Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Tiền Giang vẫn giữ gam màu sáng ở ĐBSCL

Thời gian gần đây, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Tiền Giang luôn đạt thứ hạng cao ở vùng ĐBSCL. Trong 8 tháng của năm nay, tỉnh Tiền Giang đứng hàng thứ 2 trên lĩnh vực này (sau tỉnh Long An).

Đạt được thành quả đó là sự nỗ lực không ngừng trong sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, người dân kết hợp với những cơ chế, chính sách phù hợp, năng động của chính quyền và các ngành chức năng địa phương.

Sầu riêng là trái cây xuất khẩu hàng đầu, thu ngoại tệ cao ở tỉnh Tiền Giang.

Sầu riêng là trái cây xuất khẩu hàng đầu, thu ngoại tệ cao ở tỉnh Tiền Giang.

Năm nay, dù gặp không ít khó khăn trong sản xuất kinh doanh do tình hình thế giới nhất là chiến tranh, xung đột giữa một số quốc gia, suy thoái kinh tế toàn cầu còn tiếp diễn, thiên tai diễn biến phức tạp... Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu hàng hóa ở tỉnh Tiền Giang vẫn có mức tăng trưởng cao, tiếp tục thể hiện những gam màu sáng của vùng ĐBSCL.

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, chỉ trong tháng 8 qua, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 500 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong 8 tháng, ước đạt 3,98 tỷ USD, tăng 12,6% và đạt 79,8% so với kế hoạch năm; trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 78,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Chế biến trái cây xuất khẩu sang Nga và Mỹ của công ty TNHH Vina XO.

Chế biến trái cây xuất khẩu sang Nga và Mỹ của công ty TNHH Vina XO.

Đáng ghi nhận là xuất khẩu hàng rau quả của tỉnh đã phát huy thế mạnh, ước đạt 45.281 tấn, với 82,7 triệu USD, tăng gần 134% về lượng và tăng 58% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc trong 8 tháng chiếm 42,43% về trị giá trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của tỉnh.

Trái xoài được công ty TNHH Nông sản Cát Tường sơ chế xuất sang Hàn Quốc.

Trái xoài được công ty TNHH Nông sản Cát Tường sơ chế xuất sang Hàn Quốc.

Xuất khẩu sản phẩm công nghiệp, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu hàng hóa của tỉnh, như: Kim loại thường khác và sản phẩm (kể cả đồng) ước đạt 01 tỷ USD, tăng 35,9% so với cùng kỳ. May mặc ước đạt 653,8 triệu USD, tăng 47,4% so với cùng kỳ, giày dép các loại ước đạt 629,1 triệu USD, tăng 21,4% so với cùng kỳ. Riêng xuất khẩu thủy sản 8 tháng qua đạt 101.834 tấn và đạt hơn 248 triệu USD, giảm 17,1% về lượng và giảm 30,8% về trị giá so với cùng kỳ; xuất khẩu gạo ước đạt 91.843 tấn và đạt 56,2 triệu USD, giảm 29,4% về lượng và giảm 25,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Trứng gia cầm là mặt hàng nông sản của nông dân đã đưa đi xuất khẩu.

Trứng gia cầm là mặt hàng nông sản của nông dân đã đưa đi xuất khẩu.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Công ty TNHH VinaXO (tại xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) chuyên sơ chế trái cây như xoài, mít, thanh long xuất khẩu qua các thị trường khó tính. Năm nay, dù gặp nhiều khó khăn từ phía đối tác, nhưng doanh nghiệp này mỗi tháng cũng xuất được 2 container (tương đương 40 tấn). Để phục vụ nhu cầu xuất khẩu ngày càng cao thì sản phẩm phạt đạt chất lượng, giảm tối đa chất bảo quản.

Ông Nguyễn Anh Khoa cho biết: "Năm nay tôi xuất khẩu chủ yếu xoài và mít sang thị trường Nga, Mỹ. Bây giờ đơn hàng đã có sẵn quan trọng là chất lượng thôi. Bên đó họ yêu cầu chất lượng với yêu cầu organic nhiều lắm, bây giờ ngày càng hướng về không chất bảo quản, không hóa chất, hướng về tự nhiên. Bên Nga cũng giảm chất bảo quản nhiều lắm nên nông dân sản xuất càng sạch thì càng đạt thôi. Bên đây chủ yếu là sấy qua quá trình gọt, tẩm, ướp sấy nồng độ giảm đi nhiều lắm. Còn dư thuốc mà nông dân làm quy trình công ty làm thì cũng giảm gần hết rồi".

Mặt hàng cá tra phi lê xuất khẩu của công ty cổ phần Gò Đàng xuất sang 80 quốc gia, vùng thành thổ trên thế giới.

Mặt hàng cá tra phi lê xuất khẩu của công ty cổ phần Gò Đàng xuất sang 80 quốc gia, vùng thành thổ trên thế giới.

Còn ông Nguyễn Văn Đạo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (Khu công nghiệp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) - một doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu hàng đầu của tỉnh Tiền Giang, phấn khởi cho biết, nhờ đổi mới chiến lược sản xuất, kinh doanh, khép kín vùng nguyên liệu- sản xuất, nên sản phẩn cá tra phi lê và các mặt hàng của doanh nghiệp năm nay xuất khẩu có khởi sắc, đầu ra ổn định ở 80 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, tạo công an việc làm ổn định cho 4.200 lao động.

Trong 8 tháng qua, doanh thu của doanh nghiệp đạt kế hoạch đề ra, giá cá nguyên liệu có tăng cao nên người nuôi và doanh nghiệp đều có lãi.

“Mặt hàng kinh doanh của chúng tôi hoạt động rất ổn, đã vượt qua khó khăn. Doanh thu của doanh nghiệp tới thời điểm này khoảng 1.700 tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm hy vọng ổn định, đến cuối năm cũng duy trì doanh thu khoảng 2500 tỷ đồng. Chúng tôi chú trọng củng cố thị trường cũ, mở rộng thị trường mới điều đó rất quan trọng" - ông Nguyễn Văn Đạo cho biết.

Các sản phẩm tinh chế từ Yến Sào là mặt hàng mới của doanh nghiệp Tiền Giang có giá trị cao.

Các sản phẩm tinh chế từ Yến Sào là mặt hàng mới của doanh nghiệp Tiền Giang có giá trị cao.

Sau đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp lớn “bên lề phá sản” nhưng hiện nay đã vượt khó, vươn lên đáp ứng theo các đơn hàng xuất khẩu, giữ chân người lao động như: công ty cổ phần chế biến nông sản Cát Tường (Tp. Mỹ Tho), công ty may mặc xuất khẩu Hoan Vinh (huyện Châu Thành)…Nhiều doanh nghiệp chuyển qua sản xuất kinh doanh ngành nghề dẫn dụ chim yến, chế suất các sản phẩm từ yến sào cung cấp cho thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu. Riêng các khu công nghiệp Tân Hương, Long Giang, Mỹ Tho, cụm công nghiệp Trung An, Tân Mỹ Chánh hoạt động ổn định.

Tiền Giang được xem là vựa trái cây lớn nhất cả nước, với tổng diện tích trên 85.000ha, sản lượng đạt trên 1,76 triệu tấn/năm, với nhiều loại trái cây đặc sản như xoài, sầu riêng, bưởi, vú sữa, chôm chôm, cam, nhãn, dứa, thanh long, sơri, dừa… có giá trị xuất khẩu cao. Đến hiện tại, các mặt hàng rau quả của Tiền Giang đã xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới, bao gồm các thị trường "khó tính" như Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Nông dân Tiền Giang xử lý cây sầu riêng ra hoa nghịch vụ xuất khẩu giá cao

Nông dân Tiền Giang xử lý cây sầu riêng ra hoa nghịch vụ xuất khẩu giá cao

Về nhận thức và tư duy đã có sự thay đổi rõ rệt từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; nhà vườn đã từng bước quan tâm đến thị trường, mùa vụ gắn với giá cả đầu ra; dành thời gian và chi phí để xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến; tham gia tích cực vào chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ và hệ thống thương mại hiện đại; quan tâm kết nối với các đối tác nước ngoài… Nhiều loại trái cây ngoài xuất tươi, còn sơ chế, chế biến sâu ra bột, cơm sấy, nước ép được thị trường thế giới ưa chuộng như: sầu riêng, thanh long, xoài cát Hòa Lộc, khóm, mít, dừa...

Trái ớt cũng là một trong số hoa màu nông dân Tiền Giang trồng phục vụ xuất khẩu.

Trái ớt cũng là một trong số hoa màu nông dân Tiền Giang trồng phục vụ xuất khẩu.

Huyện Cái Bè là địa phương có kinh tế vườn phát triển mạnh nhất tỉnh Tiền Giang với hơn 25 nghìn ha; ngoài cây sầu riêng là cây “ tỉ phú” cho thu nhập gần 02 tỷ đồng/ha/năm thì cây xoài có diện tích khá lớn với hơn 3000ha, chiếm đến 52% tổng diện tích trồng xoài trong tỉnh; trong đó giống xoài Cát Hòa Lộc chất lượng rất cao xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Nhật, Hàn Quốc, Canada, New Zealand, Nga…Theo ông Phan Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè, thời gian qua, chính quyền và các ngành chức năng địa phương rất quan tâm đến việc sản xuất trái cây theo hướng hàng hóa, xuất khẩu; đặc biệt đối với trái xoài.

Trong đó khuyến khích nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị: "Để nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn xoài xuất khẩu huyện Cái Bè phát triển theo chuỗi sản phẩm, tác động vào mọi đối tượng liên kết từ người sản xuất, người thu mua, sơ chế, đóng gói, bảo quản. Doanh nghiệp xuất khẩu đảm bảo đáp ứng đúng theo quy định của thị trường xuất khẩu. Trong đó, vai trò của Hợp tác xã rất quan trọng, HTX chính là đầu mối để phối hợp liên kết theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp xuất khẩu".

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang rất quan tâm đến cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang rất quan tâm đến cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

Để phục hồi và phát triển kinh tế, nhất là đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa, thời gian qua lãnh đạo UBND tỉnh, các Sở, Ngành chức năng tỉnh và chính quyền các địa phương đã thường xuyên tổ chức các cuộc hội nghị, gặp gỡ với doanh nghiệp, "cà phê doanh nhân" gặp gỡ với hợp tác xã và nông dân giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh. Sở Công Thương phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành chức năng khẩn trương xúc tiến các thủ tục cần thiết như: lập hồ sơ để được cấp mã số cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch trái cây sang thị trường Trung Quốc và các nước khác.

Qua đó, nhằm khơi thông điểm "vướng" trong xuất khẩu trái cây chính ngạch. Công tác xúc tiến thương mại nhằm kết nối thị trường xuất khẩu hàng hóa tiếp tục thực hiện; vận động các doanh nghiệp ngành hàng nông sản tham gia các hội chợ hoặc triển lãm cung cầu hàng hóa trong ngoài nước và tại tỉnh. Ngoài ra, tỉnh vận dụng tốt cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, khuyến khích xây dựng và kết nối các vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm. Đặc biệt là tập trung cho các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh.

Trong sản xuất kinh doanh vấn đề chất lượng sản phẩm luôn được cả người dân và chủ doanh nghiệp quan tâm để phục vụ các tiêu chí xuất khẩu, nhất là hạn chế tối đa sử dụng các chất bảo quản, không để còn tồn dư lượng hóa học; trong sản xuất nông nghiệp ưu tiên sử dụng phân thuốc hữu cơ, vi sinh… Công tác cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để phục vụ xuất khẩu được quản lý, giám sát chặt chẽ hơn, không chạy theo số lượng.

Ông Nguyễn Văn Danh Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang tặng bằng khen cho các doanh nghiệp tiêu biểu.

Ông Nguyễn Văn Danh Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang tặng bằng khen cho các doanh nghiệp tiêu biểu.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 284 mã số vùng trồng, với diện tích hơn 20.440 ha với các loại cây mít, thanh long, xoài, vú sữa, dưa hấu. Riêng vườn cây sầu riêng có 72 mã số với diện tích hơn 2.600 ha. Ngoài ra toàn tỉnh còn được cấp 308 mã số cơ sở đóng gói trái cây xuất khẩu. Tỉnh Tiền Giang còn có 259 sản phẩm được đánh giá, phân loại OCOP.

Về việc quản lý mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt- Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh Tiền Giang) cho biết: “Một là tuyên truyền vận động bà con nông dân, đối với mã số vùng trồng thì phải sản xuất theo quy định, cấp mã số phải theo quy định. Đối với cơ sở đóng gói là phải duy trì điều kiện, thứ hai sản xuất theo quy trình. Đối với mã số vùng trồng thì phải sử dụng thuốc theo khuyến cáo do Cục BVTV đưa ra, sử dụng thuốc sinh học, đảm bảo thời gian cách ly. Đặc biệt phải quản lý được tốt đối tượng dịch hại, nếu như vi phạm lần đầu mà nước ngoài báo về thì mình khắc phục lần đầu còn nếu khi lần 2 vi phạm nữa thì tính tới tạm dừng và thu hồi“.

Sở Công Thương Tiền Giang cho biết, cả năm nay tỉnh phấn đấu xuất khẩu hàng hóa đạt 5,7 tỷ USD, tăng 4,48% so với cùng kỳ năm ngoái. Với tiềm năng, thế mạnh của một địa phương “cửa ngõ” miền Tây có nhiều lợi thế như: 56.000 ha canh tác lúa, sản lượng hàng năm đạt 800.000 tấn; hơn 15.000 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, hơn 85 nghìn ha cây ăn trái, đàn già cầm, gia súc trên 16 triệu con, hơn 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động ổn định…, cùng với các cơ chế chính sách phù hợp, thiết thực, tinh thần nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và người dân Tiền Giang tin rằng sẽ đạt được kế hoạch đề ra, tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu vùng ĐBSCL về xuất khẩu hàng hóa.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/hoat-dong-xuat-khau-hang-hoa-cua-tinh-tien-giang-van-giu-gam-mau-sang-o-dbscl-post1122916.vov
Zalo