Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Qua hơn 10 năm triển khai thi hành, Hiến pháp năm 2013 đã phát huy vai trò tích cực trong việc hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đảm bảo quyền con người, quyền công dân, thúc đẩy cải cách tư pháp, cải cách hành chính và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực có nhiều biến động, thực tiễn đang đặt ra nhu cầu cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân.

* TRƯỞNG PHÒNG TƯ PHÁP TP. MỸ THO TRẦN THỊ THANH TÂM:
Qua nghiên cứu tài liệu lấy ý kiến cho thấy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tập trung vào 2 nhóm nội dung quan trọng. Một là các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN), các tổ chức chính trị - xã hội.
Hai là các quy định tại Chương IX để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Đồng thời, có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện. Các nội dung sửa đổi, bổ sung đã được Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 so sánh, thuyết minh rất cụ thể và thuyết phục.
Dự thảo sửa đổi Điều 9 Hiến pháp, trong đó định vị các tổ chức chính trị - xã hội nòng cốt trực thuộc MTTQVN và hoạt động dưới sự chủ trì thống nhất của Mặt trận, là một bước tiến quan trọng nhằm hiện thực hóa chủ trương là tạo ra một cơ chế liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, nơi MTTQVN thực sự là hạt nhân quy tụ và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hiện nay, Ủy ban Trung ương MTTQVN có nhiều thành viên ngoài các tổ chức: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, còn có các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp… được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận.
Tuy nhiên, để sự “chủ trì” và “thống nhất hành động” này không trở thành sự áp đặt hành chính hay làm suy yếu vai trò đặc thù của từng tổ chức thành viên thì cần phải có những quy định và cơ chế vận hành tinh tế. Ngoài ra, Hiến pháp cần tạo nền tảng vững chắc, còn Luật MTTQVN (sửa đổi) phải chi tiết hóa cơ chế hiệp thương dân chủ thực chất, đảm bảo sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên trong việc quyết định các vấn đề chung.
Cần xác định rõ phạm vi “chủ trì” của Mặt trận, tập trung vào những vấn đề mang tính chiến lược, liên ngành, liên lĩnh vực; đồng thời, phát huy tối đa sở trường, thế mạnh của từng tổ chức thành viên trong các hoạt động cụ thể. Việc tập trung quyền trình dự án luật, pháp lệnh vào Ủy ban Trung ương MTTQVN (sửa đổi Điều 84) là cần thiết để đảm bảo tính thống nhất, nhưng phải đi kèm với cơ chế đảm bảo các sáng kiến lập pháp từ các tổ chức thành viên được lắng nghe, thẩm định và trình bày một cách khách quan.
Đồng thời, Hiến pháp là văn bản mang tính nền tảng, phản ánh ý chí và nguyện vọng của toàn dân. Vì vậy, tôi kiến nghị cần thể hiện rõ hơn vai trò giám sát, phản biện xã hội của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội khác. Đồng thời, tăng cường cơ chế để nhân dân tham gia trực tiếp vào các vấn đề quan trọng của đất nước.
Một trong những trọng tâm cải cách liên quan đến MTTQVN chính là nâng cao thực chất và hiệu quả của công tác giám sát và phản biện xã hội. Đây không chỉ là quyền, mà còn là trách nhiệm hiến định của Mặt trận. Để vượt qua những rào cản về tính hình thức, sự né tránh, ngại va chạm, Hiến pháp cần nhấn mạnh hơn nữa tính ràng buộc pháp lý của các kết luận, kiến nghị sau giám sát, phản biện của MTTQVN.
Có thể xem xét bổ sung một khoản vào Điều 9, quy định về nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước trong việc xem xét, trả lời, giải trình và chịu trách nhiệm thực hiện các kiến nghị hợp pháp, chính đáng của Mặt trận.
Luật MTTQVN cần quy định cụ thể hơn về quy trình giám sát, phản biện độc lập, khách quan; cơ chế tiếp cận thông tin, huy động chuyên gia; cơ chế công khai kết quả giám sát, phản biện và đặc biệt là cơ chế theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị, thậm chí kiến nghị các hình thức xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp cố tình phớt lờ hoặc không thực hiện. Điều này sẽ góp phần xây dựng một cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước từ phía xã hội hiệu quả hơn.

* CÔNG CHỨC PHÁP CHẾ SỞ CÔNG THƯƠNG TỈNH TIỀN GIANG CAO THỊ THÙY DUNG:
Điều 1 của dự thảo Nghị quyết gồm 8 khoản, sửa đổi, bổ sung liên quan đến 8 Điều của Hiến pháp năm 2013, tôi có ý kiến như sau:
Thống nhất nội dung sửa đổi, bổ sung tại Điều 9, Điều 10 và khoản 1 Điều 84 Hiến pháp năm 2013.
Nội dung sửa đổi, bổ sung tại Điều 9 Hiến pháp 2013 đã khẳng định rõ hơn vị thế của MTTQVN là bộ phận của hệ thống chính trị, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân.
Đồng thời, có vai trò tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Nội dung sửa đổi, bổ sung tại Điều 10 Hiến pháp năm 2013 là quy định các tổ chức chính trị - xã hội (Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam) trực thuộc MTTQVN, hoạt động thống nhất dưới sự chủ trì của Mặt trận sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp lại các tổ chức thành viên, giảm bớt sự trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm sự đồng bộ với cơ cấu tổ chức Đảng, giúp Mặt trận và các tổ chức thành viên gần dân hơn, sát dân hơn.
Nội dung sửa đổi về quyền trình dự án luật, pháp lệnh tại khoản 1 Điều 84, theo hướng tập trung quyền này vào Ủy ban Trung ương MTTQVN (thay vì cả các cơ quan trung ương của tổ chức thành viên như trước) là phù hợp với mô hình tổ chức tinh gọn sau sắp xếp, bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả trong công tác xây dựng pháp luật.
Thống nhất nội dung sửa đổi, bổ sung về tổ chức đơn vị hành chính (Điều 110) và chính quyền địa phương (Điều 111, 112, 114, 115) Hiến pháp năm 2013.
Hiến pháp sửa đổi đã định hình lại mô hình tổ chức đơn vị hành chính: Theo hướng quy định mô hình địa phương 2 cấp, việc xác định cụ thể các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh sẽ do Quốc hội quy định, tạo linh hoạt và phù hợp với thực tiễn; các sửa đổi liên quan đến việc không sử dụng thuật ngữ “cấp chính quyền địa phương” để thể hiện tính thống nhất về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, tránh nhầm lẫn và tạo sự rõ ràng.
Đồng thời, việc điều chỉnh phạm vi đối tượng trả lời chất vấn của đại biểu HĐND (không còn bao gồm Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân do thay đổi mô hình tổ chức tòa án, viện kiểm sát khu vực không gắn với đơn vị hành chính cụ thể) cũng là một điều chỉnh cần thiết, tập trung quyền giám sát của HĐND vào hoạt động của UBND và các cơ quan thuộc UBND; đồng thời, vẫn bảo đảm cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua các hình thức giám sát khác.
Tuy nhiên, về kỹ thuật lập hiến, tôi có ý kiến đối với tại khoản 1 và khoản 2 Điều 110 sửa đổi như sau:
Điều 110 trong dự thảo hiện tại quy định:
“1. Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
2. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập.”
Theo dự thảo, cách diễn đạt về tên gọi của cấp chính quyền địa phương chưa được rõ ràng và việc tách riêng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thành 1 khoản là chưa hợp lý vì đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập thì vẫn thuộc các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cách diễn đạt về tên gọi và đơn vị hành chính 2 cấp theo khoản 1 Điều 110 dự thảo, cá nhân tôi sẽ hiểu là: Cấp tỉnh và cấp dưới tỉnh; theo khoản 1, Điều 1 Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đã quy định cụ thể đơn vị hành chính và tên gọi chung của 2 cấp chính quyền địa phương được gọi là: Cấp tỉnh và cấp cơ sở.
Do vậy, tôi kiến nghị gom khoản 1 và khoản 2 Điều 110 thành 1 khoản và sửa đổi Điều 110 thành:
“1. Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm: Đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập.
2. Việc xác định các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội quy định.”
Việc sửa đổi, bổ sung cụm từ “dưới tỉnh” thành “dưới cấp tỉnh” để làm rõ hơn ý nghĩa Hiến pháp không quy định cụ thể các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, không phải tên gọi chính quyền địa phương là “cấp dưới tỉnh” và việc gom chung đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập thành 1 khoản sẽ phù hợp về kỹ thuật lập hiến như khoản 1 Điều 110 Hiến pháp hiện hành cũng như khoản 1 Điều 1 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (đang được dự thảo sửa đổi cũng bố cục các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chung 1 khoản, phân định thành 3 điểm a,b,c).
Đồng thời, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, thống nhất việc lựa chọn và sử dụng tên gọi chung của 2 cấp chính quyền địa phương là cấp tỉnh và cấp xã hoặc cấp tỉnh và cấp cơ sở để sử dụng trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật, vì theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) thì tên gọi chung là cấp tỉnh và cấp cơ sở, trong khi các dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi có liên quan đến thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp sau khi bỏ cấp huyện hiện tại đều dùng tên gọi cấp tỉnh và cấp xã (ví dụ như: Chuyển chức năng, nhiệm vụ của UBND cấp huyện về UBND cấp xã; chuyển chức năng, nhiệm vụ của UBND cấp tỉnh về cho UBND cấp xã).