'Hoàng tử Bé' đã về hành tinh của mình

Sinh thời, nhà văn Châu Diên hay gọi bạn chí cốt của mình là 'Hoàng tử Bé' hoặc 'chàng'. Không có hình ảnh nào giống với Dương Tường hơn nhân vật bất tử này. 'Chàng thi sĩ' đến tuổi 90 vẫn giữ được tinh thần trẻ trung phóng khoáng, chịu chơi và chơi thân với người trẻ.

“Cậu bé con” không tuổi

Có lẽ vì là bạn bè thân thiết, nên Châu Diên và Dương Tường giống nhau, đều không câu nệ trong xưng hô. Châu Diên nhiều lần bảo chúng tôi (những người kém ông đến ba bốn con giáp), gọi ông bằng gì cũng được: Trâu điên, mày, nó, thằng... Dương Tường ý nhị hơn, những lúc ấy chỉ cười tủm tỉm, chủ động kéo gần khoảng cách bằng xưng hô: mình và bạn, tớ - cậu...

Chân dung “Hoàng tử Bé” Dương Tường (ảnh lớn); Dương Tường và bạn thân Châu Diên (ảnh nhỏ)

Chân dung “Hoàng tử Bé” Dương Tường (ảnh lớn); Dương Tường và bạn thân Châu Diên (ảnh nhỏ)

Châu Diên kể: "Tường nó trẻ con lắm, thanh niên rồi, xuống nhà thấy mẹ ăn phở vẫn bảo: “em miếng!”. Về sau, trong lần nhận Huân chương văn học nghệ thuật ở Sứ quán Pháp, chính Dương Tường cũng thừa nhận: “Tôi là cái thằng trẻ con, nàng thơ bắt tôi làm gì tôi làm nấy. Tôi hơi bị vâng lời nàng thơ”! Ở tuổi cổ lai hy, Dương Tường vẫn được Trung tâm văn hóa Pháp cho vào danh sách “nghệ sĩ trẻ”, họ giải thích: “ông trẻ trong cách làm thơ, trong cách ông giao du với bạn bè, nghệ sĩ ở mọi lứa tuổi, làm việc không ngơi nghỉ bất chấp tuổi tác”.

Năm 2006, Dương Tường, nhà văn Trần Thị Trường, nhà thơ Dư Thị Hoàn và tôi... nằm trong danh sách ăn theo được nhà văn Phan Thị Vàng Anh rủ rê vào Hội An dự hội nghị Nhà văn trẻ toàn quốc lần VII. Khi đó, Nguyễn Ngọc Tư vừa mới “ra ràng” còn đỏ mặt sau mỗi câu hỏi phỏng vấn, khi đó Đỗ Hoàng Diệu chưa theo chồng sang Mỹ, còn Phương Lan (nhóm Ngựa trời) vẫn đang rối tinh rối mù trong mối quan hệ cách hơn 40 tuổi với họa sĩ Trịnh Cung... đều “ngạc nhiên không chịu được” vì cái sự chịu chơi và trẻ trung của “bạn Tường”.

Một buổi tối, họa sĩ Nguyễn Thúy Hằng (nhóm Ngựa trời) nảy ra ý định vẽ body painting cho nhóm chúng tôi trình diễn cạnh bể bơi. Ban đầu, một số người có vẻ e ngại, rồi với sự xung phong của “bạn Tường”, kế đến là nhà thơ Dư Thị Hoàn, nhà văn Trần Thị Trường, ngay cả một người “ít điên” nhất là tôi cũng bị dụ dỗ đưa mặt cho họa sĩ hóa trang.

Những năm ấy, Dương Tường còn khỏe, còn có thể khoác túi canvas, đội mũ bucket thoăn thoắt dắt cả nhóm len lỏi qua các hàng quà vặt ở phố Hội, tìm đúng hàng cao lầu lâu năm để “chiêu đãi”. Trong câu chuyện ở quán cà phê sau đó, Dương Tường lần đầu điểm hóa cho tôi những băn khoăn về tinh thần “lai căng” trong nghệ thuật mà nhiều người đang hăng say phê phán: “Đừng cố chấp với cái gọi là thuần túy, thuần Việt. Người ta cứ vin vào cái thuần túy để chỉ trích những cái mới, cái khác là lai căng. Thực ra, chiếu lại lịch sử, làm sao có thể gọi những giá trị mà ta có là thuần Việt trong khi thực tế, nó đều đã có tương tác, tiếp biến với rất nhiều giá trị văn hóa khác, của người Hán, người Ấn, người Chăm, người Pháp... Một nền văn hóa mà không có tiếp biến thì sẽ không phát triển được. Một nền văn hóa lớn thì phải dung nạp được nhiều giá trị của những nền văn hóa khác, nghiền ngẫm, dung hòa và biến nó thành của mình”.

Có lẽ đó cũng là nguyên nhân Dương Tường luôn luôn cổ súy cho cái mới, ủng hộ cái mới và sẵn sàng “chơi” với cái mới. Thơ thị giác của ông rất mới (ngay cả ở thời điểm hiện tại). Một bài thơ “số phận long đong” ông làm từ năm 1963, sau mấy chục năm vẫn cực kỳ “mô đéc”. Đó là bài “Bella” Dương Tường đề tặng “những ai sống làm vợ khắp người ta” bị dư luận cùng thời vùi dập, cho là khiêu dâm, đồi trụy v.v… “Bella” trong từ gốc tiếng Pháp nghĩa là đẹp (belle), Dương Tường không gọi “các cô gái điếm buồn” bằng những tên thông thường xã hội đặt cho họ, mà biến âm thành “Bella”: “Em/ chấm nhỏ/ đường khuya/ chợ ái ân/ loang lổ/ đèn đường/ mủ đêm/ Em đi/ môi mọng/ đùi mọng/ vú ấm/ tim trống/ đầu trống/ Em đi - nhớt đêm/ Em đi - mưa xiên/ Em đi - trời nghiêng/ Em đi - đời bỏ quên”.

Tác phẩm không dành cho số đông

Kể cả những đầu sách dịch hay các tác phẩm thơ của Dương Tường đều không thuộc loại phổ thông, dễ đọc. Càng về cuối đời, Dương Tường càng va vào những tác phẩm nổi tiếng “khó gặm” của thế giới, như “Lolita” (Vladimir Nabokov), hai cuốn trong bộ “Đi tìm thời gian đã mất” của Marcel Proust là: “Bên phía nhà Swan”, “Dưới bóng những cô gái đương hoa” và gần đây nhất là “Chết chịu” (Céline). Trong đó “Lolita” khiến ông bị phiền một thời gian vì một dịch giả khác tố ông dịch sai. Nhưng điều đó không ảnh hưởng đến sự lựa chọn của cả độc giả lẫn giới chuyên môn. Người ta vẫn bị vốn tiếng Việt đẹp đẽ, lối dịch hoạt như nhảy cuồng trong chữ và cả giọng văn hóm hỉnh đậm chất Pháp của Dương Tường thuyết phục. “Lolita” ngay sau đó được tái bản, được trao giải dịch thuật của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2012.

Thời điểm dịch “Chết chịu” mắt ông đã rất kém. Những người bạn trẻ hay chơi với Dương Tường đã phải “độ” hộ ông một màn hình vi tính ngoại cỡ với phông chữ 40 để ông “đánh vật” mỗi ngày.

Sau đó, Dương Tường còn chuyển 3.254 câu Truyện Kiều sang tiếng Anh trong điều kiện sức khỏe suy kiệt, mắt gần như lòa nhiều lúc chỉ còn nhìn thấy bóng. Sức lao động của Dương Tường “đáng sợ” đến nỗi, rất nhiều người viết trẻ, khi nản lòng thoái chí, họ đều dùng câu này để động viên nhau: có những lúc ngã lòng, cứ nhìn vào gương anh (Tường) mà đứng dậy!

Trong dịch thuật, Dương Tường luôn cho rằng, dịch giả là đồng tác giả của cuốn sách. Bản dịch Truyện Kiều, Dương Tường chọn một cái tên mà nếu chỉ nhìn thoáng qua, một số người có thể sẽ đánh giá ông kiêu ngạo: “Kiều in Dương Tường’s version” (Kiều phiên bản của Dương Tường). Khi tôi hỏi ông lý do vì sao phải nhấn mạnh cái tôi đồng sáng tạo như vậy, ông bảo: để tự nhắc, đã kiếm ăn bằng nghề viết thì bao giờ cũng phải có trách nhiệm đến cùng với chữ của mình!

Ngoài dịch thuật, thơ cũng là một “sự nghiệp” của tác giả “Tình khúc 24”. Dương Tường có khoảng tổng cộng gần 100 bài thơ gồm: thơ tiếng Việt, thơ tiếng Pháp, thơ tiếng Anh và thơ thị giác.

“Bản thân Dương Tường coi phần “thơ thị giác” là một thể nghiệm quan trọng của cuộc đời. Xuất xứ của giai đoạn này bắt đầu từ Trần Dần (một bạn văn lớn của Dương Tường).

“Hồi ấy Trần Dần ở phố Vũ Lợi, tôi ở Phan Huy Chú, ông ấy bị tai biến, không đi xe đạp được, mà chỉ lù rù đi bộ qua chỗ tôi uống nước chè. Có lần, nói chuyện về thơ thị giác, ông Dần phân công: tao làm thơ không lời, mày làm thơ ngoài lời”. Sau đó, Dương Tường viết “Mắt”, “Ngày” và “Đàn”, Trần Dần viết “Thơ không lời” và “Mây không lời”. Thời bấy giờ, có tôi và Trần Dần thể nghiệm hình thức thơ này. Nó phản ảnh sự chuyển dịch ngôn ngữ của thơ sang các ngôn ngữ nghệ thuật khác. Như vậy, thơ trở nên siêu ngôn ngữ, và không có một hạn chế nào cho sự phát triển của thơ. Lúc đó không có giao lưu nào với các nhà thơ ngoài biên giới, nhưng về sau lại phát hiện ra suy nghĩ của chúng tôi trùng với nhiều nhà thơ trên thế giới khi thực hành thơ thị giác. Ví dụ nhà thơ Henri Michaux của Bỉ với tập “Mowvemenss”. (Trích trả lời phỏng vấn của Dương Tường dành cho phóng viên báo Tiền Phong).

Dịch giả, nhà thơ Dương Tường qua đời tối 24/2 ở Hà Nội, thọ 91 tuổi. Lễ viếng ông diễn ra lúc 9h15 ngày 1/3 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Nhận xét về thơ Dương Tường, nhà văn Châu Diên cho rằng, thơ ông khó đọc, không phải loại dành cho số đông.

Nhà thơ Đỗ Thị Tấc cũng đánh giá: “Thơ Dương Tường chỉ có thể đọc bằng thơ chứ không thể đọc bằng chính trị hay đạo đức”.

Hạnh Đỗ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hoang-tu-be-da-ve-hanh-tinh-cua-minh-post1513514.tpo
Zalo