Hoàn thiện hệ thống PCCC nhà trọ - Không thể trì hoãn: Bài 1 - 'Cháy nhà... chết người'
LTS: Trước tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản, ngày 24/6/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 19 về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở và nhà cho thuê trọ). Chỉ thị yêu cầu người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình phải cam kết và có lộ trình thực hiện các giải pháp PCCC, hoàn thành trước ngày 30/3/2025. Liệu có thể làm nghiêm túc và đúng hạn quy định này hay không?
BẮC GIANG - “Cháy nhà, chết người” là câu cửa miệng để nói về mức độ nguy cấp, nguy hiểm khi xảy ra cháy. Thế nhưng những thói quen "chết người", các kiểu coi thường "bà hỏa" vẫn diễn ra ở các nhà trọ tại thị xã Việt Yên - trung tâm công nghiệp lớn nhất tỉnh.
Hạ tầng thiếu đồng bộ, thiết kế chắp vá
Thị xã Việt Yên là địa phương trọng điểm công nghiệp của tỉnh, là nơi nhiều doanh nghiệp (DN) lớn về công nghệ như: Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải, Công ty TNHH Luxshare - ICT… chọn đặt nhà máy sản xuất. Các nhà máy thu hút hàng trăm nghìn lao động trong cả nước đến làm việc. Số lao động tăng kéo theo loại hình kinh doanh nhà trọ cũng phát triển theo. Thống kê sơ bộ, thị xã hiện có hơn 3.400 nhà trọ với 62 nghìn phòng, tập trung nhiều nhất ở các phường, xã ven khu công nghiệp. Phần lớn các phòng trọ đều được xây khép kín, cao từ 2 đến 9 tầng nằm sâu trong những con ngõ nhỏ. Nhiều ngõ dài đến nửa km nhưng chỉ đủ cho 2 xe máy tránh nhau.
Các làng cổ thuần nông xưa kia như My Điền, Ninh Khánh (phường Nếnh), Núi Hiểu (phường Quang Châu)... nay trở thành các tuyến phố sầm uất với những dãy nhà trọ cao tầng san sát. Có mặt ở tổ dân phố My Điền 1, My Điền 2 vào đầu giờ sáng đi làm hay cuối giờ chiều lúc tan tầm, nhận thấy hai bên hàng quán đua ra mặt đường, công nhân mua bán tấp nập. Từng khảo sát tình hình giao thông phục vụ chữa cháy tại đây, một cán bộ Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) Đình Trám (Công an tỉnh) e ngại, nếu xảy ra cháy trong những ngõ ngách này thì xe cứu hỏa khó mà tiếp cận vào “thời điểm vàng” (3 phút đầu tiên). Để chữa cháy, lực lượng chức năng phải tổ chức phương án kéo ống nước từ nơi khác đến, song “nước xa đâu thể cứu được lửa gần”.
Đại úy Nguyễn Đắc Tú, Phó trưởng Công an phường Nếnh thông tin, phường có khoảng 1.300 nhà trọ với 19.500 phòng, 24 nghìn người tạm trú, lưu trú, chiếm gần 30% số nhà trọ của toàn thị xã. Mới đây, đoàn kiểm tra của thị xã đã yêu cầu 321 nhà trọ (hầu hết từ 3 tầng trở lên) phải tạm dừng hoạt động do không bảo đảm điều kiện an toàn PCCC.
Đến tổ dân phố My Điền 2 thấy san sát nhà trọ cao tầng xây hết diện tích đất. Gia đình chị Vũ Thị L có khu nhà 8 tầng, mỗi tầng có 5 phòng luôn kín người thuê. Phòng trọ được bố trí từ tầng 1 đến tầng 8, các tầng đều được rào kín bằng khung cố định như “chuồng cọp”. Ở mỗi hành lang, chủ nhà đều mở một lối ra cầu thang thoát hiểm từ tầng trên xuống tầng dưới. Hầu hết công nhân thuê trọ đều biết đến sự hiện diện của chiếc cầu thang thoát hiểm này, song chỉ nhìn bằng mắt thường cũng thấy e ngại. Bởi cầu thang được lắp đặt bằng khung sắt mỏng manh, không được thiết kế theo dạng zích zắc, bậc thang chưa đủ 25 cm như quy định. Thêm vào đó, độ dốc của thang lại quá 45 độ, có đoạn hơn 70 độ.
Nhà trọ của ông Trần Thế Q ở tổ dân phố My Điền 1 cũng mới lắp đặt thêm thang thoát nạn ngoài nhà. Tuy nhiên, chiếc cầu thang này dường như đang “đánh đố” những người thuê trọ và vô tình thành cái bẫy rủi ro khi sự cố xảy ra. Ông Q than thở: “Khi khẩn cấp cũng có thể thoát nạn, song để bảo đảm an toàn thì cũng chưa thể khẳng định được”.
Nhiều nhà trọ ở các phường, xã khác cũng đã bố trí thang thoát hiểm khẩn cấp ngoài trời nhưng ở dạng thẳng đứng từ trên xuống, nhìn qua đã thấy chóng mặt chứ chưa nói đến khi cháy sẽ mất bình tĩnh, hoảng hốt. Trong khi đó, theo quy định của Bộ Xây dựng, thang thoát hiểm khẩn cấp ngoài nhà phải được thiết kế theo dạng zích zắc, có bậc thang, chiếu nghỉ diện tích 0,9 m2; bậc thang phải rộng 25 cm, cao không quá 22 cm, dốc không quá 45 độ, lan can cần có tay vịn đủ 1,2 m.
Những nguy hiểm, bất cập đến từ việc hầu hết các nhà trọ đều được chuyển đổi từ loại hình nhà ở hoặc xây dựng vừa để ở kết hợp với thuê trọ, không có thiết kế hoặc thiết kế dạng chắp vá nên không bảo đảm về khoảng cách an toàn, không có hoặc có nhưng không đầy đủ hệ thống PCCC; lối thoát, đường thoát không đúng tiêu chuẩn theo quy định mới. Trung tá Nguyễn Văn Chính, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an thị xã Việt Yên) cho biết: “Đầu tháng 6/2024, qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã chỉ ra 418 nhà trọ cao từ 5 tầng trở lên chưa đủ điều kiện PCCC với các lỗi như: Chưa có hệ thống báo cháy tự động; chưa bổ sung thang thoát nạn ngoài hè; chưa tách biệt khu vực để xe và đường, lối thoát nạn bằng cửa ngăn cháy hoặc tường ngăn cháy; chưa lập hồ sơ quản lý nhà trọ...”.
Đến những thói quen “chết người”
Hàng trăm nghìn công nhân xa quê đổ về các DN tại thị xã Việt Yên để làm việc. Người gần ở các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, xa thì ở các tỉnh Hà Giang, Yên Bái hoặc Nghệ An, Hà Tĩnh, thậm chí có cả công nhân ở các tỉnh phía Nam. Do số nhà ở xã hội trên địa bàn chưa đáp ứng đủ nhu cầu và cũng để tiết kiệm chi phí nên hầu hết công nhân lựa chọn các nhà trọ giá bình dân để thuê. Đáng chú ý là toàn bộ đồ dùng như bếp ga mi ni, bếp điện, các thiết bị điện và những đồ dễ cháy như chăn, ga, đệm đều tồn tại trong căn phòng trọ có diện tích chỉ hơn chục m2 này.
Mặc dù biết nhiều nhà trọ, phòng trọ chưa bảo đảm an toàn về PCCC và thoát nạn, song vì giá cả hợp lý so với thu nhập nên nhiều công nhân cũng đành chấp nhận thuê ở. Khu nhà trọ tại phường Quang Châu mà anh Lầu Văn C. quê tỉnh Thái Nguyên thuê có 70 phòng, hơn 100 người thuê, mỗi phòng chỉ rộng khoảng chục m2. Hằng tháng, anh C phải bỏ ra 1 triệu đồng, tức là bằng 15% mức thu nhập để chi phí cho việc thuê trọ. Ở đây, lối vào chỉ có một con đường đủ để hai xe máy tránh nhau mà thôi. Anh C cho biết, năm nay anh đã chuyển phòng trọ đến lần thứ 3 song muốn tìm được phòng trọ an toàn thì giá lại cao.
6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc xảy ra 2.347 vụ cháy, làm chết 57 người, bị thương 45 người, làm thiệt hại tài sản trị giá 128 tỷ đồng. Riêng tỉnh Bắc Giang đã xảy ra 12 vụ cháy, làm tử vong 13 người, bị thương 4 người, trong đó có cả trẻ em.
“Tôi là công nhân xa quê, kinh tế còn eo hẹp, không đủ khả năng để thuê nhà to nằm ở mặt đường lớn. Tôi và bạn chung tiền thuê phòng để san sẻ chi phí, tuy nhỏ song có giường ngủ, có vệ sinh khép kín” - anh C nói. Dù vẫn nơm nớp nỗi lo cháy nổ song những công nhân xa quê như chị Lường Thị D ở tỉnh Nghệ An vẫn không có lựa chọn nào khác. Nhà trọ mà chị D thuê ở phường Tăng Tiến không có lối thoát nạn thứ hai, chủ nhà cũng chưa tách biệt khu vực để xe và đường, lối thoát nạn bằng cửa ngăn cháy hoặc tường ngăn cháy. Nguy cơ cháy nổ càng rõ khi mùa nắng nóng, không chỉ lắp điều hòa, chị D và bạn còn có thói quen sử dụng gas để đun nấu trong phòng. Chị nói: “Tôi có biết các vụ cháy nổ ở Hà Nội. Mặc dù rất sợ nhưng cũng chẳng biết làm thế nào. Không tự nấu ăn thì đói, ăn bên ngoài thì tốn kém lại mất vệ sinh”.
Những thói quen như: Sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị điện có công suất lớn; sạc điện thoại, máy tính, xe đạp điện, xe máy điện qua đêm; thắp hương và hút thuốc lá trong phòng trọ… là những nguy cơ xảy ra cháy nổ cao. Chỉ nửa đầu năm 2024, toàn quốc xảy ra 2.347 vụ cháy, làm chết 57 người, bị thương 45 người, làm thiệt hại tài sản trị giá 128 tỷ đồng. Riêng tỉnh Bắc Giang đã xảy ra 12 vụ cháy, làm tử vong 13 người, bị thương 4 người, trong đó có cả nạn nhân là trẻ em.