Hoằng Hóa: Khen thưởng kịp thời các điển hình làm kinh tế tập thể để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp

Để góp phần hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội phụ nữ tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 đề ra, Hội LHPN huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đã có nhiều hoạt động hiệu quả nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng mô hình kinh tế tập thể gắn với Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm OCOP'.

 Sản phẩm nước nắm Lê Gia tại xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, là 1 trong số các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 5 sao

Sản phẩm nước nắm Lê Gia tại xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, là 1 trong số các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 5 sao

Báo PNVN đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Định - Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoằng Hóa - về kinh nghiệm, bài học trong quá trình thực hiện hoạt động này.

Thưa bà, hiện nay tình hình hội viên, phụ nữ tham gia phát triển kinh tế trên địa bàn huyện như thế nào?

Xác định hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng mô hình kinh tế tập thể gắn với Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm OCOP" là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, thúc đẩy các hoạt động khác trong công tác Hội, trong những năm qua, Hội LHPN huyện Hoằng Hóa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của địa phương, nhất là chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng mô hình kinh tế tập thể.

Hội cũng phát động phong trào thi đua "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình". Xây dựng và nhân rộng mô hình, CLB như: Câu lạc bộ "Phụ nữ giảm nghèo bền vững", CLB "Tương thân, tương ái", CLB "Nữ tiểu thương"... Đến nay, toàn huyện có 158 câu lạc bộ giúp phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững với 5.950 thành viên tham gia.

Hội LHPN huyện đã triển khai các hoạt động cụ thể nào để chị em tự tin bắt tay vào làm kinh tế?

Hội chủ động phối hợp với Trung tâm giáo dục cộng đồng, các ngành, đoàn thể mở được 105 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kĩ thuật cho hơn 13 nghìn lượt hội viên, phụ nữ, góp phần nâng cao hiệu quả việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Chúng tôi cũng chú trọng công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm cho hội viên, phụ nữ.

Hàng năm, các cấp Hội phối hợp với các ngành, Hợp tác xã, Công ty... tổ chức các lớp học nghề làm lông my xuất khẩu, đan túi xuất khẩu cho gần 600 lao động nữ. 100% lao động nữ có nghề sau khi học nghề, bình quân thu nhập 2,5 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Thông qua các chương trình đào tạo, Hội LHPN huyện đã nhận được kết quả ra sao?

Chúng tôi rất vui vì thông qua các lớp học nghề, chúng tôi đã giúp được gần 2.300 lao động nữ có việc làm, ổn định cuộc sống. Còn với việc ứng dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, nhiều chị em đã bước đầu gây dựng được các mô hình iêu biểu như: Mô hình trồng dưa Kim hoàng hậu, cây dưa bao tử, bí xanh, dưa hấu, rau an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap; mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm; mô hình nuôi trồng thủy hải sản...

Trong quá trình hỗ trợ chị em khởi nghiệp, bà đánh giá khó khăn lớn nhất của họ là gì và phía Hội LHPN huyện đã hỗ trợ, tư vấn như thế nào để giúp họ?

Với bản tính hiền lành, chịu thương chịu khó, các chị đều chăm chỉ lao động và tiếp thu học hỏi rất nhanh. Khó khăn lớn nhất chủ yếu là vấn đề vốn.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoằng Hóa Nguyễn Thị Định (thứ 3 từ phải sang) cùng hội viên, phụ nữ dự Ngày hội phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp

Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoằng Hóa Nguyễn Thị Định (thứ 3 từ phải sang) cùng hội viên, phụ nữ dự Ngày hội phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp

Để góp phần giải quyết vấn đề này, Hội LHPN huyện đã vận động hội viên tương trợ giúp đỡ nhau bằng nhiều hình thức như hỗ trợ ngày công lao động, cây con giống, xây dựng tổ, nhóm tiết kiệm tín dụng, tổ giúp vốn giúp hội viên, phụ nữ nghèo. Các cấp Hội cũng tổ chức thực hiện tốt việc ủy thác, tín chấp cho phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế như nguồn vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ TYM, nguồn vốn của Hội LHPN tỉnh. Đến giữa nhiệm kỳ, các cấp Hội đã giúp 1.675 hộ phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 1,66%.

Để phát huy vai trò của phụ nữ trong việc xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tập thể, Hội LHPN huyện Hoằng Hóa đã có những hướng dẫn cụ thể như thế nào?

Hội phối hợp với các ngành tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn quy trình, kỹ thuật sản xuất an toàn theo hướng VietGAP đối với lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, trang bị kiến thức cơ bản về khởi nghiệp, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, thương mại hóa sản phẩm; hỗ trợ nguồn vốn và hoàn thiện các thủ tục hồ sơ pháp lý, tạo điều kiện để phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình.

Trong nửa nhiệm kỳ, các cấp Hội đã vận động hội viên thành lập được 5 danh nghiệp do nữ làm chủ. Đến nay, toàn huyện có 31 doanh nghiệp, 6 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác, 12 tổ liên kết do nữ làm chủ. Ngoài ra, các cấp Hội tích cực vận động hội viên phụ nữ tham gia các cuộc thi "Ngày phụ nữ sáng tạo - khởi nghiệp", cuộc thi "Xây dựng ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp"; tham gia Hội chợ kết nối cung, cầu cấp tỉnh tổ chức. Qua đó, kết nối cung cầu, đưa sản phẩm của phụ nữ đến với nhiều tỉnh, thành phố, giúp nhiều hộ kinh doanh ký kết được hợp đồng phối hợp tiêu thụ sản phẩm.

Không chỉ quan tâm, phát triển các mô hình kinh tế tập thể, các cấp Hội còn gắn kết với việc thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm OCOP", nhằm khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của hội viên, phụ nữ ở địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn. Đồng thời, tăng cường kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế số, tạo sự lan tỏa về các giá trị văn hóa, tài nguyên bản địa của sản phẩm OCOP qua các diễn đàn thương mại điện tử, mạng xã hội.

Đến nay, toàn huyện có 36 sản phẩm OCOP, trong đó có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao đến 5 sao như: Sản phẩm nước mắm Lê Gia xã Hoằng Phụ, Rượu Sim rừng Phương Trinh xã Hoằng Xuân, nước mắm Bà Hảo xã Hoằng Phụ, miến gạo Bà Vân xã Hoằng Đạt, Bánh lá răng bừa bà Nhạn của hộ kinh doanh Đào Thị Nhạn xã Hoằng Phượng...

Với những thành tựu nêu trên, từ thực tế hoạt động, Hội LHPN huyện Hoằng Hóa đã rút ra được những bài học kinh nghiệm gì?

Tôi nghĩ nghĩ rằng ngoài việc làm tốt công tác tuyên truyền, đào tạo, nâng cao hiệu quả chương trình ủy thác, tín chấp với các ngân hàng, tổ chức tài chính thì việc quan trọng không kém là mình phải khen thưởng kịp thời các gương điển hình kinh tế tập thể, các sản phẩm OCOP tiêu biểu, cá nhân làm kinh tế giỏi, gương phụ nữ vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng…

Từ đó tạo động lực để chị em duy trì và nhân rộng các mô hình, điển hình kinh tế tập thể, mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện của phụ nữ và định hướng phát triển của địa phương.

Xin cảm ơn bà đã chia sẻ!

An Nhi (thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/khen-thuong-kip-thoi-cac-dien-hinh-lam-kinh-te-tap-the-de-thuc-day-phong-trao-khoi-nghiep-20240709155658093.htm
Zalo