Hoãn xử phúc thẩm do cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bệnh, không đến Tòa

Theo thông tin từ Bệnh viện 198 Bộ Công an, ông Trịnh Văn Quyết bị ho ra máu, viêm gan thận, dạ dày và chưa đủ sức khỏe để ra viện. Do đó, phiên tòa phúc thẩm xét kháng cáo của ông Quyết cùng một số người liên quan sáng 26/12 bị hoãn.

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết tại phiên xử sơ thẩm hồi tháng 7/2024.

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết tại phiên xử sơ thẩm hồi tháng 7/2024.

Sáng 26/12, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

Hội đồng xét xử do Thẩm phán Võ Hồng Sơn làm Chủ tọa cùng ba kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử.

Phiên tòa được mở do ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) kháng cáo xin giảm nhẹ án phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự.

Hai em gái của ông Quyết là Trịnh Thị Minh Huế (cán bộ Ban Kế toán Tập đoàn FLC), Trịnh Thị Thúy Nga (Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS) cùng nhiều bị cáo khác cũng có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo, xin gỡ bỏ phong tỏa về tài sản hoặc kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Ngoài ra, một số bị hại cũng làm đơn kháng cáo yêu cầu xác định lại số tiền bồi thường, xem xét lại một số nội dung trong bản án sơ thẩm đã tuyên.

Trước đó, từ 22 đến 29/7, TAND TP. Hà Nội đã xét xử sơ thẩm 50 bị cáo trong vụ án trên và tuyên án vào chiều ngày 5/8/2024.

Theo đó, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC bị kết án 21 năm tù giam cho cả hai tội danh "Thao túng thị trường chứng khoán" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ngoài ra, Tòa buộc ông Quyết phải bồi thường, khắc phục hậu quả hơn 1.864 tỷ đồng. Thời gian bắt đầu thi hành tính từ 29/3/2022.

Cùng chịu trách nhiệm với hai tội danh nói trên, bà Trịnh Thị Minh Huế nhận án 14 năm tù; bà Trịnh Thị Thúy Nga nhận 8 năm tù...

Ông Trịnh Văn Quyết bị kết án 21 năm tù

Phiên phúc thẩm xét kháng cáo của cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và các bị cáo, người liên quan sáng 26/12 bắt đầu vào lúc 7h25, khi xe công vụ dẫn giải các bị cáo đến Tòa, tuy nhiên ông Trịnh Văn Quyết không có mặt.

Trong phần thủ tục trước khi chính thức diễn ra phiên tòa, thư ký Tòa cho biết, ông Quyết không đến Tòa do đang điều trị tại Bệnh viện 198 Bộ Công an. Theo thông tin từ bệnh viện, ông Quyết bị ho ra máu, viêm gan thận, dạ dày và chưa đủ sức khỏe để ra viện.

Vị thư ký cũng báo cáo rằng, trước đó, ông Quyết đã có đơn xin hoãn và 5 trong 7 luật sư của ông cũng yêu cầu hoãn xét xử.

Các bị cáo tại phiên phúc thẩm sáng 26/12

Các bị cáo tại phiên phúc thẩm sáng 26/12

Trong số 134 bị hại có đơn kháng cáo, chỉ 5 người có mặt tại tòa, 35 người xin hoãn, còn lại vắng mặt.

Trong tổng số 384 người có quyền nghĩa vụ liên quan, 135 người có mặt, 85 người xin xét xử vắng mặt, còn lại không đến.

Trong số 518 nhà đầu tư được triệu tập đến Tòa, cũng chỉ có 140 người có mặt.

Vì vậy, sau khi nghị án, Hội đồng xét xử công bố quyết định tạm hoãn phiên tòa.

Một số hình ảnh các bị cáo được dẫn giải đến phiên tòa sáng 26/12:

Bà Trịnh Thị Minh Huế, cán bộ Ban Kế toán Tập đoàn FLC, em gái ông Quyết

Bà Trịnh Thị Minh Huế, cán bộ Ban Kế toán Tập đoàn FLC, em gái ông Quyết

Bà Trịnh Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS, em gái ông Quyết

Bà Trịnh Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS, em gái ông Quyết

Một bị cáo khác được dẫn giải đến phiên xử

Một bị cáo khác được dẫn giải đến phiên xử

Sau khi xét xử sơ thẩm, có 25 bị cáo và người liên quan kháng cáo

Sau khi xét xử sơ thẩm, có 25 bị cáo và người liên quan kháng cáo

Ngoại trừ ông Quyết, các bị cáo có đơn kháng cáo khác đều có mặt

Ngoại trừ ông Quyết, các bị cáo có đơn kháng cáo khác đều có mặt

134 bị hại và 384 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng có đơn kháng cáo

134 bị hại và 384 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng có đơn kháng cáo

Ông Trịnh Văn Quyết đã khắc phục hậu quả 590 tỷ đồng

Theo cáo trạng, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo thực hiện các hành vi gian dối nhằm tăng vốn điều lệ của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, nhằm hợp thức hóa giá trị cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán HOSE.

Ông Quyết sử dụng công ty này làm công cụ để chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, bán ra hơn 391 triệu cổ phiếu ROS, thu về hơn 3.600 tỷ đồng từ 30.403 nhà đầu tư.

Đồng thời, ông Quyết còn chỉ đạo thao túng 5 mã chứng khoán khác, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng. Cùng với Trịnh Thị Minh Huế, các bị cáo khác trong vụ án đã giúp ông Quyết thực hiện hành vi phạm tội, hợp thức hóa thủ tục nâng khống vốn và thông tin gian dối vào báo cáo tài chính, bản cáo bạch để hoàn thiện hồ sơ niêm yết cổ phiếu.

Có hơn 25.800 nhà đầu tư đã bỏ tiền thật ra để mua cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần Xây dựng Faros bán ra đợt đầu, Tòa án sơ thẩm tuyên được bồi thường 7.215 đồng/cổ phiếu ROS.

Tòa sơ thẩm tuyên ông Quyết phải khắc phục hậu quả hơn 1.864 tỷ đồng và cho biết ông Quyết đã nộp 237 tỷ đồng.

Sau phiên tòa sơ thẩm, ông Trịnh Văn Quyết đã tác động gia đình để nộp thêm 353 tỷ đồng khắc phục hậu quả, nâng tổng số tiền đã nộp khắc phục hậu quả lên 590 tỷ đồng.

Hoàng Yến

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/hoan-xu-phuc-tham-do-cuu-chu-tich-flc-trinh-van-quyet-bi-benh-khong-den-toa-post360666.html
Zalo