Hoàng Su Phì xóa bỏ hủ tục trong cộng đồng người Nùng

BHG - Là dân tộc sinh sống lâu đời và chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì, những năm qua, đồng bào dân tộc Nùng luôn nỗ lực gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, đi đôi với xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc nơi miền đất “vỏ cây vàng”.

Theo thống kê, dân tộc Nùng chiếm trên 38% dân số của huyện Hoàng Su Phì. Cộng đồng người Nùng có nét văn hóa truyền thống độc đáo thể hiện trong kiến trúc nhà ở, trang phục, tiếng nói, các nghi thức, lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ. Tuy nhiên, cũng còn tồn tại những phong tục, tập quán lạc hậu trong đám cưới, đám tang, lễ hội và trong đời sống sinh hoạt thường ngày. Thực hiện Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh; huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với các địa phương trực tiếp làm việc với Hội nghệ nhân dân gian, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Nùng để rà soát, thống nhất những nội dung, hủ tục không phù hợp, cần cắt giảm, cải tiến, bãi bỏ trong 4 lĩnh vực: Việc cưới, việc tang, lễ hội, nếp sống sinh hoạt. Sau đó tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân và đưa vào quy ước, hương ước của từng thôn, bản để các gia đình ký cam kết thực hiện.

Nghi lễ cúng thần rừng của người Nùng, xã Pố Lồ ngày càng được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm.

Nghi lễ cúng thần rừng của người Nùng, xã Pố Lồ ngày càng được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm.

Sau 2 năm triển khai thực hiện, nhiều phong tục, tập quán lạc hậu trong cộng đồng người Nùng đã được xóa bỏ, cải tiến. Điển hình như trong tổ chức Lễ cúng thần rừng Mo Đổng Trư, là một lễ hội lớn trong năm của người Nùng được tổ chức vào tháng 2 và tháng 6 (âm lịch) hàng năm nhằm tưởng nhớ ông Hoàng Vần Thùng, vị thủ lĩnh của người Nùng. Trước đây các thủ tục liên quan đến việc cúng rừng thường rườm rà và phức tạp, giết mổ nhiều gia súc, ăn uống dài ngày, gây lãng phí tiền của và thời gian. Hiện nay, việc cúng thần rừng tại cộng đồng người Nùng ở huyện đã có sự cải tiến rõ rệt, cụ thể: Các thủ tục liên quan đến giết mổ trâu, bò, gia súc, gia cầm đã được đơn giản hóa, không tổ chức ăn uống linh đình, tiết kiệm được thời gian và tiền bạc. Không còn kéo dài nhiều ngày nghỉ lao động, sản xuất sau lễ cúng, tránh ảnh hưởng đến lịch thời vụ sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, Hoàng Đức Tân cho biết: Cúng rừng là nghi lễ truyền thống tốt đẹp của người Nùng, nhằm tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ rừng, nguồn nước, góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu sự tàn phá môi trường, giữ gìn hệ sinh thái tự nhiên. Tuy nhiên trước đây nghi lễ cúng khá rườm rà, giết mổ nhiều gia súc, gia cầm, tổ chức ăn uống dài ngày. Dưới sự tuyên truyền, vận động của chính quyền, đoàn thể, đến nay các thủ tục rườm rà đã được cắt bỏ, giảm bớt sự lãng phí tiền bạc, thời gian mà vẫn đảm bảo gìn giữ được nét đẹp, mục đích nhân văn của lễ cúng rừng. Bà con nhân dân thấy được ý nghĩa của việc xóa bỏ, cải tiến các tập quán lạc hậu nên rất hưởng ứng.

Các nghệ nhân trình diễn điệu múa Ngựa giấy truyền thống của dân tộc Nùng tại Tuần văn hóa du lịch huyện Hoàng Su Phì năm 2023.

Các nghệ nhân trình diễn điệu múa Ngựa giấy truyền thống của dân tộc Nùng tại Tuần văn hóa du lịch huyện Hoàng Su Phì năm 2023.

Ngoài ra, trong việc cưới, nhiều thủ tục cũng được cắt giảm, cải tiến. Cụ thể: Hạn chế việc kéo hai bên nhà trai, nhà gái đưa, đón dâu, uống nhiều rượu; giảm và gộp số sính lễ nhà trai phải mang sang nhà gái (gạo, rượu, thịt, tiền, đồ trang sức giá trị khoảng 31 triệu đồng), đề nghị quy đổi sang tiền mặt và giảm xuống dưới 20 triệu đồng; trang sức cho con dâu và các lễ vật dùng bằng bạc có giá trị khoảng 7 - 10 triệu đồng, quy đổi ra tiền mặt và giảm xuống dưới 5 triệu đồng. Bỏ tục dội nước vào chú rể và phù rể... Chị Ly Thị Gấm, dân tộc Nùng, thôn Lủng Dăm, xã Sán Sả Hồ chia sẻ: “Trước đây, nhà nào có con trai chuẩn bị cưới vợ là gia đình phải đi vay mượn để mua gạo, rượu, thịt, đồ trang sức bằng bạc làm sính lễ mang sang nhà cô dâu. Thời gian qua, thực hiện việc xóa bỏ hủ tục, số sính lễ nhà trai phải mang sang nhà gái giảm xuống nhiều và được quy đổi ra tiền mặt, đồng thời không tổ chức ăn uống linh đình, giúp tiết kiệm được thời gian, tiền bạc; các gia đình trong thôn ai cũng đồng lòng hưởng ứng”.

Các thủ tục rườm rà, gây tốn kém, lãng phí trong việc tang, phong tục lạc hậu trong đời sống sinh hoạt cũng được cộng đồng người Nùng chung tay xóa bỏ. Điển hình như trong việc tang, giảm tiền công cho thầy cúng từ 7 triệu đồng xuống dưới 4 triệu đồng; không tổ chức đám dài ngày; hạn chế giết mổ nhiều gia súc, gia cầm. Trong nếp sống sinh hoạt, nhân dân tự giác di dời chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sàn; quy hoạch chuồng trại gia súc khoa học, không làm gần lối vào nhà hoặc ngay trước cửa nhà. Khi gia đình có người ốm hay tai nạn đều đưa đi viện, không cúng, bói, cúng giải hạn...

Với sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, tập quán, văn hóa của cộng đồng người Nùng ở Hoàng Su Phì ngày càng có nhiều thay đổi theo chiều hướng tiên tiến, song vẫn giữ được nét đặc trưng truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần xây dựng nếp sống mới văn minh, hiện đại.

Bài, ảnh: YÊN HOA

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202407/hoang-su-phi-xoa-bo-hu-tuc-trong-cong-dong-nguoi-nung-0e6400f/
Zalo