Hoạt động PR, quảng cáo: Muốn độc lạ, trước hết phải đúng luật

Sáng tạo là yếu tố quan trọng giúp chiến dịch truyền thông thu hút sự chú ý, nhưng việc lạm dụng các chiêu trò có thể khiến tổ chức, cá nhân gánh chịu hậu quả pháp lý.

Thời gian qua, nhiều hoạt động PR (Public Relations - quan hệ công chúng), quảng cáo khiến dư luận đặc biệt quan tâm, thế nhưng lại theo một hướng không mong muốn đó là có những hành vi vi phạm pháp luật. Đơn cử như việc quay video khiêng quan tài để giới thiệu sản phẩm thời trang, chạy nguyên dàn siêu xe để quảng bá cho một sự kiện nhưng lại vượt đèn đỏ...

Có khẳng định, việc thực hiện các hoạt động PR và quảng cáo là quyền của các tổ chức, doanh nghiệp để thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, quyền phải đi kèm nghĩa vụ là tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về quảng cáo và các quy định khác có liên quan.

Sáng tạo phải trong khuôn khổ pháp lý

Bạn đọc Thục Quyên chia sẻ: “Tôi đồng tình việc thực hiện các chiến dịch PR, quảng cáo cần có sáng tạo. Tuy nhiên, sự sáng tạo đó phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp lý và đạo đức. Quảng cáo quá đà, dù có thể gây được sự chú ý tức thời, nhưng nếu vượt quá giới hạn, sẽ dễ dàng gây phản cảm và làm mất đi hình ảnh thương hiệu. Sự lạm dụng chiêu trò gây shock chỉ mang lại hiệu quả ngắn hạn, nhưng không tạo dựng được sự gắn kết lâu dài với công chúng”.

Đồng quan điểm, bạn đọc Đức Thịnh bày tỏ: “Tôi cho rằng các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần nhận thức rõ ràng rằng quảng cáo và PR không chỉ là công cụ để tạo dựng thương hiệu, mà khi thực hiện còn tính toán đến trách nhiệm đối với cộng đồng. Muốn thực hiện được điều này, trước tiên cần tuân thủ đúng pháp luật. Bởi lẽ, một chiến dịch PR, quảng cáo có thể được thông tin tới rất nhiều người dân , trong đó có trẻ em. Chỉ một thông tin hay hành động sai có thể gây ra những nhận thức sai lệch trong xã hội".

Tương tự, bạn đọc Ngân Hà viết: “Tôi cũng thích mấy quảng cáo độc, lạ chứ. Những độc sao mà quá đà, gây ảnh hướng tiêu cực đến xã hội thì đề nghị phải xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật”.

 Hàng loạt hoạt động PR, quảng cáo sai quy định pháp luật. Ảnh: MXH

Hàng loạt hoạt động PR, quảng cáo sai quy định pháp luật. Ảnh: MXH

Quyền và nghĩa vụ khi thực hiện hoạt động PR, quảng cáo

Trao đổi với PLO, Luật sư Nguyễn Thị Thu Hương, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết quảng cáo là việc các tổ chức, cá nhân sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Tại khoản 1 Điều 12 Luật Quảng cáo 2012 quy định người quảng cáo có quyền quảng cáo về tổ chức, cá nhân, sản phẩm dịch vụ hàng hóa của mình; quyết định hình thức, phương thức quảng cáo; được cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương thông tin về quy hoạch quảng cáo ngoài trời đã phê duyệt; yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo.

Tuy nhiên, hoạt động quảng cáo không chỉ dừng lại ở PR quyền lợi mà còn gắn liền với các nghĩa vụ pháp lý mà các tổ chức và cá nhân quảng cáo phải tuân thủ.

Cụ thể, theo khoản 2, khoản 3 Điều 12 Luật Quảng cáo 2012, người quảng cáo có nghĩa vụ cung cấp thông tin chính xác, trung thực về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, và chịu trách nhiệm về các thông tin này trước pháp luật. Họ cũng phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nội dung quảng cáo và chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình khi thực hiện quảng cáo, kể cả khi thuê bên thứ ba thực hiện. Đồng thời, cần cung cấp tài liệu liên quan đến sản phẩm khi có yêu cầu từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, tại Điều 11 của Luật Quảng cáo 2012 quy định rõ về việc xử lý vi phạm trong quảng cáo. Các tổ chức và cá nhân nếu vi phạm quy định về quảng cáo sẽ bị xử lý hành chính (hiện nay là theo Nghị định 38/2021 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 129/2021 và Nghị định 128/2022) hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt nếu hành vi gây thiệt hại thì sẽ phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

"Đáng chú ý, ngoài việc tuân thủ các quy định chuyên ngành về quảng cáo thì các tổ chức, cá nhân khi thực hiện các chiến dịch PR, quảng cáo cần tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan như: Chạy xe ngoài đường để quảng bá thương hiệu thì cần tuân thủ pháp luật giao thông; tổ chức quay quảng cáo thì phải đảm bảo an ninh trật tự... ", Luật sư Hương nhấn mạnh và cho biết việc 9 người trong nhóm "khiêng quan tài diễu phố" bị khởi tố tội gây rối trật tự công cộng là một bài học đắt giá đối với những ai có ý định PR, quảng cáo bằng những chiêu trò gây sốc.

Chiêu trò gây sốc không tạo ra giá trị bền vững

Gần đây, một số chiến dịch truyền thông đã vượt qua ranh giới của sáng tạo khi sử dụng các chiêu trò gây tranh cãi và phản cảm. Từ đó cho thấy ranh giới mong manh giữa sáng tạo thực sự và sự lạm dụng các chiến thuật gây sốc.

Yếu tố quan trọng trong chiến dịch truyền thông là tạo ra hiệu quả bền vững. Các chiến dịch truyền thông gây tranh cãi có thể thu hút sự chú ý ngắn hạn nhưng nếu thiếu nội dung sâu sắc và giá trị thực sự sẽ không thể duy trì sự quan tâm lâu dài.

Theo đó, các tổ chức và cá nhân khi thực hiện chiến dịch truyền thông cần tập trung vào việc phát triển những thông điệp có giá trị thực tiễn, hướng đến cộng đồng, thay vì chỉ chạy theo những chiêu trò gây sốc. Các chiến dịch có thể sáng tạo nhưng cần đảm bảo không làm tổn hại đến đạo đức và lợi ích cộng đồng.

Đặc biệt, các cá nhân, tổ chức cần tuân thủ các nguyên tắc trong Luật Quảng cáo, tránh những hành vi có thể gây hại về mặt xã hội như quảng cáo có tính chất bạo lực, vi phạm thuần phong mỹ tục hoặc làm xáo trộn trật tự an toàn công cộng.

ThS LÊ ANH TÚ, giảng viên khoa Quan hệ Công chúng - Truyền thông, Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM

THẢO HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/hoat-dong-pr-quang-cao-muon-doc-la-truoc-het-phai-dung-luat-post841281.html
Zalo