Hoãn tòa cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết để các bị cáo khắc phục hậu quả 2.400 tỉ đồng

Theo chủ tọa, việc hoãn phiên tòa phúc thẩm xét xử cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết là cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho các bị cáo và bị hại.

Chiều 25-3, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã quyết định hoãn phiên tòa xét kháng cáo của cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng 26 bị cáo khác trong vụ án thao túng chứng khoán, lừa đảo có liên quan Tập đoàn FLC.

Các bị cáo tại phiên tòa

Các bị cáo tại phiên tòa

Theo đó, Chủ tọa phiên tòa cho biết sau khi hội ý, xem xét các đề nghị của các bị cáo, các bên liên quan. Hội đồng xét xử thấy việc hoãn phiên tòa là cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho các bị cáo, các bị hại và những người có nghĩa vụ liên quan…

Bên cạnh đó, việc hoãn phiên tòa cũng là để các bị cáo, gia đình các bị cáo có thời gian khắc phục hậu quả của vụ án. Dự kiến sẽ mở lại phiên tòa trong tháng 6.

Trước đó, sáng cùng ngày 25-3, tại tòa, bị cáo Trịnh Văn Quyết đã có đơn xin xét xử vắng mặt do sức khỏe yếu.

Trình bày về thêm sự vắng mặt của bị cáo Trịnh Văn Quyết, luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết thân chủ của ông mắc bệnh lao phổi đang điều trị. Ngoài ra, theo chẩn đoán từ bệnh viện, bị cáo Quyết còn bị hen phế quản nặng, suy tim cấp độ 3… "nguy kịch, nguy hiểm tính mạng".

Bị cáo Trịnh Văn Quyết tại phiên tòa sơ thẩm

Bị cáo Trịnh Văn Quyết tại phiên tòa sơ thẩm

Ngoài lý do về sức khỏe, luật sư Nghĩa cho biết thêm trước khi diễn ra phiên xét xử, thân chủ và gia đình bị cáo Trịnh Văn Quyết có đơn gửi tòa, xin hoãn xét xử phúc thẩm để có điều kiện khắc phục tuyệt đối hậu quả vụ án. Theo đó, tối qua 24-3, vợ cựu chủ tịch FLC đã có đơn gửi Hội đồng xét xử xin đảm bảo nộp thêm 100-200 tỉ đồng trong tuần này. Gia đình ông Quyết xin cam kết trong tháng 5-2025 sẽ hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ dân sự.

Theo các chứng từ và các khoản được tòa công bố, hiện ba anh em bị cáo Trịnh Văn Quyết đã nộp khoảng 1.000 tỉ đồng, trong tổng số 2.400 tỉ đồng phải khắc phục.

Nói thêm về việc khắc phục của bị cáo Quyết, luật sư Nguyễn Danh Huế cho rằng vừa qua FLC và các đối tác đã họp và đưa ra phương án khả thi, đảm bảo có thể khắc phục 100-200 tỉ đồng trong tuần và toàn bộ 2.400 tỉ đồng trong tháng 5. Qua đó, luật sư xin hoãn phiên tòa.

Vụ án được đưa ra xét xử do có 26 bị cáo trong 50 bị cáo trong vụ án kháng cáo. Trong đó, bị cáo Trịnh Văn Quyết kháng cáo xin giảm nhẹ mức án phạt tù và xem xét giảm trách nhiệm bồi thường dân sự.

Trong vụ án này, 2 em gái của bị cáo Quyết là Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga cũng kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bản thân. Các bị cáo còn lại trong vụ án kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo, xin gỡ bỏ phong tỏa về tài sản hoặc kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm,...

Bản án sơ thẩm xác định Trịnh Văn Quyết là người chủ mưu chỉ đạo việc nâng khống, sử dụng vốn góp khống của Công ty Faros từ 1,5 tỉ đồng lên hơn 4.300 tỉ đồng; thu lời bất chính hơn 3.600 tỉ đồng. Các bị cáo còn lại là đồng phạm giúp sức tích cực.

Đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán, bản án nhận định hành vi của các bị cáo trong vụ án làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước; gây bức xúc trong nhân dân; làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư… Hậu quả vụ án khiến nhiều nhà đầu tư mất 684 tỉ đồng ở hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Nguyễn Hưởng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hoan-toa-cuu-chu-tich-flc-trinh-van-quyet-de-cac-bi-cao-khac-phuc-hau-qua-2400-ti-dong-196250325150227036.htm
Zalo