghề để tìm kiếm nhân sự có tay nghề giỏi

Thực tế, so với Đại học, hệ Cao đẳng và Đào tạo nghề có thời gian đào tạo ngắn hơn, giúp người học nhanh chóng gia nhập thị trường lao động và giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia, đang tích cực tuyển dụng nhân lực từ hệ Cao đẳng và Đào tạo nghề. Đặc biệt, tại một số trường Cao Đẳng, Trung cấp nghề chất lượng cao như Cao đẳng Bách Khoa, Cao đẳng Công Thương, Cao đẳng Việt Mỹ, Cao đẳng Y Dược Pasteur… đều là những đơn vị luôn có tỷ lệ đầu ra và được doanh nghiệp săn đón từ rất sớm.

Đột phá hơn, hình thức đào tạo cao đẳng 9+ cũng là một hình thức học tập thiết thực và mới mẻ, với lộ trình học tập linh hoạt, phù hợp với những học sinh có định hướng nghề nghiệp sớm hoặc muốn rút ngắn thời gian học tập. Tại đây, sinh viên không chỉ được tập trung vào đào tạo nghề một cách bài bản từ sớm mà còn được học chương trình văn hóa THPT. Học sinh vẫn được học các môn văn hóa cơ bản như Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử... cùng các chuyên môn, ngành nghề mà mình lựa chọn, đảm bảo cân đối cả lý thuyết và thực hành, sớm bắt nhịp với thị trường lao động cần những nhân lực trẻ, nhiệt huyết và giàu kĩ năng.

Mai Anh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hoc-gi-de-co-viec-lam-196240830153006962.htm
Zalo