Hoàn thiện khung pháp lý về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho đổi mới sáng tạo
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 6/5, đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ cho ý kiến về Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự phiên thảo luận tại Tổ 16.
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum U Huấn điều hành Phiên thảo luận tại Tổ 16, gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Kom Tum; Lai Châu; Hà Nam; An Giang.
Cho ý kiến vào Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đa số các đại biểu đều thống nhất với quan điểm xây dựng Luật và cho rằng Luật đã được thiết kế theo hướng giảm tiền kiểm, tăng hậu kiểm, chuyển đổi số toàn diện trong quản lý hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam
Theo đại biểu Trần Văn Khải, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, với tư duy quản lý chuyển từ kiểm soát quy trình sang quản lý dựa trên kết quả, hiệu quả, nhiều quy định trong dự thảo Luật nhằm thu hút nguồn lực xã hội, khuyến khích doanh nghiệp, quỹ tư nhân đầu tư cho nghiên cứu và đổi mới sáng tạo; mở rộng cơ chế ưu đãi, đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Đồng thời, luật kế thừa tối đa các nội dung đã phát huy hiệu quả từ Luật 2013, đảm bảo tính liên tục và khả thi.
Nói rõ hơn, đại biểu Trần Văn Khải dẫn chứng: “Cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập, khoán chi nhiệm vụ KH&CN, trọng dụng nhân tài… tiếp tục được duy trì, tạo động lực cho đội ngũ trí thức sáng tạo. Việc bổ sung chính sách hỗ trợ startup (sandbox cho công nghệ mới) sẽ tạo điều kiện thử nghiệm cái mới, phù hợp chỉ đạo của Đảng về cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới. Nghị quyết 193/2025/QH15 đã thí điểm một số cơ chế đột phá về tài chính, nhân lực KH&CN, chuyển đổi số... cho thấy nhiều chính sách mới có thể thực thi ngay. Do đó, khi luật được thông qua, khả năng triển khai là cao nhờ đã có kinh nghiệm thí điểm, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và cộng đồng khoa học, doanh nghiệp”.
Cũng theo đại biểu Trần Văn Khải, Chính phủ cần sớm ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn các nội dung mới của Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (sửa đổi) để luật đi vào cuộc sống từ ngày đầu hiệu lực. Trọng tâm là hoàn thiện khung pháp lý về quản lý tài chính KH&CN, cơ chế sandbox cho đổi mới sáng tạo, chính sách ưu đãi doanh nghiệp công nghệ cao, và chuyển đổi số trong thủ tục hành chính về KH&CN. Việc này nhằm hiện thực hóa ngay các đột phá thể chế, đúng như yêu cầu tại Nghị quyết 66-NQ/TW: đến năm 2025 cơ bản tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật, mở đường cho phát triển.

Một số đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu quy định về xây dựng chương trình đào tạo nhân lực nghiên cứu trình độ cao và công nghệ mới
Về phát triển nhân lực, nhân tài khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, một số đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu quy định về xây dựng chương trình đào tạo nhân lực nghiên cứu trình độ cao và công nghệ mới, có cơ chế luân chuyển nhà khoa học giữa viện - trường - doanh nghiệp, cơ chế thu hút chuyên gia quốc tế và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài tham gia các chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ KH,CN&ĐMST mang tầm chiến lược. Cùng với đó, đề nghị rà soát, nghiên cứu bổ sung quy định về tiêu chí chuyên gia, nhân tài; quy định đầy đủ, phù hợp về quyền, nghĩa vụ nhất là tự chủ về chuyên môn, nhân sự và tài chính. Cần có quy định khuyến khích triển khai chương trình giáo dục STEM, STEAM; có chính sách thúc đẩy xây dựng văn hóa sáng tạo.
Về phân chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo sử dụng ngân sách nhà nước. Một số đại biểu đề nghị xem xét nội dung quy định này theo hướng nên để các bên tự thỏa thuận trên cơ sở đảm bảo quyền lợi tác giả. Trong trường hợp cần thiết phải quy định khung tối thiểu thì cần quy định cụ thể các trường hợp xác định lợi nhuận từ thương mại hàng hóa.

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang phát biểu thảo luận tại Tổ.
Về ưu đãi đối với cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, một số đại biểu đề nghị bổ sung các nội dung về chính sách khuyến khích phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm doanh nghiệp công nghệ và quỹ đầu tư mạo hiểm; hỗ trợ startup công nghệ và chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong giai đoạn đầu thành lập. Cụ thể, cần có hỗ trợ tài chính, thuế và đơn giản hóa thủ tục hành chính; có cơ chế thu hút và giữ chân nhân tài trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua các chính sách ưu đãi về lương, thưởng, BHXH và môi trường làm việc; quy định đảm bảo các quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN đối với các nhà khoa học, các chuyên gia làm việc trong các dự án khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; có chính sách hỗ trợ đầy đủ chế độ BHXH cho các chuyên gia, nhà khoa học ngắn hạn, hợp đồng theo dự án; ưu đãi thuế và cơ chế hỗ trợ tài chính đặc thù cho doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo.
Cũng trong chiều 6/5, các đại biểu thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Đối với dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) đa số các đại biểu đều cho rằng việc sửa đổi lần này là hết sức cần thiết nhằm góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về đổi mới cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ hạt nhân; phát triển nguồn nhân lực và tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước, thanh sát hạt nhân, bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân và đặc biệt để quản lý việc triển khai, vận hành dự án điện hạt nhân. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với thực tế của Việt Nam để bảo đảm tính khả thi của dự án luật./.