Hoàn thuế hơn 145 tỷ đồng sai quy định cho dự án điện mặt trời Lộc Ninh 3
Hàng loạt cán bộ thuế Bình Phước bị cáo buộc mắc sai phạm hoàn thuế hơn 145 tỷ đồng trái quy định cho dự án điện mặt trời Lộc Ninh 3.
Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao vừa ban hành cáo trạng, truy tố 12 bị can trong vụ án xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố. Trong số các bị can, ông Hoàng Quốc Vượng (cựu thứ trưởng Bộ Công Thương, cựu chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam) bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong vụ án này, nhiều cán bộ ở Cục thuế tỉnh Bình Phước bị cáo buộc mắc sai phạm trong việc hoàn thuế hơn 145 tỷ đồng cho dự án điện mặt trời Lộc Ninh 3.
Cụ thể, bị can Phan Văn Sang, cựu công chức Phòng Thanh tra - Kiểm tra 3, Cục Thuế tỉnh Bình Phước, bị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Ba bị can khác tại Cục Thuế tỉnh Bình Phước, gồm: Nguyễn Duy Khánh, cựu Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Phước; Trần Văn Định, cựu Trưởng Phòng Thanh tra - Kiểm tra 3, Cục Thuế tỉnh Bình Phước và Phạm Quang Vinh, cựu Phó Phòng Nghiệp vụ - Dự toán - Pháp chế, Cục Thuế tỉnh Bình Phước, bị truy tố tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Nhà máy Điện mặt trời Lộc Ninh 3 tại tỉnh Bình Phước. Ảnh: Super Energy.
Theo cáo trạng, năm 2021, Công ty Lộc Ninh 3 đã chuyển hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng qua cổng dịch vụ công gồm 75 trang tài liệu đến Cục thuế Bình Phước. Kế toán công ty cũng gửi email cá nhân cho bị can Phan Văn Sang.
Hồ sơ gồm những tài liệu thể hiện việc UBND tỉnh Bình Phước đang hoàn thiện thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển vị trí xây dựng nhà máy từ xã Lộc Thanh sang xã Lộc Tấn.
Ngày 24/5/2021, Công ty Lộc Ninh 3 có giấy đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng số tiền hơn 145 tỷ đồng do đầu tư xây dựng Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3.
Giải quyết hồ sơ này, bị can Nguyễn Duy Khánh ký thông báo chuyển hồ sơ đề nghị hoàn thuế của Công ty Lộc Ninh 3 sang diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau và giao Phòng Thanh tra-Kiểm tra 3 kiểm tra hồ sơ, đề xuất giải quyết.
Đến ngày 27/5/2021, bị can Khánh ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra do bị can Sang làm trưởng đoàn. Do thời gian này bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19 nên đoàn kiểm tra không kiểm tra tại trụ sở công ty mà chỉ giao nhận hồ sơ, tài liệu qua email để tiến hành kiểm tra.
Sau khi kiểm tra, bị can Sang cùng Công ty Lộc Ninh 3 ký biên bản kiểm tra thuế xác định Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3 được UBND tỉnh Bình Phước chấp thuận đầu tư, xây dựng ở xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh.
Ngày 14/7/2021, bị can Sang ký báo cáo kết quả kiểm tra, đề xuất lãnh đạo Cục thuế tỉnh Bình Phước hoàn thuế cho Công ty Lộc Ninh 3, chuyển phòng pháp chế thẩm định. Bị can Phạm Quang Vinh, Phó phòng Nghiệp vụ Dự toán Pháp chế ký văn bản thẩm định thống nhất hồ sơ của Công ty Lộc Ninh 3 có đầy đủ hồ sơ và đủ điều kiện hoàn thuế.
Đến ngày 20/7/2021, bị can Nguyễn Duy Khánh ký quyết định hoàn thuế và ngày 21/7/2021, Công ty Lộc Ninh 3 nhận được số tiền hoàn thuế hơn 145 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, dù biết Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3 không đủ điều kiện hoàn thuế, Sang vẫn lập, ký biên bản kiểm tra thuế, đề xuất, và trình duyệt quyết định hoàn thuế, gây thiệt hại hơn 145 tỷ đồng.
Trong quá trình này, Trần Văn Định, Phạm Quang Vinh, và Nguyễn Duy Khánh không thực hiện đầy đủ trách nhiệm, không kiểm tra tính pháp lý của dự án, dẫn đến việc ký quyết định hoàn thuế sai quy định. Hành vi thiếu trách nhiệm này đã gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước.
Sau khi cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định phân công giải quyết nguồn tin về tội phạm, Cục thuế Bình Phước có quyết định thu hồi tiền hoàn thuế. Ngày 10/8/2023, Công ty Lộc Ninh 3 đã nộp lại hơn 145 tỷ đồng và 27 tỷ đồng tiền chậm nộp.
Các bị can Phan Văn Sang, Nguyễn Duy Khánh, Trần Văn Định và Phạm Quang Vinh đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. 3 bị can Khánh, Định, Vinh đã tự động nộp khắc phục hậu quả 20.000.000 đồng.