Hoạt động giám sát của Quốc hội củng cố lòng tin của nhân dân
Trong những năm qua, các hoạt động giám sát của Quốc hội đã và đang phát huy vai trò quan trọng, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với cơ quan lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
![Đoàn Giám sát của Quốc hội làm việc với các bộ, ngành. Ảnh: DUY LINH](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_14_51438054/1f34b63c8d72642c3d63.jpg)
Đoàn Giám sát của Quốc hội làm việc với các bộ, ngành. Ảnh: DUY LINH
Với chức năng, nhiệm vụ giám sát các hoạt động của Chính phủ, các cơ quan hành chính nhà nước và các tổ chức, Quốc hội đang không ngừng khắc phục những bất cập, hạn chế của các chính sách, pháp luật trong thực tế cuộc sống, qua đó bảo vệ lợi ích của nhân dân và đất nước.
Theo dõi hoạt động của Quốc hội, chúng tôi thấy Quốc hội đã tổ chức nhiều cuộc giám sát chuyên đề về giáo dục, y tế, an sinh xã hội và quản lý tài nguyên môi trường… Từ đó, Quốc hội giúp các cơ quan chức năng thực hiện tốt hơn công việc, trách nhiệm của mình; đồng thời kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, nhằm khắc phục những hạn chế và bất cập trong hệ thống pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, trong cuộc sống của người dân, còn những lĩnh vực, nội dung rất cần sự giám sát liên tục, sâu sắc hơn nữa của Quốc hội. Có thể kể đến những vấn đề đang được người dân quan tâm, như: bảo vệ môi trường, rác thải, đầu tư công, an sinh xã hội, bảo vệ sức khỏe nhân dân, giải quyết việc làm cho người lao động, giao thông đường bộ…
Nhiệm vụ giám sát đang đặt ra với Quốc hội những trọng trách không nhỏ trong hoàn cảnh hoạt động giám sát nói chung ở một số lĩnh vực còn chưa hiệu quả, mới chỉ dừng lại ở việc nêu vấn đề mà chưa đưa ra được các giải pháp xử lý; một số cuộc giám sát chưa đi sâu vào gốc rễ của vấn đề, chưa quyết tâm xử lý triệt để thực trạng yếu kém…
Điều đó dẫn đến những bất cập chưa thể giải quyết trong một số lĩnh vực của cuộc sống, như hoạt động của thị trường bất động sản, việc sử dụng các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, hiệu lực sau chất vấn và trả lời chất vấn chưa thật sự tạo dấu ấn…
Chúng tôi nhận thấy, có những kiến nghị sau giám sát của Quốc hội rất chính xác, đúng vấn đề nhưng mới mang tính chất thông tin thực trạng mà chưa đủ mạnh để trở thành cơ chế buộc các cơ quan chức năng phải thực hiện. Điều này dễ dẫn tới việc, có những vấn đề trúng, đúng được chỉ ra nhưng chưa được khắc phục hoặc giải quyết kịp thời.
Vì vậy, để hoạt động giám sát của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong cuộc sống của người dân và sự phát triển của đất nước, Quốc hội cần đổi mới quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa phương thức và nội dung giám sát. Trong đó, các đại biểu Quốc hội cần tiếp tục lắng nghe, tiếp thu thông tin, ý kiến của cử tri phản ánh những vấn đề nóng tại cơ sở, để cùng với Quốc hội xây dựng chương trình giám sát gắn với tình hình thực tiễn, được dư luận, cử tri ủng hộ…
Trong quá trình giám sát, các đoàn công tác cần có sự kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan chức năng, địa phương để có cái nhìn tổng hợp, đa chiều.
Các hoạt động giám sát cần tiếp tục tập trung những vấn đề quan trọng, cấp bách liên quan mật thiết đến sự phát triển kinh tế-xã hội và đời sống dân sinh; bảo đảm thực hiện phù hợp, tránh chồng chéo, gây lãng phí nguồn lực. Hoạt động giám sát của Quốc hội cần có cơ chế, quy định để động viên, khuyến khích sự tham gia của người dân, qua đó góp phần tăng cường khả năng giám sát toàn diện và phản ánh thực tế của hoạt động giám sát…