Hoàn thiện khung pháp lý hoạt động mua bán qua Sở Giao dịch hàng hóa

Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do nên nhu cầu về việc xây dựng các hệ thống trung gian giao dịch cho hàng hóa xuất nhập khẩu với thị trường quốc tế gia tăng. Do đó, quy định về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa cũng cần phải sửa đổi, bổ sung để đồng bộ với quy định của pháp luật hiện hành...

Việc tham gia sàn giao dịch hàng hóa sẽ giúp tạo giá cả cạnh tranh công bằng cho nông sản Việt Nam

Việc tham gia sàn giao dịch hàng hóa sẽ giúp tạo giá cả cạnh tranh công bằng cho nông sản Việt Nam

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 158/2006/NĐ-CP và Nghị định số 51/2018/NĐ-CP về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa (gọi tắt là dự thảo Nghị định).

NHIỀU QUY ĐỊNH CHỒNG CHÉO, MÂU THUẪN

Nhiều ý kiến góp ý cho rằng dự thảo Nghị định đã vượt qua khuôn khổ của Luật Thương mại 2005 và có nhiều khái niệm mới chưa được quy định trong Luật. Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế, dự thảo Nghị định điều chỉnh những vấn đề vượt quá các nội dung Luật Thương mại 2005 giao cho Chính phủ; lồng ghép quá nhiều quy định của pháp luật cạnh tranh.

Cụ thể tại Điều 1 quy định phạm vi điều chỉnh là những nội dung được giao tại Mục 3 Chương II của Luật Thương mại, nhưng dự thảo Nghị định lại quy định rất nhiều nội dung trái với Luật Thương mại như: Thủ tục thành lập Sở Giao dịch hàng hóa; Ủy ban kiểm soát giao dịch hàng hóa; Công ty kinh doanh hàng hóa tương lai… Vì vậy, PGS.TS. Ngô Trí Long đề nghị bỏ những nội dung không được Luật Thương mại giao.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định đặt ra nhiều Điều, Khoản điều chỉnh cạnh tranh, chống độc quyền; sử dụng những từ ngữ, khái niệm phổ biến của Luật Cạnh tranh năm 2018, như “lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường”, “lạm dụng vị trí độc quyền”… chứng minh giống hệt quy định của Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn luật này… mâu thuẫn với pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.

“Nếu trên thị trường mua bán hàng hóa qua Sở xuất hiện các dấu hiệu, các trường hợp cạnh tranh không lành mạnh, thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh thì dự thảo Nghị định không cần viện dẫn lại, “nhắc lại” các quy định của Luật Cạnh tranh, Luật này vẫn có hiệu lực áp dụng cho các chủ thể tham gia thị trường mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa”, PGS.TS. Ngô Trí Long góp ý.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định đưa ra nhiều yêu cầu bất hợp lý, không khả thi đặt ra cho doanh nghiệp. Ví dụ: Điểm d khoản 9 Điều 11 (Hồ sơ đề nghị thành lập Sở Giao dịch hàng hóa), còn yêu cầu ngay từ trước khi thành lập Sở, doanh nghiệp đã phải đề ra “biện pháp ngăn ngừa hành vi lạm dụng vị trí độc quyền, vị trí thống lĩnh thị trường, cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường hàng hóa và các thị trường liên quan”.

Dự thảo Nghị định yêu cầu trong hồ sơ thông báo niêm yết phải có: “Báo cáo đánh giá tác động trên thị trường của hàng hóa dự kiến niêm yết: đảm bảo cung cầu hàng hóa trong nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nông sản, biện pháp chống đầu cơ, thao túng giá và tác động thúc đẩy cạnh tranh”. Trong khi quy định này vô cùng khó xác định vì quá chung chung, mơ hồ và hoàn toàn không khả thi đối với doanh nghiệp. Trách nhiệm đánh giá những tác động của hàng hóa đến thị trường và thúc đẩy cạnh tranh đang được giao cho cơ quan quản lý nhà nước không phải doanh nghiệp.

Mặt khác, đối với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, các quy định của dự thảo Nghị định được đưa ra không thống nhất với pháp luật đầu tư, pháp luật doanh nghiệp, thậm chí gây ra sự chồng chéo, mâu thuẫn.

Việc góp vốn, mua cổ phần, phần góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài ở trong lĩnh vực mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa hiện được điều chỉnh bởi Luật Đầu tư, với điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn góp, cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Sở Giao dịch hàng hóa là 49% (theo Nghị định 51/2018/NĐ-CP). Dự thảo Nghị định điều chỉnh giảm tỷ lệ này xuống mức 30%, đồng thời yêu cầu các thủ tục về đầu tư nước ngoài vào Sở Giao dịch hàng hóa và thành viên của Sở Giao dịch hàng hóa phải thực hiện theo quy định của Luật Cạnh tranh.

“Đây là một sự chồng chéo, vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khi phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh không điều chỉnh các vấn đề về đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa”, PGS.TS. Ngô Trí Long nhấn mạnh. Đồng thời PGS.TS. Ngô Trí Long kiến nghị cần rà soát, nghiên cứu để bỏ các quy định không thuộc phạm vi quy định chi tiết Luật Thương mại, điều chỉnh các quy định để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật về mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa nói riêng.

CẦN CÓ LUẬT VỀ SỞ GIAO DỊCH HÀNG HÓA

Bà Vũ Thu Thủy, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, cho biết việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hai nghị định về Sở Giao dịch hàng hóa là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Tuy vậy, bên cạnh một số điểm tiến bộ thì dự thảo Nghị định cũng có khá nhiều vấn đề còn gây tranh cãi.

Theo bà Thủy, nhiều nội dung của dự thảo Nghị định không được Luật Thương mại 2005 giao quy định chi tiết, vi phạm trách nhiệm trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định tại khoản 7 Điều 7 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về “ban hành văn bản quy định chi tiết có nội dung ngoài phạm vi được giao quy định chi tiết”. Do đó, bà Thủy kiến nghị lược bỏ những nội dung không được Luật Thương mại giao quy định chi tiết.

Bên cạnh đó, một số vấn đề về thành lập và hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa tại Dự thảo chưa thống nhất với Luật Thương mại và các luật có liên quan đối với việc thành lập Sở Giao dịch hàng hóa dẫn tới khó hiểu, khó áp dụng trên thực tế.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Luật sư Đinh Dũng Sỹ cho biết nghiên cứu toàn bộ nội dung dự thảo Nghị định, ông nhận thấy băn khoăn phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định. Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Thương mại về mua bán hàng hóa qua sàn nhưng phạm vi lại rất rộng, gồm nhiều vấn đề mới, thậm chí chưa được quy định trong Luật Thương mại.

“Rất ủng hộ ý tưởng của Bộ Công Thương là muốn xây dựng thị trường hiện đại, mới, quốc tế, đặc biệt đáp ứng thị trường trong nước trong bối cảnh Việt Nam là nước nông nghiệp, có nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu nổi tiếng. Tuy nhiên, cách tiếp cận hiện nay rất khó vì chúng ta bị khoanh bởi Luật Thương mại, trong khi luật này ra đời được gần 20 năm”, ông Sỹ chia sẻ.

Hơn nữa, dự thảo Nghị định vượt ra ngoài phạm vi của Luật Thương mại, đồng nghĩa với việc vượt ra khỏi phạm vi mà Quốc hội giao cho Chính phủ quy định chi tiết và cũng đồng nghĩa với việc chưa có cơ sở pháp lý để quy định, như Sàn Giao dịch hàng hóa chưa có khái niệm này trong Luật Thương mại, hay Công ty kinh doanh hàng hóa thương mại. Dự thảo có nhiều khái niệm mới mà Luật Thương mại chưa có, thậm chí hai khái niệm chủ chốt có tính chìa khóa của dự thảo Nghị định là “mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa” và “Sở Giao dịch hàng hóa” đều khác với Luật Thương mại...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 41-2024 phát hành ngày 07/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Song Hà

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/hoan-thien-khung-phap-ly-hoat-dong-mua-ban-qua-so-giao-dich-hang-hoa.htm
Zalo