Học cách gọi tên cảm xúc

Để có được một sức khỏe tinh thần lành mạnh, chúng ta phải học cách gọi tên cảm xúc. Không nên phớt lờ đi những cảm xúc như giận dữ, lo lắng, hãy tìm cách giải tỏa chúng.

 Người luôn tỏ ra bình thản, che giấu cảm xúc sẽ dễ rơi vào căng thẳng. Ảnh: tVN.

Người luôn tỏ ra bình thản, che giấu cảm xúc sẽ dễ rơi vào căng thẳng. Ảnh: tVN.

Cảm xúc giống như những tín hiệu từ tâm hồn và những cảm xúc như giận dữ, thất vọng và lo lắng, những thứ thường được cho là xấu hoặc sai ấy, những chúng cũng có những chức năng riêng của mình. Chẳng hạn như cảm giác tức giận, đó là cảm xúc xuất hiện khi chúng ta cho rằng người khác đã vi phạm các quy tắc sống hoặc làm điều gì đó xâm phạm quyền lợi mà chúng ta tin rằng “phải như vậy”.

Ví dụ, sự tức giận mà chúng ta cảm thấy đối với những người không bật đèn xi nhan khi sang đường hoặc những người nghe điện thoại rồi nói to trong tàu điện ngầm. Lúc này, như người ta thường nói, “sự tức giận là sức mạnh của tôi”, tâm trí của chúng ta tập hợp năng lượng của cơ thể và tinh thần thông qua cảm xúc “tức giận” và chống cự với một động cơ mạnh mẽ và đòi hỏi những gì nó muốn. Sự tức giận này cũng có thể nhắm vào bản thân khi bạn vi phạm các quy tắc do chính mình đặt ra.

Cảm nhận những cảm xúc tiêu cực mạnh mẽ là tín hiệu của tâm hồn để “lắng nghe trái tim mình”. Khi bạn bỏ qua các triệu chứng đau đớn của cơ thể có thể sẽ khiến cho bệnh tình càng trở nặng hơn, tương tự vậy, việc bạn bỏ qua những cảm xúc tiêu cực sẽ bỏ lỡ cơ hội đọc và giải quyết các thông điệp của tâm hồn. Để giao tiếp với chính mình, bạn cần chấp nhận cảm xúc thật của mình ở thời điểm hiện tại.

Cảm xúc tiêu cực như những vị khách không mời mà đến, xuất hiện bất ngờ đầy khó chịu trong một buổi “party” của cuộc đời, nơi mà bất kì ai cũng chỉ mong muốn được bước đi trên con đường trải đầy hoa. Chúng như những vị sứ giả mang đến các bức thư quan trọng, nếu vị sứ giả ấy mặc đồ màu xanh lá cây chắc hẳn sẽ mang theo một bức thư có nội dung vui vẻ, sứ giả mặc đồ màu vàng mang nội dung buồn bã và sứ giả mặc đồ màu đỏ mang đến nội dung đáng sợ.

Nếu mở cửa ra là sứ giả mặc đồ màu xanh lá cây, chúng ta vui vẻ sẵn sàng chào đón họ, thế nhưng khi sứ giả mặc đồ màu vàng hoặc màu đỏ tìm đến, chúng ta lại muốn đuổi họ đi ngay lập tức, thậm chí còn không muốn mở bức thư mà họ vừa mang đến.

Thực ra họ không phải là người tự viết ra những bức thư ấy, họ đến và đi khi hoàn thành nhiệm vụ chuyển thư, nhưng chúng ta không muốn chào đón vì sợ phá hỏng bữa tiệc của cuộc đời mình. Khi họ đến ta giận dữ hoặc đuổi họ đi, thậm chí khi mở cửa cũng phớt lờ hoặc tìm cách né tránh như thể họ không có ở đó.

Vậy những vị khách khó chịu, không mời mà đến ấy phản ứng ra sao? Họ sẽ gào thét và xông vào cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ chuyển thư. Họ có thể quấy rối chúng ta bằng cách cố gắng tranh luận, tìm cách để ở lại lâu hoặc thực hiện những hành động khó chịu.

Giữa những cảm xúc và tranh cãi dữ dội, cuối cùng chúng ta đã đánh mất thông điệp quan trọng mà bức thư vốn dĩ muốn truyền tải. Những cuộc đấu tranh mà chúng ta thực hiện để ngăn cản không cho họ bước vào còn mệt mỏi hơn những thông điệp mà họ mang đến.

Vậy nên giải quyết thế nào với những vị khách cảm xúc không mời mà đến? Thực ra họ chỉ là người truyền tải thông điệp. Cho dù không thích thì trước tiên bạn cũng hãy mở cánh cửa ra. Gọi tên họ rồi đón nhận bức thư họ chuyển đến, cuối cùng việc của chúng ta cần làm là đợi đến khi họ tự rời đi.

Nếu đã mở cửa cho những cảm giác khó chịu bước vào, giờ bạn hãy gọi tên chúng ngay bây giờ. Thay vì hỏi “tại sao mình lại cảm thấy như vậy?”, hãy tự hỏi bản thân “Cảm xúc lúc này là gì?”. Thật đáng buồn là không chỉ riêng người Hàn Quốc, mà rất nhiều khách hàng tôi đã từng tiếp xúc tại văn phòng tư vấn ở London, họ đều cảm thấy lúng túng hoặc ngại ngùng khi không hề nhận ra được cảm xúc, cũng không biết cách thể hiện cảm xúc của mình bằng lời nói.

Trong số đó, có một khách hàng trung niên người Anh tên là Steve, anh ấy để lại cho tôi ấn tượng khá sâu sắc. Khi tôi hỏi về tâm trạng anh ấy thế nào, anh ấy thường chỉ thể hiện tất cả cảm xúc của mình bằng hai từ là “Tôi ổn” (alright) và “Tôi tức giận” (angry).

Đối với anh ấy, ổn là một từ rất đa dạng và có phạm vi rộng, bao gồm tất cả các cảm xúc như “rất thú vị, khá vui vẻ, thoải mái, tạm hài lòng, bình thường và hơi khó chịu”. Một ví dụ khác về ngôn ngữ cảm xúc không được chi tiết hóa của anh ấy là thể hiện bằng câu “Tôi tức giận” mỗi khi anh ấy đói, mệt mỏi, cáu kỉnh, phiền phức, bực bội, buồn bã, lo lắng, bất an, thậm chí khi đối phương có tỏ ra buồn bã và đau lòng anh ấy cũng cảm thấy “tức giận”.

Angela Sen/ Light Books & NXB Phụ nữ Việt Nam

Nguồn Znews: https://znews.vn/hoc-cach-goi-ten-cam-xuc-post1529902.html
Zalo