Hoạt động tài chính của các tổ chức khủng bố IS, Hamas và Hezbollah

Những năm gần đây, tiền điện tử đã trở thành yếu tố quan trọng trong cấu trúc tài chính của những kẻ khủng bố, còn bản thân chủ nghĩa khủng bố ngày càng giống một dự án kinh doanh với các nhà tài trợ của mình, chiến lược kiếm tiền, hệ thống thuế bán phần, đầu tư và mạng lưới tài chính toàn cầu. Khác với định kiến xưa nay, những kẻ khủng bố không phải là những tên mọi rợ nghèo khổ - trong số chúng có những người có học vấn đại học.

Các khoản chi phí chính: Vũ khí, tiền lương và lương hưu

Mỗi năm, hàng trăm triệu, có khi hàng tỷ USD được chuyển qua các tổ chức khủng bố. Tưởng như số tiền này quá nhiều đối với các băng nhóm cực đoan tương đối nhỏ, nhưng trên thực tế, chủ nghĩa khủng bố không phải là một hoạt động rẻ tiền. Ngoài các chi phí mua thiết bị và vũ khí lên tới nhiều triệu USD mỗi năm, một khoản chi rất lớn của các nhóm khủng bố là tiền lương của các thành viên.

Những kẻ khủng bố không chỉ nhận được tiền lương mà còn các khoản trợ cấp khác nhau, tiền thưởng và lương hưu. Ví dụ, “Quỹ Tử đạo của Chính quyền Palestine” trả lương tháng cho "tất cả những kẻ bị tù vì tham gia cuộc chiến chống bọn chiếm đóng", cả khi bị giam giữ lẫn sau khi được thả, cũng như gia đình những kẻ thiệt mạng trong “cuộc chiến chống bọn chiếm đóng”.

Tiền thù lao cho một kẻ khủng bố Hamas khi ở tù trung bình là 375 USD mỗi tháng, tương đương với mức lương trung bình ở Dải Gaza. Tùy theo thời gian ngồi tù và mức độ tội phạm, số tiền này có thể lên tới 3.000 USD/ tháng. Mỗi năm, Chính quyền Palestine chi trả hàng trăm triệu USD, đôi khi lên tới 10% tổng ngân sách.

Lá cờ của “Nhà nước Hồi giáo” trên tòa nhà hải quan ở cửa khẩu biên giới Jarablus của Syria.

Lá cờ của “Nhà nước Hồi giáo” trên tòa nhà hải quan ở cửa khẩu biên giới Jarablus của Syria.

Các thành viên của nhóm Hezbollah có thể kiếm được khoảng 1.000 USD/tháng, trong khi thu nhập trung bình tháng ở Liban chỉ 120 USD/tháng. Bức tranh ở các vùng lãnh thổ do Nhà nước Hồi giáo (IS) kiểm soát cũng tương tự: các binh sĩ quèn được nhận lương gấp đôi so với các quân nhân trong quân đội Syria. Các bác sĩ thề trung thành với những kẻ khủng bố và làm việc cho chúng nhận được khoảng 1.000 USD mỗi tháng, gấp 7 lần thu nhập của các bác sĩ nhà nước. Tổng chi phí tiền lương hàng tháng của IS ước tính khoảng 5-10 triệu USD.

Các nhà tài trợ tự nguyện (và bất đắc dĩ)

Các nhà tài trợ chính của những kẻ khủng bố là các chính phủ, họ bí mật phân bổ hàng trăm triệu USD cho các tổ chức khủng bố để sau đó sử dụng chúng cho mục đích chính trị của mình. Việc hỗ trợ các lực lượng ủy nhiệm cho phép các nước hành động bằng bàn tay người khác, nhưng dường như vẫn vô can, khi các nhóm này sử dụng bạo lực.

Một số quốc gia công khai thừa nhận đã ủng hộ những kẻ khủng bố và coi đó là một sai lầm trong quá khứ. Chính phủ Pakistan thừa nhận đã “thành lập và nuôi dưỡng” các nhóm khủng bố như một công cụ để đạt được các mục tiêu chiến thuật nhất định, chẳng hạn như tiến hành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm với Ấn Độ trên vùng lãnh thổ quan trọng chiến lược ở Kashmir. Iran đặc biệt tích cực theo hướng này. Qua bàn tay của bọn lính đánh thuê, Iran đã can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria và Iraq để chống lại lợi ích của Mỹ. Cùng với Hamas, phong trào “Thánh chiến Hồi giáo” của Palestine và nhóm Hezbollah của Liban, Iran tạo thành một “trục kháng chiến” chống Israel.

Mỗi năm, Tehran cung cấp cho Hamas khoảng 350 triệu USD. Còn hàng trăm triệu USD nữa đều đặn đến từ Qatar. Hezbollah nhận được gần 700 triệu USD tài trợ của Iran. Gần đây, thông tin mật rò rỉ cho biết năm 2024, Iran đã tài trợ hơn 1,5 tỷ USD cho Lực lượng “Quds”, bị coi là khủng bố ở nhiều quốc gia, tương đương với ngân sách quân sự của các quốc gia nhỏ như Angola hoặc Litva. Các quốc gia khác ở Trung Đông, như Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng bị cáo buộc hỗ trợ các nhóm khủng bố vì lợi ích riêng của mình.

Những kẻ khủng bố cũng có thể tự kiếm tiền. Khi nhóm khủng bố kiểm soát cả một đất nước, ví dụ như Taliban, chúng chỉ cần thu thuế từ các vùng lãnh thổ bị kiểm soát. Trước khi lên nắm quyền vào tháng 8 năm 2021, Taliban đã thành lập hệ thống thu thuế ở Afghanistan và các vùng lãnh thổ khác do chúng kiểm soát. Về cơ bản, đây là thuế đánh vào thu hoạch mùa màng của dân cư, áp dụng đối với cả cây trồng được phép lẫn không được phép (thuốc phiện), thuế vận chuyển hàng hóa (tương tự như hải quan), các loại thuế kinh doanh khác nhau (trên thực tế là một hình thức đấu giá) và các loại thuế về viện trợ nhân đạo.

Theo các đánh giá khác nhau, Nhà nước Hồi giáo thu về 800 triệu USD mỗi năm. Ví dụ, ở châu Phi, một khu chợ lớn ở thủ đô Somalia đã buộc phải đóng cửa do phiến quân IS áp thuế cắt cổ đối với các doanh nhân địa phương. Tại một thành phố khác của Somalia, Bosaso, những kẻ khủng bố đã đốt cháy tòa nhà của một công ty địa phương vì từ chối trả cho nhóm này 500 nghìn USD.

Các phiến quân tại lễ kỷ niệm 31 năm thành lập HAMAS, năm 2018.

Các phiến quân tại lễ kỷ niệm 31 năm thành lập HAMAS, năm 2018.

Đầu tư vào khủng bố

Sự quyên góp của những người đồng chính kiến từ khắp nơi trên thế giới là một nguồn tài chính nữa dành cho những kẻ khủng bố. Gần đây, nó được thực hiện bằng tiền điện tử. Ba năm gần đây, Hamas đã nhận được 41 triệu USD tiền điện tử, còn nhóm “Thánh chiến Hồi giáo Palestine” - 93 triệu. Các chiến dịch quyên góp tiền điện tử cho Nhà nước Hồi giáo thường được ngụy trang dưới hình thức quyên góp viện trợ nhân đạo cho các tù nhân khủng bố. Những người phụ trách chiến dịch nhấn mạnh hoàn cảnh khó khăn của tù nhân và kể về những điều kiện tồi tệ của họ để khuyến khích mọi người quyên góp. Tuy nhiên, trong các cuộc trò chuyện riêng, những người phụ trách một số chiến dịch “nhân đạo” này không giấu giếm rằng tiền có thể không được dành cho viện trợ nhân đạo mà là cung cấp cho “những người anh em đang chiến đấu vì tự do của người khác”.

Tiền điện tử không phải là khoản duy nhất của những kẻ khủng bố. Các băng nhóm quản lý các danh mục đầu tư, từ vài trăm triệu đến một tỷ USD. Thông qua mạng lưới phức tạp gồm nhiều cá nhân được liên kết với nhau, mỗi người chịu trách nhiệm quản lý cổ phần trong các công ty ở các nước Arập, có thể kiếm được hàng chục triệu mỗi năm.

HAMAS sử dụng các nhân viên chủ chốt của mình để thành lập những công ty như vậy ở Trung Đông, nơi chính quyền ngầm đồng ý cho các hoạt động tương tự. Mạng lưới của chúng bao gồm các doanh nghiệp ở UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Algeria, Ả Rập Saudi và Sudan. Theo điều tra của Newsweek, nhóm này đang mở rộng sang Tây Âu. Cụ thể, một doanh nhân Yemen có quan hệ với Hamas sở hữu cổ phần trong một công ty bất động sản ở UAE, công ty có một tòa nhà văn phòng trị giá 150 triệu USD. Ông này cũng sở hữu 20% cổ phần trong một công ty bình phong của Hamas ở Arập Saudi và có chân trong hội đồng quản trị của một công ty khác ở Sudan. Ngoài ra, ông còn nắm giữ những vị trí quan trọng tại 4 công ty xây dựng lớn ở Trung Đông.

Tổng giám đốc Công ty xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ Trend GYO, Amer Kamal Sharif Al-Shawa, là nhà tài chính của Hamas, công ty này có liên quan đến những kẻ khủng bố. Đồng thời, cổ phiếu của nó được giao dịch trên sàn chứng khoán - tổng vốn hóa của công ty là hơn 1 tỷ USD, 75% trong đó, theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ, thuộc về HAMAS.

Đại diện của các nhóm khác, chẳng hạn như Hezbollah, tuyên bố rằng thu nhập từ các danh mục đầu tư gần như là nguồn tài chính chủ yếu của họ.

Phó thủ lĩnh của HAMAS Saleh al-Arouri (trái) và thành viên Hội đồng Lập pháp Palestine, Azzam al-Ahmad (phải) ký thỏa thuận hòa giải ở Cairo, năm 2017.

Phó thủ lĩnh của HAMAS Saleh al-Arouri (trái) và thành viên Hội đồng Lập pháp Palestine, Azzam al-Ahmad (phải) ký thỏa thuận hòa giải ở Cairo, năm 2017.

Ma túy, dầu mỏ, rửa tiền và chiếm đoạt

Những kẻ khủng bố kiếm tiền bằng cả hoạt động tội phạm đơn giản. Hơn nữa, mỗi nhóm chuyên về một loại tội phạm riêng. Hezbollah đặc biệt thành công trong việc buôn bán ma túy. Vào những năm 1980, một trong những giáo sĩ của nhóm đã ra sắc lệnh tán thành việc bán ma túy cho những người không theo đạo Hồi ở phương Tây. Trong những thập kỷ gần đây, Hezbollah đã xây dựng một cỗ máy buôn bán ma túy hoạt động hiệu quả ở châu Mỹ Latinh, mỗi năm đưa hàng tỷ đôla lợi nhuận bất hợp pháp qua châu Âu và châu Phi để rửa tiền.

Thu nhập hàng năm của nhóm từ việc bán ma túy ước tính vào khoảng 300 triệu USD. Tuy nhiên, trên thực tế, số tiền thu nhập bất hợp pháp cao hơn nhiều.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây và sự thất thường của thị trường dầu mỏ đang làm giảm khả năng tài trợ của Tehran cho Hezbollah, rất có thể, chúng làm tăng nhu cầu huy động vốn của nhóm. Hezbollah thực hiện điều này bằng cách sử dụng tài sản chính của mình: mạng lưới gia tộc không chính thức gồm các gia đình lớn, có thành viên sống rải rác trên khắp thế giới và hòa nhập tốt vào đời sống kinh tế, tội phạm của nhiều quốc gia khác nhau, đặc biệt là ở Mỹ Latinh.

Các phương pháp kiếm tiền đang được đổi mới. Chỉ vài năm trước, IS thu được lợi nhuận khổng lồ từ việc bán dầu ở các vùng lãnh thổ chúng kiểm soát. Theo ước tính của các nhà phân tích năng lượng ở UAE, năm 2014, tổng thu nhập của IS từ khai thác dầu đạt 3 triệu USD mỗi ngày. Vào cuối năm 2015, các cuộc không kích các giếng dầu bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động khai thác dầu và đến tháng 3 năm 2016, thu nhập của nhóm này đạt khoảng 0,7 triệu USD mỗi ngày. Chẳng bao lâu, do mất lãnh thổ ở Syria và Iraq, dầu mỏ không còn là nguồn thu nhập của những kẻ khủng bố.

Cấu trúc của Nhà nước Hồi giáo đã thay đổi mạnh mẽ - nhóm trước đây tập trung ở Syria và Iraq đã phân chia thành một số đơn vị độc lập trên khắp thế giới. Mỗi đơn vị kiếm tiền bằng các phương pháp thông thường, chẳng hạn như tống tiền, bắt cóc, cướp của, buôn bán ma túy, cũng như bằng các phương pháp cụ thể đặc trưng cho địa phương của chúng.

Hiểu rằng mở rộng quy mô và đa dạng hóa là chìa khóa dẫn đến thành công và tăng trưởng lợi nhuận, Cơ quan Trung ương của IS bắt đầu coi các chi nhánh của mình như những công ty khởi nghiệp, cung cấp cho chúng vốn ban đầu, đồng thời nói rõ rằng chúng phải trả “cổ tức” cho Cơ quan Trung ương sau khi đạt được sự độc lập về tài chính.

Wilayat Khorasan, chi nhánh của IS ở Nam Á được cấp khoảng 100 triệu USD vốn ban đầu từ Cơ quan Trung ương trong năm đầu tiên tồn tại, còn một đơn vị của IS ở Somalia hàng tháng gửi vài chục nghìn USD tiền điện tử cho tổ chức của mình ở Trung Đông. Wilayat Khorasan đã chuyển trọng tâm của IS từ dầu mỏ sang chiếm giữ các khu mỏ khai thác đá tan và crôm giàu lợi nhuận. Đến giữa năm 2016, tổ chức này bắt đầu trực tiếp quản lý sản xuất thay vì chỉ đánh thuế các thợ mỏ như phong trào Taliban đã làm trước đây.

Anh Duy

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/hoat-dong-tai-chinh-cua-cac-to-chuc-khung-bo-is-hamas-va-hezbollah-i735590/
Zalo