Học Bác, làm theo Bác để vững bước vào kỷ nguyên vươn mình
Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kết tinh các giá trị cao quý của văn hóa dân tộc và nhân loại, là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Đó sẽ là ngọn cờ dẫn dắt cả dân tộc ta trên hành trình bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình.
Đảng đã xác định, từ Đại hội XIV trở đi, đất nước ta sẽ chính thức bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Kỷ nguyên mới đòi hỏi phải phát huy cao nhất tinh thần, ý chí, sức mạnh của nhân dân.
Trao đổi với Báo Xây dựng, PGS.TS Trần Thị Minh Tuyết (chủ biên cuốn sách "Giá trị và sự vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay") cho rằng, trong bối cảnh đó, tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đóng vai trò là nền tảng, kim chỉ nam cho mọi hành động; là ngọn cờ dẫn dắt dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là ngọn cờ dẫn dắt dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình. Ảnh tư liệu.
Vận nước đang lên, thời cơ đã đến
Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là kỷ nguyên đột phá, phát triển tăng tốc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đưa quốc gia, dân tộc lên một tầm cao mới, tiến cùng thời đại. Theo bà, trên hành trình này, tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng như thế nào?
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, làm cho Đảng trở thành lực lượng lãnh đạo duy nhất của dân tộc Việt Nam.
Năm 1991, Đảng chính thức khẳng định, cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động. Nhưng ngay từ khi Đảng ra đời, đường lối cách mạng Việt Nam đã do Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạch định.
Sau những biến động lịch sử cuối thế kỷ XX, phong trào cộng sản thế giới rơi vào thoái trào. Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong số rất ít các đảng cộng sản trên thế giới vẫn giữ được vị thế cầm quyền.
Nguyên nhân sâu xa chính là sự kiên định mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà Bác vạch ra, là sự trung thành tuyệt đối khi khẳng định "tư tưởng của Người, cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng của Đảng và cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta".
Vì thế, tư tưởng Hồ Chí Minh tất yếu vẫn là ngọn cờ dẫn dắt dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình.
Kỷ nguyên mới yêu cầu phải phát huy đến mức cao nhất các động lực phát triển đất nước, đặc biệt là tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự chủ, tự lực, tự cường, khát vọng sáng tạo và cống hiến của toàn dân, của con người Việt Nam. Theo bà, chúng ta cần hành động thế nào để đáp ứng được những đòi hỏi của lịch sử, của thời đại?
Gần 40 năm qua, công cuộc đổi mới đã làm đất nước thay đa, đổi thịt. Những ai từng đặt chân đến Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh hay trước đổi mới thì khó có thể hình dung được diện mạo của Việt Nam hôm nay.
Những thành tựu đạt được và những thách thức, nguy cơ hiện hữu đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi phương thức, tốc độ phát triển.
Trên cơ sở phân tích tình hình quốc tế và trong nước, thực trạng và mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045, Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra khái niệm kỷ nguyên vươn mình để nhấn mạnh, đó là kỷ nguyên phát triển bứt tốc, kỷ nguyên vươn lên giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Vận nước đang lên, thời cơ đã đến nên toàn Đảng, toàn dân phải nắm bắt thời cơ, đẩy lùi nguy cơ để hoàn thành mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm khu công nghiệp Liên hợp gang thép Thái Nguyên nhân dịp lò cao số 1 ra mẻ gang đầu tiên, ngày 1/1/1964. Ảnh tư liệu.
Vận dụng sáng tạo trong bối cảnh mới
Theo bà, tư tưởng Hồ Chí Minh cần được vận dụng sáng tạo thế nào trong giai đoạn hiện nay?
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có hoài bão lớn và niềm tin mãnh liệt vào nhân dân, vào tương lai của dân tộc Việt Nam.
Ở thời điểm Nhà nước cách mạng phải đối đầu với giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, Người vẫn khao khát ngày dân tộc Việt Nam được "sánh vai với các cường quốc năm châu".
Bác là con người thực tế, ý tưởng luôn bao chứa giải pháp hành động. Trong chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, Người chủ trương phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của truyền thống văn hóa, con người Việt Nam, phát huy sức mạnh của nền kinh tế nhiều thành phần và sức mạnh của thời đại với sự hợp tác hữu nghị giữa các quốc gia và các thành tựu khoa học - kỹ thuật tiên tiến.
Kế thừa, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về hệ động lực phát triển của Việt Nam trong bối cảnh mới, Tổng Bí thư Tô Lâm đã xác định 7 định hướng chiến lược đưa đất nước vào kỷ nguyên vươn mình.
Đó là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; tinh gọn tổ chức bộ máy; chuyển đổi số; chống lãng phí; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực; tăng cường phát triển kinh tế. Đây cũng chính là sự cụ thể hóa chiến lược phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới.
Nếu thông điệp về "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" hiện nay đang khơi dậy trong nhân dân khát vọng, niềm tin về một giai đoạn phát triển mới của đất nước, thì tư tưởng Hồ Chí Minh lại truyền cảm hứng, ý chí, quyết tâm và gợi mở các giải pháp để biến đường lối cách mạng thành hiện thực cách mạng.

Bác Hồ nói chuyện với các cháu thiếu nhi trong dịp Người về thăm và chúc Tết đồng bào tỉnh Hà Bắc, Xuân Đinh Mùi (9/2/1967). Ảnh: Tư liệu.
Đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục
Theo bà, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh có ý nghĩa ra sao trên hành trình bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc? Làm thế nào để đẩy mạnh phong trào này ngày càng sâu rộng, ngày càng thực chất?
Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kết tinh các giá trị cao quý của văn hóa dân tộc và nhân loại, là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, sức sống của một tư tưởng phụ thuộc rất lớn vào cách thức thế hệ trước trao truyền cho thế hệ sau.
Thế hệ trẻ là tương lai của đất nước. Để tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nền tảng tinh thần, thế giới quan, nhân sinh quan của thế hệ trẻ thì phải đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục.
Vậy việc đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục cần tập trung vào những nội dung nào, thưa bà?
Thứ nhất là, tiếp tục cải tiến chương trình, đưa môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh vào mọi cấp học với hình thức phù hợp và có tính liên thông.
Nói về giáo dục thế hệ trẻ, Bác căn dặn là "phải uốn cây từ lúc còn non". Vì thế, cần hệ thống lại toàn bộ chương trình môn học để đưa vào giảng dạy ở mọi cấp bậc, từ giáo dục tiểu học đến đào tạo tiến sỹ theo quy trình từ thấp đến cao, từ ngoại khóa đến nội khóa, từ đan xen, lồng ghép trong các môn lịch sử, giáo dục công dân đến các môn chuyên ngành độc lập, có tính lý luận cao để tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh dần dần thấm sâu vào tâm hồn, khối óc của thế hệ trẻ Việt Nam.
Cũng cần quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, có phương pháp, kỹ năng sư phạm, có nhiệt tình và tâm huyết làm nghề, có đạo đức trong sáng đảm nhiệm việc giáo dục, truyền bá một cách hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh vào những người chủ tương lai của đất nước.
Thứ hai là tìm tòi những hình thức sinh động, phong phú để đưa tư tưởng Hồ Chí Minh thấm dần vào đời sống tinh thần của thế hệ trẻ.
Trước nhịp sống vội vã của xã hội hiện đại, cần nghiên cứu và xuất bản sách điện tử, sách bỏ túi có dung lượng nhỏ về các câu nói của Hồ Chí Minh để mọi người đều có thể học tập, ngấm dần, từng bước làm theo Bác.
Khi văn hóa nghe - nhìn đang lấn át văn hóa đọc, cần tận dụng các nền tảng số để truyền bá sâu rộng cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào lớp trẻ sao cho phù hợp với trình độ, sở thích của họ.
Cần phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh bởi văn học - nghệ thuật đích thực, với sự kết tinh cao độ các đặc tính chân - thiện - mỹ, có khả năng chạm đến trái tim con người, đem lại sự rung cảm tự nhiên và truyền cho họ những tri thức, thông điệp cần thiết, sâu sắc mà không cần "lên gân, lên cốt" hay hô hào trực diện.
Một dân tộc muốn vươn mình thì từng cá nhân, nhất là thế hệ trẻ phải dám và biết "vươn mình". Việc đẩy mạnh việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chính là giải pháp hữu hiệu để thế hệ trẻ "tự bảo vệ", "tự làm sạch", "tự nâng mình" để phát triển.
PGS.TS Trần Thị Minh Tuyết
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền miệng về tư tưởng Hồ Chí Minh trong các nhà trường, đơn vị. Nhưng điều quan trọng là phải lựa chọn được các báo cáo viên giỏi, vừa có sự am hiểu sâu sắc về tư tưởng Hồ Chí Minh, vừa nắm chắc tình hình thực tiễn đất nước và đặc thù tâm sinh lý của thế hệ trẻ để có thể lôi cuốn, thuyết phục được họ.
Chú trọng xây dựng và phát huy hiệu quả không gian văn hóa Hồ Chí Minh sao cho phù hợp với tình hình thực tế như lập phòng tưởng niệm Hồ Chí Minh, thư viện Hồ Chí Minh, triển lãm về Hồ Chí Minh với các chủ đề thiết thực gắn với môi trường học tâp, làm việc của thanh niên.
Có thể xây dựng "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" trên các nền tảng công nghệ như bảo tàng trực tuyến, trang web, fanpage, trang Facebook, YouTube, TikTok để ở đâu người trẻ cũng có thể tìm hiểu về Bác.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục khai thác, phát huy giá trị, công năng của bảo tàng Hồ Chí Minh, Lăng Bác, khu di tích Phủ Chủ tịch, các đền thờ Hồ Chí Minh - các "địa chỉ đỏ" về cuộc đời, sự nghiệp Hồ Chí Minh vào việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Thứ ba là, phản bác các quan điểm sai trái, âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, cùng với "gió lành" thì thế hệ trẻ Việt Nam, với sự trải nghiệm và thấu hiểu còn hạn hẹp, dễ bị thao túng bởi các thông tin độc hại.
Do đó, phải tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh với các luận điệu sai trái, thù địch để lớp trẻ không bị rối nhiễu thông tin, vững tâm kiên định tu dưỡng theo tấm gương của Bác.
Theo tôi, tốt hơn hết là huy động chính lực lượng thanh niên tham gia cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng để trong quá trình "thực chiến" ấy. Thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về tư tưởng Hồ Chí Minh và âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, nuôi dưỡng trong họ tinh thần dân tộc và khả năng tự chiến đấu - "tự đề kháng".
Trong suốt chiều dài lịch sử, di sản Hồ Chí Minh đã khẳng định giá trị tinh thần to lớn và việc trao truyền di sản ấy cho thế hệ trẻ là điều thiết thực và quan trọng để họ trở thành những con người động lực cho kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.