Hoạt động thu gom rác dân lập: Thêm khó vì xe không đạt chuẩn

Mỗi ngày, TPHCM phát sinh khoảng 10.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, 60% lượng rác này sẽ được lực lượng dân lập thu gom. Tuy nhiên, gần đây, hoạt động này gặp nhiều khó khăn khi thành phố triển khai công tác xử lý xe tự chế, xe thô sơ tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, trong đó có xe ba gác chở rác.

Cấm xe không đủ chuẩn lưu thông

Anh Nguyễn Công Hậu, Hợp tác xã (HTX) Môi trường quận 10, TPHCM cho biết, gia đình anh có 5 người (2 vợ chồng và 3 cháu ngoại), cuộc sống mưu sinh chỉ trông chờ vào việc đi thu gom, đổ rác, mỗi tháng thu nhập khoảng 6 triệu đồng. Gần đây, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) tăng cường xử phạt các phương tiện thô sơ, xe chở rác của anh đã bị thổi phạt 6 lần, mỗi lần phải đóng phạt 1 triệu đồng. “Nếu tình trạng này kéo dài, nguồn sống của gia đình tôi ngày càng khó hơn”, anh Hậu than thở.

Tương tự, chị Lưu Thị Hồng, HTX Môi trường quận 5, tâm sự, gia đình chị có 4 người, trong đó chị và mẹ ruột mưu sinh bằng nghề thu gom, vận chuyển rác, thu nhập khoảng 6 triệu đồng mỗi tháng. Quá trình thu gom, vận chuyển rác, xe của chị bị CSGT xử phạt 1 lần, xe của mẹ chị bị xử phạt 3 lần.

Những lần trước bị tạm giữ xe, đóng phạt rồi lấy xe ra, nhưng vừa rồi lực lượng chức năng đã thu giữ, không cho chị lấy xe ra nữa. Phương tiện bị tịch thu ảnh hưởng đến thu nhập, gây nhiều khó khăn cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của gia đình chị.

Ghi nhận tại các HTX rác dân lập cho thấy, phương tiện chở rác thô sơ bị các cơ quan chức năng thu giữ khá phổ biến. Ông Phạm Văn Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Môi trường Đồng Tâm (gồm 8 HTX thành viên) cho biết, từ tháng 7-2024 đến nay, các thành viên của đơn vị đã bị thu giữ hơn 200 phương tiện thu gom, vận chuyển rác.

Theo thông tin từ các quận, huyện, việc cơ quan chức năng thu giữ các xe chở rác không đạt chuẩn là thực hiện theo Văn bản số 3497/CATP-PC08 vào tháng 6-2024 của Công an TPHCM về xử lý các phương tiện xe rác dân lập trên địa bàn thành phố. Lý do là, thời gian qua, xe cơ giới không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, cũ nát, xe tự chế, xe lôi… lưu thông trên địa bàn thành phố vi phạm trật tự, an toàn giao thông diễn ra khá phổ biến, trong đó có nhiều phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt.

 Cảnh sát giao thông xử lý xe rác dân lập không đạt chuẩn trên đường 3 Tháng 2, quận 11, TPHCM

Cảnh sát giao thông xử lý xe rác dân lập không đạt chuẩn trên đường 3 Tháng 2, quận 11, TPHCM

Đại diện Phòng TN-MT quận 10 cho biết, trong năm 2020, quận đã vận động nguồn lực xã hội hóa và chuyển đổi được 98 phương tiện theo đúng quy định (thùng 660 lít). Đối với việc thực hiện quy định xử lý các phương tiện xe thô sơ, quận cũng đã tiến hành thông tin, tuyên truyền, vận động đến từng lực lượng thu gom rác trên địa bàn tuân thủ, thực hiện chuyển đổi; sử dụng phương tiện đúng quy định.

Tuy nhiên, để hỗ trợ toàn bộ lực lượng thu gom rác dân lập chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển rác là nằm ngoài sức của quận. Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chủ tịch UBND quận 5, TPHCM, cũng cho biết quận chưa có chính sách gì riêng hỗ trợ lực lượng thu gom rác dân lập thực hiện chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển rác.

Không vốn, khó chuyển đổi

Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giám đốc HTX Môi trường huyện Nhà Bè, TPHCM, cho biết, do cần vốn để thực hiện chuyển đổi phương tiện thu gom rác, chị đã liên hệ Quỹ Bảo vệ môi trường TPHCM. Nộp hồ sơ 2 tuần không thấy hồi âm, sốt ruột, chị liên hệ lại thì được yêu cầu bổ sung sao kê tài khoản. “Cái này thì không thể có vì thu tiền rác bằng tiền mặt. Trình bày không được nên tôi từ bỏ ý định vay vốn”, chị Linh bày tỏ.

Ngoài ra, các thành viên trong HTX chủ động vay theo quy định phải có hộ khẩu ở TPHCM, nhưng phần lớn người thu gom rác có hộ khẩu ở tỉnh, thành khác. Đại diện HTX Môi trường quận Bình Thạnh, TPHCM phản ánh, lực lượng thu gom rác dân lập đa phần có quy mô nhỏ, vốn ít. Chưa kể, mức thu nhập chỉ từ 8-10 triệu đồng/tháng, không đủ tiền để đóng lãi. Thậm chí, các đường dây rác có nhu cầu vay vốn cũng chưa chắc vay được vì bên cho vay yêu cầu phải có tài sản thế chấp, mà tài sản của họ hầu như không có gì ngoài những chiếc xe ba gác thô sơ.

Ông Phạm Văn Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Môi trường Đồng Tâm, kiến nghị, hiện nay, xe thu gom rác đúng quy chuẩn có giá từ 300-800 triệu đồng, tùy hãng, tùy khối lượng vận chuyển. Con số này thực sự quá sức đối với các đường dây rác dân lập.

“Chúng tôi mong muốn thành phố có giải pháp thích hợp để tạo điều kiện cho người thu gom rác tiếp cận được loại phương tiện nhỏ gọn, giá thành vừa phải (dưới 100 triệu đồng/phương tiện) để nhanh chóng chuyển đổi theo yêu cầu của cơ quan chức năng”, ông Phạm Văn Khanh nói.

Theo Sở TN-MT TPHCM (đơn vị quản lý Quỹ Bảo vệ môi trường TPHCM), tính đến hết năm 2024, Quỹ Bảo vệ Môi trường đã duyệt vay cho 117 dự án với tổng số tiền hơn 135 tỷ đồng (lãi suất vay ưu đãi hiện nay là 3,46%/năm, hạn mức không quá 70% tổng mức đầu tư mỗi dự án, thời gian vay không quá 7 năm). Đến nay, đã chuyển đổi được 145 ô tô chở rác. Đại diện Sở TN-MT TPHCM cho biết, tùy từng trường hợp cụ thể mà Quỹ Bảo vệ môi trường sẽ có những tính toán hỗ trợ khác nhau.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường đã yêu cầu Sở KH-ĐT TPHCM chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan nghiên cứu, tham mưu sớm bổ sung kinh phí cho Quỹ Bảo vệ môi trường TPHCM để hỗ trợ các dự án vay chuyển đổi, mua mới phương tiện thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn thành phố.

MINH HẢI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hoat-dong-thu-gom-rac-dan-lap-them-kho-vi-xe-khong-dat-chuan-post776478.html
Zalo