Hoàn thiện pháp luật quy hoạch để không ngập úng đô thị

Nhà xây sau tôn nền cao hơn nhà xây trước, cốt nền khu nhà mới cao hơn cốt nền khu nhà cũ, đường giao thông mới cao hơn đường giao thông cũ. Cuộc chạy đua về chiều cao cốt nền xây dựng để không bị ngập lại dẫn tới tình trạng ngập úng ngày càng trầm trọng hơn. Vì vậy, bên cạnh giải pháp phát triển không gian ngầm trong đó có bể chứa, Hà Nội cần quan tâm tới vấn đề vi phạm cốt nền xây dựng nói riêng và thoát nước tự nhiên nói chung để góp phần giải quyết tình trạng ngập úng. Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn vừa được Quốc hội thảo luận tại tổ trong tuần qua và Luật Cấp thoát nước, Luật Quản lý phát triển đô thị dự kiến xây dựng cuối năm nay được kỳ vọng góp phần giải quyết những vấn đề này.

Tất cả các con đường, đặc biệt là đường trong đô thị không chỉ phục vụ giao thông mà còn phục vụ thoát nước. Chiều cao nền đường vốn dĩ được thiết kế để thoát nước tự nhiên trên bề mặt và theo hệ thống cống bên dưới mặt đường. Các con đường liên thông với nhau để nước chảy ra ao, hồ, sông suối, đồng ruộng, vùng trũng ngoại thành và ngấm xuống lòng đất.
Quy hoạch đô thị Hà Nội đã chia thủ đô thành 3 vùng thoát nước và đều khống chế cốt nền xây dựng. Nhưng việc các công trình giao thông, các khu đô thị mới không tuân thủ đầy đủ đã gây ra tình trạng ngập úng cục bộ.

Trong Luật Quy hoạch đô thị 2009 có một chương quy định về quản lý thực hiện quy hoạch. Thế nhưng 14 năm kể từ khi Luật có hiệu lực, công tác quản lý thực hiện quy hoạch chưa thực sự hiệu quả.
Hiện Bộ Xây dựng đang soạn thảo 3 luật mới nhằm hoàn thiện pháp luật về quy hoạch và thực hiện quy hoạch để góp phần giải quyết đồng bộ các vấn đề của đô thị trong đó có vấn đề ngập úng.

Quá trình đô thị hóa hiện nay ảnh hưởng nghiêm trọng tới mặt bằng thoát nước tự nhiện theo cả 2 hướng: dòng chảy bề mặt và ngấm xuống lòng đất. Vì vậy, bên cạnh việc đảm bảo tuân thủ cốt nền xây dựng còn cần đảm bảo diện tích đất tự nhiên để nước có thể ngấm xuống lòng đất.

Để giải quyết tình trạng ngập úng của Hà Nội sẽ cần cả những giải pháp đồ sộ như không gian ngầm và cả những giải pháp đơn giản đó là giảm bê tông hóa không thực sự cần thiết, đặc biệt là các công viên.

Mời quý vị theo dõi thông tin chi tiết!

Hà Giang - Hoàng Minh - Việt Hà

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/hoan-thien-phap-luat-quy-hoach-de-khong-ngap-ung-do-thi-226491.htm
Zalo