Hoàn thiện khung pháp lý, tạo 'đòn bẩy' phát triển hàng không dân dụng

Dự thảo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế) có nhiều điểm mới phù hợp với xu thế phát triển cũng như cập nhật các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thay thế Luật hiện hành sau 19 năm triển khai

Cục Hàng không Việt Nam vừa hoàn tất Dự thảo Luật Hàng không dân dụng (HKDD) Việt Nam nhằm thay thế Luật hiện hành sau 19 năm thực hiện.

Dự thảo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế) đảm bảo sự hài hòa, phù hợp trong việc phát triển đội tàu bay với sự phát triển của kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay (ảnh minh họa).

Dự thảo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế) đảm bảo sự hài hòa, phù hợp trong việc phát triển đội tàu bay với sự phát triển của kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay (ảnh minh họa).

Theo đó, hồ sơ chính sách xây dựng Luật HKDD (thay thế) đã được cập nhật, bổ sung và hoàn thiện trên cơ sở nội dung của hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật HKDD Việt Nam, được Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ tại phiên họp tháng 2/2023.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Dự thảo Luật lần này tập trung hoàn thiện khung pháp lý về quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng, bảo đảm thực hiện đầy đủ các quy định của điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các khuyến cáo của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

Dự thảo cũng hướng đến tăng cường năng lực giám sát, kiểm tra bảo đảm an toàn hàng không cho cơ quan quản lý chuyên ngành; bổ sung khung pháp lý cho Nhà chức trách hàng không và Cảng vụ hàng không nhằm nâng cao vai trò, chức năng.

Song song đó, xây dựng chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển công nghiệp hàng không, nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đào tạo nhân lực, hướng tới phát triển ngành hàng không hiện đại, bền vững.

Một điểm nhấn khác là hoàn thiện khung pháp lý về an toàn hàng không theo yêu cầu của ICAO đối với hệ thống quản lý an toàn hàng không quốc gia, bảo đảm cơ quan điều tra tai nạn hàng không độc lập với Nhà chức trách hàng không theo thông lệ quốc tế.

Dự thảo cũng nhấn mạnh tăng cường phối hợp giữa hàng không dân dụng và quân sự trong điều hành bay, quản lý bề mặt chướng ngại vật hàng không; thực hiện phân cấp, giao trách nhiệm cho địa phương trong quản lý bề mặt giới hạn chướng ngại vật hàng không và độ cao công trình liên quan.

Ngoài ra, nội dung Dự thảo còn đề cập đến việc hiện đại hóa, tối ưu hóa tổ chức và sử dụng vùng trời để nâng cao an toàn, hài hòa phát triển hàng không, quốc phòng - an ninh và phù hợp với ICAO. Đồng thời, tăng cường quản lý phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay để bảo đảm an toàn hoạt động hàng không dân dụng.

Một nội dung quan trọng khác là tăng tính chủ động của các đơn vị, doanh nghiệp trong việc giám sát, quản lý nhân viên hàng không; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và quản trị doanh nghiệp, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành.

Dự thảo cũng quy định rõ vai trò của công tác bảo đảm an ninh hàng không, xác định trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và các chủ thể hoạt động trong lĩnh vực này trong bối cảnh mới. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo nguyên tắc "4 tại chỗ" để bảo đảm an ninh kịp thời, hiệu quả.

Khắc phục các bất cập trong quy hoạch, đầu tư sân bay

Đối với cảng hàng không, sân bay, Dự thảo Luật hướng tới khắc phục những tồn tại trong quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đồng thời thu hút các nguồn lực phát triển cảng hàng không, sân bay.

Luật cũng tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho hoạt động đầu tư, xây dựng cảng hàng không, sân bay; quy định về công bố chuyển đổi cảng hàng không nội địa thành cảng quốc tế khi đáp ứng yêu cầu pháp luật, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế, du lịch các vùng miền.

Dự thảo xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong hoạt động đầu tư, xây dựng, khai thác cảng hàng không, sân bay. Trong đó, phân định địa vị pháp lý, quyền và trách nhiệm giữa "doanh nghiệp cảng hàng không" và "người khai thác cảng hàng không, sân bay" phù hợp với quy định pháp luật về doanh nghiệp. Đồng thời hoàn thiện các quy định liên quan đến sân bay chuyên dùng và việc chuyển đổi cảng nội địa thành cảng quốc tế.

Dự thảo cũng hoàn thiện khung pháp lý về vận chuyển hàng không nhằm bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế, quy định về vận tải hàng không; chính sách giá dịch vụ hàng không, sân bay cũng sẽ được hoàn chỉnh đồng bộ với hệ thống pháp luật về giá, phí và lệ phí.

Bên cạnh đó, đảm bảo quyền lợi hành khách và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp vận chuyển hàng không trong việc thực hiện quy định về quyền, nghĩa vụ của người vận chuyển; điều phối hiệu quả giờ cất, hạ cánh tại sân bay theo thông lệ quốc tế.

Cuối cùng, Dự Luật nhấn mạnh sự cần thiết của việc phát triển đội tàu bay phù hợp với năng lực hạ tầng cảng hàng không và năng lực giám sát an toàn của cơ quan quản lý Nhà nước.

Dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua Dự thảo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế) tại kỳ họp tháng 10/2025.

Biển Ngọc

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/hoan-thien-khung-phap-ly-tao-don-bay-phat-trien-hang-khong-dan-dung-192250418135959994.htm
Zalo