Hoàn thiện thể chế thi hành án dân sự - giải pháp căn cơ nhất

Thảo luận tại Hội trường Kỳ họp thứ Tám sáng nay, 26.11, góp ý về công tác thi hành án dân sự, án hành chính, ĐBQH Lã Thanh Tân (TP. Hải Phòng) ghi nhận Chính phủ đã có nhiều biện pháp, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự đạt hiệu quả cao, với nhiều kết quả khả quan; đồng thời, nhấn mạnh việc hoàn thiện thể chế về công tác thi hành án dân sự là giải pháp căn cơ nhất.

Nhiều kết quả khả quan

Đại biểu cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về công tác thi hành án năm 2024. Góp ý về công tác thi hành án dân sự, đại biểu nhận thấy năm 2024, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn thách thức như số vụ việc thụ lý mới tăng cao, các vụ việc phải thi hành ngày càng phức tạp, Chính phủ đã có nhiều biện pháp, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự đạt hiệu quả cao, với nhiều kết quả khả quan.

Theo đó, kết quả thi hành án xong về tiền tăng hơn 27 nghìn tỷ đồng, tương đương với hơn 31% so với năm 2023; kết quả thi hành xong về việc cũng tăng gần 46 nghìn việc, tương đương với khoảng 8% so với cùng kỳ; kết quả thu hồi tài sản trong những vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tăng hơn 300% về việc, đạt hơn 22 nghìn tỷ đồng. Thi hành xong án tín dụng ngân hàng tăng cả về việc và về tiền so với cùng kỳ, đặc biệt là về tiền tăng hơn 9 nghìn tỷ đồng. Thi hành xong khoảng 900 bản án hành chính, tăng hơn 300 bản án so với cùng kỳ…

 ĐBQH Lã Thanh Tân (TP. Hải Phòng) phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Lã Thanh Tân (TP. Hải Phòng) phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Đồng thời trong năm 2024, Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường tiếp tục hoàn thiện thể chế; kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, vi phạm trong công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Qua đó, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thi hành án.

Đơn giản hóa thủ tục thi hành án gắn với chuyển đổi số

Về các giải pháp năm 2025, ĐBQH Lã Thanh Tân cơ bản đồng tình với các giải pháp Chính phủ đề ra đối với công tác thi hành án dân sự năm 2025. Trong đó, việc hoàn thiện thể chế về công tác thi hành án dân sự là giải pháp căn cơ nhất.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) để trình Quốc hội theo đúng tiến độ; thể chế đầy đủ các chính sách đã được thông qua như: người được thi hành án dân sự có quyền chủ động xác minh, chứng minh điều kiện thi hành án, đề nghị áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự; tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự; khắc phục triệt để những vướng mắc đang cản trở, làm giảm hiệu lực và hiệu quả công tác thi hành án dân sự; xác định đúng vai trò, quyền hạn của chấp hành viên trong trình tự, thủ tục thi hành án dân sự; quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong tổ chức thi hành án như Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, UBND các cấp.

Cùng với đó, quy định đầy đủ, đồng bộ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm đối với các cơ quan liên quan khác trong từng giai đoạn thi hành án. Đơn giản hóa thủ tục thi hành án gắn với ứng dụng chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục thi hành án.

Tăng cường tiền kiểm của cơ quan kiểm sát

Đối với công tác thẩm định giá tài sản thi hành án dân sự - một trong những công đoạn quan trọng đưa tài sản ra bán đấu giá tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến vi phạm, sai phạm hoặc kéo dài quá trình tổ chức bán đấu giá tài sản thi hành án. Từ thực tế ở cơ sở, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính có biện pháp quản lý nhà nước, hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ cụ thể với thẩm định viên về giá trong việc thẩm định giá tài sản thi hành án; đồng thời, đề nghị chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố phát huy vai trò quản lý, chỉ đạo của Ban chỉ đạo thi hành án dân sự, Sở Tư pháp, Sở Tài chính để phối hợp giám sát chặt chẽ trong hoạt động hành nghề của các chức danh nghề nghiệp trong lĩnh vực này, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Công tác thi hành án dân sự là hoạt động luôn được Viện kiểm sát kiểm soát cả cơ chế tiền kiểm và hậu kiểm. Đại biểu đề nghị thời gian tới, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp tăng cường công tác tiền kiểm của cơ quan kiểm sát đối với những khâu, bước của quá trình thi hành án nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, tránh những sai sót không đáng có xảy ra, gây ra hậu quả cho các bên.

HẢI AN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/hoan-thien-the-che-thi-hanh-an-dan-su-giai-phap-can-co-nhat-post397484.html
Zalo