'Học bá' kiếm trăm nghìn tỉ nhờ bán thứ ai cũng cần, ông Trump cũng thích dùng
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng 'mê mệt' các sản phẩm của thương hiệu do 'học bá' này sáng lập.
Từ kỹ sư Google đến ông chủ “đế chế sạc”
Yang Meng là nhà sáng lập của thương hiệu công nghệ nổi tiếng Anker. Các sản phẩm công nghệ như sạc dự phòng, pin dự phòng, sạc nhanh, loa, kiềm và nhiều mặt hàng khác của Anker rất được ưa chuộng nhờ chất lượng cao cấp. Ngay cả tổng thống Mỹ Donald Trump cũng được phát hiện sử dụng sạc không dây Magsafe của Anker trong cuộc trò chuyện gần đây với Elon Musk.
Ông Trump dùng pin sạc dự phòng của Anker (Ảnh: X)
Tuy nhiên, ít ai biết đến Yang Meng - nhân vật đứng đằng sau thành công của thương hiệu này.
Nhà sáng lập Anker sinh năm 1982 trong một gia đình bình thường ở Hồ Nam. Vì Yang Meng thích máy tính nên bố mẹ đã bỏ ra vài tháng lương để mua cho con trai một chiếc khi anh mới 14 tuổi. Sau đó, Yang Meng đã được nhận vào khoa Máy tính Đại học Bắc Kinh với điểm số thuộc top 40 của tỉnh.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Yang Meng tiếp tục du học ở đại học Texas, Mỹ, sau đó làm việc tại Google với thu nhập mơ ước của nhiều người. Trong khoảng thời gian này, sau một lần thay pin cho laptop, ông phát hiện ra cơ hội kinh doanh chênh lệch giá giữa chuỗi cung ứng của Mỹ và Trung Quốc.
Lúc đó, ông muốn thay pin cho laptop nên đã lên Amazon tìm kiếm. Tuy nhiên pin chính hãng quá đắt, lên đến 100 USD (2,5 triệu đồng)/chiếc. Còn pin không chính hãng từ các thương hiệu khác, dù có giá rẻ hơn rất nhiều nhưng lại bị người dùng đánh giá rất thấp.
Yang Meng khi ấy thầm nghĩ, đây không phải là cơ hội kiếm tiền sao? Nếu dựa vào chuỗi cung ứng Trung Quốc và xây dựng thương hiệu pin “ngon-bổ-giá phải chăng” thì chắc chắn sẽ có chỗ đứng trên thị trường Mỹ. Tình cờ là vợ của Yang Meng đang làm đại lý bán hàng cho Amazon. Sau vài lần trao đổi với vợ, Yangmeng càng chắc chắn hơn về ý tưởng kinh doanh của mình.
Vì vậy năm 2011, ông đã từ bỏ công việc ở Google và đăng ký thương hiệu Anker tại California, Mỹ. Cùng năm đó, ông trở lại quê nhà Hồ Nam để thành lập công ty TNHH Thương mại điện tử Haiyi.
Ban đầu, Yang Mei không tự mình sản xuất pin laptop mà chọn dựa vào chợ điện tử lớn nhất Trung Quốc - Hua Qiang Bei để làm OEM (nhà sản xuất sản phẩm theo yêu cầu), sau đó bán hàng trên Amazon.
Chợ điện tử Hua Bei Qiang
Cộng sự của Yang Meng là Zhao Dong Ping - người từng là một trong mười nhà quản lý toàn cầu hàng đầu của Google. Có thể nói, nhân vật này nắm rất rõ các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Khi Yang Meng có ý định khởi nghiệp, Zhao Dong Ping cũng đang dự định rời khỏi Google.
Được hỗ trợ bởi chuỗi cung ứng hiệu quả về mặt chi phí của Trung Quốc, nhóm Yangmeng đã nhanh chóng khai thác được “mỏ vàng” đầu tiên trên Amazon bằng cách dựa vào các chương trình phục vụ cho thuật toán của nền tảng.
Hành trình bước đến “ngôi vương” về sạc di động
Tuy nhiên về lâu dài, Yang Meng hiểu rằng, đi con đường tự nghiên cứu sản xuất là điều bắt buộc đối với thương hiệu Anker. Ông muốn trở thành một nhà sáng tạo không thể bị thay thế, không phải một người bán hàng đơn thuần và có thể bị thay chỗ bất cứ lúc nào.
Vì vậy vào năm 2012, Yang Meng đã dẫn đoàn đội từ Thâm Quyến trở lại Hồ Nam để tự nghiên cứu sản xuất.
Họ đã thu thập dữ liệu đánh giá và xếp hạng của người dùng trên Amazon để hướng dẫn thiết kế, từ đó truy ngược lại để tạo ra sự thay đổi và thiết kế ra sản phẩm.
Thông qua phân tích, nhóm nghiên cứu của Anker nhận thấy do sản phẩm của Apple và Android áp dụng các thông số kỹ thuật sạc khác nhau, vì vậy bộ sạc và cáp dữ liệu của cả hai bên không tương thích. Do đó, pin sạc của hai bên không thể sạc cho nhau hoặc cho hiệu quả sạc chậm.
Thông qua việc đổi mới một con chip nhỏ, Anker đã cho ra mắt bộ sạc đa năng tương thích với cả hệ thống Apple và Android trong cùng một năm. Sản phẩm sau khi ra mắt đã trở nên rất nổi tiếng và trở thành sản phẩm ăn khách đầu tiên của thương hiệu.
Điều tương tự cũng xảy ra với pin sạc dự phòng. Năm 2014, Anker phát hiện ra để đảm bảo khả năng lưu trữ năng lượng điện, các cục pin sạc dự phòng trên thị trường thường được thiết kế quá cồng kềnh, không phù hợp để phụ nữ mang theo khi đi ra ngoài.
Do đó, Anker đã thiết kế một cục sạc dự phòng nhỏ gọn lấy cảm hứng từ thỏi son. Sản phẩm này được gọi là "Sạc dự phòng son môi" và đã trở thành sản phẩm đình đám thứ hai của Anker. Đây cũng là sản phẩm pin sạc dự phòng di động đầu tiên có doanh số vượt quá 100 triệu USD của hãng.
Tiếp đó, Anker áp dụng vật liệu sợi Kevlar trong áo giáp vào đường truyền dữ liệu để giải quyết tình trạng dây bị đứt. Hãng tuyên bố rằng nó đủ cứng cáp để có thể kéo một chiếc ô tô 1,5 tấn. Kế đó, hãng ứng dụng công nghệ sạc GaN (Gallium Nitride) vào lĩnh vực sạc điện, giúp giữ nguyên hiệu suất sạc nhưng thể tích được rút gọn tới 53%.
Năm 2019, thông qua công nghệ PowerIQ đầu tiên, Anker đã giải quyết được vấn đề về giao thức sạc không tương thích cho người dùng điện thoại di động Apple. Với chứng nhận MFi, Anker trở thành thương hiệu pin sạc Trung Quốc duy nhất hợp tác với Apple.
Với sự tích lũy của nhiều sản phẩm nổi tiếng, Anker đã phát triển vượt bậc trong lĩnh vực kinh doanh sạc, đứng đầu trong danh mục Amazon quanh năm. Tính đến năm 2020, doanh thu hàng năm của Anker Innovation đã vượt 9,3 tỷ NDT (234.000 tỉ đồng), trở thành thương hiệu sạc kỹ thuật số hàng đầu thế giới.
Cùng năm đó, Anker được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến và trở thành công ty thương mại điện tử xuyên biên giới đầu tiên của Trung Quốc.
Theo báo cáo tài chính, Anker đạt doanh thu 17,507 tỷ NDT (440.616 tỉ đồng) và lợi nhuận ròng 1,615 tỷ NDT 40.646 tỉ đồng) vào năm 2023. Trong đó, doanh thu ở nước ngoài chiếm 96%, doanh thu từ các sản phẩm sạc chiếm 49%.