Hoảng sợ khi ngủ, một tác dụng phụ cần lưu ý của thuốc

Có nhiều nguyên nhân gây ra chứng hoảng sợ khi ngủ, trong đó việc sử dụng một số loại thuốc có thể gây ra tình trạng này.

Hoảng sợ khi ngủ thường xảy ra trong giai đoạn sâu nhất của giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh (NREM), được đặc trưng bởi sự thức giấc đột ngột vào ban đêm kèm theo nỗi sợ hãi, thậm chí có khi bắt đầu bằng tiếng la hét... tất cả những điều này xảy ra trong khi người đó vẫn ngủ. Trong một số trường hợp, chứng sợ ngủ có thể dẫn đến mộng du.

Một số loại thuốc là nguyên nhân dẫn đến chứng hoảng sợ khi ngủ

1. Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI)

Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) là thuốc kê đơn được sử dụng kết hợp với liệu pháp trò chuyện (liệu pháp hành vi nhận thức), để điều trị chứng trầm cảm và rối loạn lo âu. Tuy nhiên, các tác dụng phụ tiềm ẩn bao gồm: Rối loạn giấc ngủ, bao gồm cả chứng hoảng sợ khi ngủ.

Các thuốc chống trầm cảm có thể gây ra những giấc mơ kinh hoàng bao gồm: Fluoxetine, sertraline, esxitalopram, citalopram, paroxetin…

Lưu ý, không phải tất cả những người dùng các loại thuốc này đều bị rối loạn giấc ngủ. Các tác dụng phụ khác do SSRI gây ra có thể khác nhau ở mỗi người. Các nghiên cứu cho thấy, SSRI ức chế chu kỳ giấc ngủ REM (chuyển động mắt nhanh) dẫn đến tăng số lần thức giấc trong khi làm giảm chất lượng giấc ngủ nói chung.

Nhiều loại thuốc có thể gây chứng hoảng sợ khi ngủ.

Nhiều loại thuốc có thể gây chứng hoảng sợ khi ngủ.

2. Thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA)

Chứng hoảng sợ khi ngủ cũng có thể liên quan đến thuốc chống trầm cảm ba vòng. Các thuốc này ảnh hưởng đến mức độ chất dẫn truyền thần kinh trong não như serotonin và norepinephrine.

Tác dụng của TCA đối với serotonin tương tự như SSRI. Ngoài ra, chứng hoảng sợ khi ngủ có thể là kết quả của đặc tính kháng cholinergic và kháng histamine của thuốc TCA. Acetylcholine và histamine là các hóa chất tự nhiên của cơ thể có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh giấc ngủ REM.

Các thuốc chống trầm cảm ba vòng bao gồm: Imipramine, amitriptylin, doxepin, nortriptylin.

3. Thuốc chẹn beta có thể gây chứng hoảng sợ khi ngủ

Thuốc chẹn beta được kê đơn để điều trị tăng huyết áp, nhịp tim không đều và các bệnh liên quan đến tim khác. Ngoài ra, thuốc chẹn beta cũng được sử dụng để ngăn ngừa chứng đau nửa đầu và làm giảm các triệu chứng lo âu. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, thuốc chẹn beta làm giảm sản xuất melatonin, dẫn đến rối loạn giấc ngủ và gây ra ác mộng.

Thuốc chẹn beta có thể gây ra chứng hoảng sợ khi ngủ là: Propramolol, carvedilol, metoprolol, bisoprolol, nebivolol... Nếu gặp các vấn đề liên quan đến giấc ngủ khi dùng thuốc chẹn beta, cần báo ngay cho bác sĩ để được xử lý.

Chứng hoảng sợ khi ngủ được đặc trưng bởi sự thức giấc đột ngột vào ban đêm kèm theo nỗi sợ hãi...

Chứng hoảng sợ khi ngủ được đặc trưng bởi sự thức giấc đột ngột vào ban đêm kèm theo nỗi sợ hãi...

4. Thuốc chủ vận dopamine

Thuốc chủ vận dopamine được sử dụng để điều trị bệnh Parkinson hoặc hội chứng chân không yên (RLS). Những loại thuốc này làm tăng nồng độ dopamin trong hệ thần kinh trung ương, một chất dẫn truyền thần kinh điều chỉnh chuyển động và cảm xúc. Thuốc có thể gây ra chứng mất ngủ, bao gồm cả chứng hoảng sợ khi ngủ.

Các thuốc thường gây chứng hoảng sợ khi ngủ: Ropinirole, pramipexole, rotigotine, apomorphine.

5. Thuốc kháng histamin

Thuốc kháng histamin thường được dùng để điều trị các triệu chứng dị ứng, chẳng hạn như sổ mũi, hắt hơi và ngứa mắt. Tuy nhiên, đã có báo cáo trường hợp, đặc biệt là với thế hệ thuốc kháng histamin cũ, liên kết những loại thuốc này với nguy cơ gây ra chứng hoảng sợ khi ngủ ở người lớn.

Hiện cơ chế vẫn chưa được hiểu đầy đủ, nhưng người ta cho rằng những cơn ác mộng có liên quan đến đặc tính an thần của thuốc kháng histamin. Những loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, làm rối loạn chu kỳ ngủ-thức bình thường.

Thuốc kháng histamin thế hệ mới (như cetirrizin và lotaradine) có nguy cơ gây ác mộng do thuốc thấp hơn so với diphenhydramine, thuốc kháng histamin thế hệ cũ.

6. Thuốc ngủ

Một số loại thuốc được kê đơn để điều trị rối loạn giấc ngủ có thể vô tình gây ra chứng hoảng sợ khi ngủ. Thuốc ngủ ảnh hưởng đến cấu trúc giấc ngủ hoặc những loại thuốc thúc đẩy giấc ngủ sâu hoặc chuyển động mắt nhanh (REM) có thể làm tăng khả năng gặp phải những giấc mơ kinh hoàng.

Phòng ngừa và khắc phục chứng hoảng sợ khi ngủ do thuốc

- Không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

- Tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ.

- Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào của chứng hoảng sợ khi ngủ sau dùng thuốc cần báo ngay cho bác sĩ để có cách xử lý kịp thời. Người bệnh không tự ý dùng thuốc, vì có thể làm cho bệnh thêm trầm trọng, không được kiểm soát...

Ngoài ra có thể thực hiện một số biện pháp:

- Ngủ đủ giấc: Mệt mỏi quá mức có thể dẫn đến chứng hoảng sợ khi ngủ. Do đó, hãy thiết lập thói quen thư giãn, thường xuyên trước khi đi ngủ; đĐảm bảo phòng ngủ an toàn; tránh các chất gây kích thích như rượu và caffeine, vì có thể làm tăng khả năng bị chứng hoảng sợ khi ngủ.

- Những thay đổi về lối sống như tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh và các kỹ thuật quản lý căng thẳng như thiền cũng có thể hữu ích.

Rối loạn giấc ngủ có thể tăng nguy cơ đột quỵ và tử vong.

ThS. BS. Đinh Hữu Uân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hoang-so-khi-ngu-mot-tac-dung-phu-can-luu-y-cua-thuoc-169250102160700273.htm
Zalo