Hoàn thiện khung pháp lý quản lý đội tàu bay
Để đảm bảo phát triển hiệu quả, bền vững, phù hợp với quy hoạch... cần có cơ chế quản lý, giám sát kế hoạch phát triển đội tàu bay của các hãng hàng không.
Cần bổ sung quyền hạn, trách nhiệm của nhà chức trách trong kiểm tra, giám sát kế hoạch phát triển đội tàu bay
Tại Báo cáo tổng kết thi hành Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay, công tác quản lý việc mua, thuê tàu bay và kế hoạch phát triển đội đội bay của các hãng hàng không Việt Nam đang được quy định tại Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật.

Các hãng hàng không Việt Nam đang có kế hoạch tiếp tục bổ sung, tăng cường đội tàu bay (ảnh minh họa).
Việc phát triển đội tàu bay không chỉ là vấn đề liên quan đến sự phát triển của doanh nghiệp vận chuyển mà còn liên quan đến việc đảm bảo an toàn, an ninh, năng lực giám sát an toàn khai thác tàu bay, sự đáp ứng của kết cấu hạ tầng cảng hàng không sân bay, vị thế đàm phán của Việt Nam trong thương mại quốc tế, vấn đề an ninh kinh tế toàn cầu.
Từ đây, Bộ Xây dựng kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung Luật Hàng không dân dụng Việt Nam để làm cơ sở cho các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng hàng không, tổ chức giám sát cho phù hợp với quy mô và tính chất khai thác tàu bay; bảo đảm an toàn, an ninh hàng không.
Đồng thời, có thể định hướng, quản lý và điều tiết việc điều chỉnh, thay đổi quy mô, kế hoạch phát triển đội tàu bay của các hãng phù hợp với điều kiện, tình hình của thị trường và hoạt động của ngành hàng không.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định về quyền hạn và trách nhiệm của Nhà chức trách hàng không trong kiểm tra, giám sát kế hoạch phát triển đội tàu bay của các hãng hàng không; thông báo, cảnh báo về khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng, năng lực giám sát an toàn khai thác tàu bay để các hãng hàng không có căn cứ rà soát, chủ động thực hiện kế hoạch của mình.
Hãng bay dự kiến tăng quy mô đội tàu thế nào?
Theo thông tin của. Báo Xây dựng, dự kiến đến năm 2030, Vietnam Airlines sẽ vận hành đội tàu bay gồm 137 chiếc, trong đó có 95 tàu thân hẹp, 37 tàu thân rộng và 5 tàu ATR. Để thực hiện mục tiêu này, hãng đang xúc tiến đầu tư 50 tàu bay thân hẹp với lịch bàn giao dự kiến từ năm 2028, đồng thời sẽ thuê thêm tàu theo nhu cầu khai thác.
Với Bamboo Airways, hãng đặt mục tiêu nhanh chóng nâng quy mô đội bay trở lại mốc 30 chiếc, chủ yếu là dòng A320/A321.
Pacific Airlines dự kiến thuê thêm 2 tàu bay từ Vietnam Airlines trong năm 2025, đồng thời tiếp tục tái cấu trúc cổ đông, nên quy mô đội tàu sẽ phụ thuộc vào định hướng của cổ đông mới.
Vietravel Airlines cũng đang lên kế hoạch bổ sung tàu bay phù hợp sau khi đón nhận nhà đầu tư mới vào cuối năm 2024.
Về phần mình, Vietjet đặt mục tiêu sở hữu khoảng 300 tàu bay vào năm 2030, gồm các dòng Airbus A320, A321 và Boeing 737MAX. Hãng đã ký kết nhiều thỏa thuận mua tàu bay với Airbus và Boeing để chuẩn bị cho kế hoạch này.
Theo các chuyên gia, với tốc độ phục hồi nhanh chóng của thị trường hàng không, việc mở rộng đội tàu bay là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, cần có sự kiểm soát và định hướng thống nhất từ cơ quan quản lý, đảm bảo không dư thừa tàu bay, tránh tình trạng quá tải hạ tầng, thiếu hụt nhân lực kỹ thuật...