Hoạt động dạy học đã trở lại bình thường
Ngày 16-9, 100% trường học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đón học sinh đi học trở lại. Đó là sự nỗ lực không ngừng của các nhà trường, thầy, cô giáo, phụ huynh và các địa phương, đoàn thể. Các đơn vị, nhà trường đã chủ động tổ chức tổng vệ sinh trường, lớp, có biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, đảm bảo điều kiện để hoạt động dạy học trở lại bình thường.
Một giờ học của lớp 9A1, Trường THCS Trưng Vương (TP. Thái Nguyên), bắt đầu như thường lệ, cô giáo, học sinh cùng sôi nổi trao đổi để tiết học thêm hiệu quả. Trường THCS Trưng Vương hiện có 679 học sinh, 377 gia đình học sinh bị ngập lụt do ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua, trong đó có 47 gia đình học sinh bị ngập nặng, thiệt hại đến đồ dùng học tập, sách, vở.
Ngay sau khi nước rút, Nhà trường đã tổ chức dọn dẹp vệ sinh, chuẩn bị điều kiện đảm bảo đón học sinh trở lại trường. Đặc biệt, Nhà trường đã kêu gọi, huy động nhà hảo tâm tài trợ quà tặng, sách vở, đồ dùng học tập và quần áo đồng phục cho những học sinh gia đình bị thiệt hại.
Cô giáo Vũ Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương, cho hay: Tết Trung Thu năm nay khá đặc biệt đối với các em học sinh. Nhà trường không tổ chức vui chơi Trung Thu mà tổ chức hoạt động thiết thực “Cùng chia sẻ - trao gửi yêu thương”. Qua đó vận động các cá nhân, phụ huynh và học sinh tặng quà, sách vở, đồ dùng học tập, kịp thời hỗ trợ các em học sinh gia đình khó khăn, bị lũ cuốn trôi sách giáo khoa, đồ dùng học tập và quần áo đồng phục.
Tại Trường Tiểu học Túc Duyên (TP. Thái Nguyên), cô giáo Phạm Quỳnh Trang, Hiệu trưởng Nhà trường, chia sẻ: Năm học này, trường có 763 học sinh thì 635 gia đình học sinh bị ngập lụt, trong đó có 135 gia đình bị ngập sâu. Tổ chức Tết Trung Thu, Nhà trường đã đứng ra vận động các nhà hảo tâm ủng hộ sách, vở, đồ dùng thiết yếu cho các em học sinh, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn, bị thiệt hại nặng nề do bão, lụt. Trường bị ảnh hưởng không nhỏ do ngập sâu, tuy nhiên được sự hỗ trợ của phụ huynh, các đoàn thể, địa phương, chúng tôi đã khắc phục kịp thời, đảm bảo an toàn khi học sinh đi học trở lại.
Ngay sau khi bão tan, nước rút, Nhà trường đã huy động toàn thể cán bộ, giáo viên, cùng sự hỗ trợ của cha mẹ học sinh, tổ chức, đoàn thể ở địa phương tổng vệ sinh, dọn dẹp khuôn viên trường, lớp, thu gom rác thải; đồng thời rát soát, kiểm tra, đảm bảo an toàn hệ thống điện nước, một số hạng mục bị hư hỏng nhẹ...
Năm học 2024-2025, toàn tỉnh có 686 cơ sở giáo dục, gồm 245 trường mầm non, 203 trường tiểu học, 191 trường THCS, 36 trường THPT và các trung tâm, với tổng số trên 353 nghìn học sinh. Cơn bão số 3 và mưa lũ đã làm thiệt hại, ảnh hưởng tới 93 trường, tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 23 tỷ đồng. Bên cạnh các phòng học, công trình phụ trợ bị ảnh hưởng, nhiều thiết bị, đồ dùng dạy học cũng bị hư hỏng, như: Máy tính, máy chiếu, màn hình tivi, gần 2.300 quyển sách giáo khoa, trên 2.500 thiết bị dạy học khác...
Nhằm khắc phục kịp thời thiệt hại, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã chỉ đạo các trường học, đơn vị khẩn trương rà soát, thống kê thiệt hại, báo cáo cơ quan chức năng, bố trí kinh phí khắc phục thiệt hại, chuẩn bị các điều kiện đón học sinh quay trở lại trường. Đồng thời, các trường bố trí thời khóa biểu, sắp xếp kế hoạch dạy, học bù.
Một số trường học, cơ sở giáo dục bị ngập lụt sâu, thiệt hại nặng nề về bàn ghế, trang thiết bị, đã bố trí cho học sinh học 2 ca trong thời gian ngắn trước mắt. Tinh thần chung được các đơn vị, nhà trường quán triệt tới 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh là không chủ quan với diễn biến thời tiết sau bão, lũ; các trường học tổ chức tổng vệ sinh trường, lớp, có biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, đảm bảo các điều kiện an toàn khi học sinh trở lại trường.
Theo ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở GDĐT, với sự nỗ lực, tích cực của các nhà trường, thầy, cô giáo, phụ huynh và sự quan tâm, ủng hộ của địa phương, các đoàn thể, đến nay, 100% trường học đã sắp xếp, bố trí và đón học sinh trở lại trường học tập, theo khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025. Các trường học đã đảm bảo đủ điều kiện học tập an toàn để học sinh đi học bình thường, bố trí đầy đủ sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho học sinh.
Sở GDĐT cũng đã tổng hợp, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan bố trí ngân sách, phân bổ kinh phí cho các địa phương, cơ sở giáo dục mua sắm bổ sung trang thiết bị, sửa chữa phòng học, công trình phụ trợ liên quan nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, rèn luyện của học sinh.