Hoàng thành Thăng Long - điển hình phát huy di sản cộng đồng

Hoàng thành Thăng Long là một trong những điển hình của việc Việt nam rất bám sát quy trình bảo vệ giá trị di sản thế giới.

“Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới: tiếp cận dựa vào cộng đồng vì sự phát triển bền vững” là chủ đề cuộc hội thảo quốc tế diễn ra hôm nay tại Khu Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Điều hành có Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam - Nguyễn Minh Vũ; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - bà Vũ Thu Hà. Hội thảo còn có sự tham dự của Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới - ông Lazare Eloundou Assomo tham dự.

“Việt Nam là một hình mẫu. Đây là một ví dụ điển hình về cách bảo tồn di sản, đồng thời hỗ trợ phúc lợi cho cộng đồng. Việt Nam là một thành viên rất quan trọng của UNESCO và của Ủy ban Di sản Thế giới.” Đây là khẳng định của Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới. Nhiều năm qua, trong những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, Việt Nam đã khẳng định sự nghiêm túc trong thực hiện các cam kết quốc tế về bảo tồn và phát huy gái trị di sản.

Ông Lazare Eloundou Assomo, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới, nhận định: "Hướng đi bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Việt nam rất bám sát quy trình bảo vệ giá trị di sản thế giới mà Việt Nam đang sở hữu 8 di sản. Đồng thời, giúp nhận diện rõ hơn giá trị nổi bật toàn cầu – vốn là tầm quan trọng lớn, nhất là với Hoàng thành Thăng Long. Chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành và có nhiều đoàn công tác kỹ thuật làm việc với chuyên gia Việt Nam để xác định chiến lược, thấu hiểu tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam. Hoàng Thành Thăng Long là ví dụ điển hình trong tiếp cận cộng đồng".

Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long, Hà Nội, cho biết: "Với sự hỗ trợ của UNESCO, chúng tôi đang tập trung để làm sao khôi phục lại không gian chính điện Kính Thiên. Đồng thời, sẽ sớm có không gian sớm nhất để cộng đồng có thể tiếp cận một cách dễ dàng".

Với chủ đề: Tiếp cận từ cộng đồng vì sự phát triển bền vững, các chuyên gia thảo luận về đảm bảo cộng đồng có thể tham gia thực chất và quyết định trực tiếp trong việc quản lý di sản, trang bị tốt nhất về kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng, để chính họ trở thành những người quản lý, bảo vệ di sản hiệu quả và phát triển sinh kế bền vững? Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để quảng bá và hợp tác quốc tế, xây dựng mạng lưới toàn cầu cùng bảo vệ và phát huy giá trị di sản?

Bà Lê Thị Hồng Vân, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, chia sẻ: "Với những đóng góp rất tích cực, Việt Nam đã phát huy trách nhiệm hiệu quả, chủ động. Với việc phát huy nâng tầm đối ngoại đa phương, Việt Nam đang đóng góp rất năng động, tích cực, hiệu quả vào công việc chung của UNESCO, đặc biệt là trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đặc biệt là Hoàng thành Thăng Long, ngay cả các lãnh đạo UNESCO cũng như các quốc gia thành viên cũng khẳng định rằng đây là một điển hình và sẵn sàng đồng hành với chúng ta trong cái nỗ lực để phục dựng lại điện Kính Thiên và không gian chính của điện Kính Thiên".

Trải qua dặm dài lịch sử, rất nhiều di sản ở Việt Nam đã được cộng đồng gìn giữ, mang tầm quan trọng và ý nghĩa tôn giáo rất lớn đối với người dân. Vì vậy, không có người dân, sẽ không có Di sản Thế giới. Việt Nam đã thấu hiểu điều đó, đang bảo tồn di sản theo tinh thần này. Các chuyên gia quốc tế cũng khẳng định: đây là ví dụ cần quảng bá để các chuyên gia khác có thể học hỏi kinh nghiệm bảo tồn di sản, phát huy từ cộng đồng.

Lê Chi

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/hoang-thanh-thang-long-dien-hinh-phat-huy-di-san-cong-dong-333372.htm
Zalo