Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số

Hội thảo Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số nhằm lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).

Ngày 16-5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số.

Sự kiện do Cục Báo chí và Tạp chí điện tử VietTimes tổ chức, nhằm lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), hướng tới trình Chính phủ và Quốc hội xem xét trong thời gian tới.

 Thứ trưởng Lê Hải Bình điều phối nội dung thảo luận tại Hội thảo. Ảnh: VietTimes.

Thứ trưởng Lê Hải Bình điều phối nội dung thảo luận tại Hội thảo. Ảnh: VietTimes.

Phát biểu khai mạc, ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, nhấn mạnh: Việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí là yêu cầu cấp thiết nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về báo chí, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật hiện hành.

Ông Thủy cũng lưu ý, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và truyền thông hiện đại, việc điều chỉnh, quản lý hoạt động báo chí phù hợp là cần thiết để tạo hành lang pháp lý cho báo chí phát triển trong kỷ nguyên số.

Tại hội thảo, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ VH-TT&DL) chia sẻ các vấn đề đáng chú ý trong Luật Báo chí (sửa đổi).

Theo đó, Dự thảo luật lần này bổ sung nhiều quy định quan trọng, trong đó điểm nhấn là nguyên tắc quản lý báo chí chặt chẽ, minh bạch và phân định rõ thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương. Dự kiến có 30 nội dung giao Chính phủ và các cơ quan chức năng quy định chi tiết.

Trong đó, Nghị định của Chính phủ sẽ bao gồm 25 vấn đề trọng yếu, như cơ chế phát triển tổ hợp báo chí chủ lực đa phương tiện, điều kiện cấp và thu hồi giấy phép, nguồn thu báo chí, liên kết và hợp tác quốc tế, tiêu chuẩn bổ nhiệm lãnh đạo, thẻ nhà báo, quyền từ chối cung cấp thông tin, hoạt động trên không gian mạng, nhập khẩu, xuất khẩu báo chí...

Ngoài ra, Bộ VH-TT&DL sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn 5 nội dung liên quan đến cấp phép, cấp thẻ nhà báo, văn phòng đại diện, bản tin, đặc san...

 Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VietTimes.

Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VietTimes.

Dự thảo cũng đề xuất phân quyền cho địa phương thực hiện 10 thủ tục hành chính nhằm tăng tính chủ động và linh hoạt trong quản lý nhà nước về báo chí tại cơ sở.

Dự thảo luật lần này cũng sửa đổi, bổ sung hệ thống khái niệm, nhằm phân biệt rõ ràng giữa các loại hình báo chí, khắc phục tình trạng "báo hóa" tạp chí - một trong những vấn đề nổi cộm thời gian qua.

Cụ thể, loại hình báo chí được chia thành báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình và kênh nội dung của cơ quan báo chí trên không gian mạng. Báo in gồm báo và tạp chí; báo điện tử gồm báo điện tử và tạp chí điện tử.

“Các kênh nội dung của báo chí trên mạng xã hội, ứng dụng Internet bắt buộc phải đăng ký, kết nối hệ thống với cơ quan quản lý. Nội dung phát hành phải tuân thủ pháp luật báo chí, an ninh mạng và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”- ông Phúc nhấn mạnh.

Hội thảo Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2025).

Sự kiện cũng là bước đi quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật để báo chí Việt Nam thích ứng và phát triển trong kỷ nguyên số, đồng thời khẳng định vai trò của báo chí trong việc định hướng thông tin và phục vụ lợi ích công cộng.

VIẾT THỊNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/hoan-thien-phap-luat-de-bao-chi-phat-trien-trong-ky-nguyen-so-post850102.html
Zalo