Hoàn thiện hành lang pháp lý để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới
Chiều 7.11, tiếp tục Kỳ họp thứ Tám, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Quy định về điện hạt nhân cần đầy đủ, chặt chẽ và đồng bộ
Các ĐBQH nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với xu hướng phát triển chung. Theo ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh), việc sửa đổi Luật Điện lực cần đồng thời đáp ứng cả hai mục tiêu, trong đó, mục tiêu trước mắt là bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và mục tiêu lâu dài là thực hiện đầy đủ cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Để bảo đảm phát triển an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, các ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Hoàng Đức Chính (Hòa Bình), Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) đề nghị, cần nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện quy định pháp luật về điện hạt nhân đầy đủ, chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị xác định lộ trình phát triển điện hạt nhân cụ thể, tránh làm lãng phí nguồn lực nhà nước đã đầu tư, nguồn lực đất đai tại hai vị trí mà năm 2009 Quốc hội đã có Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, 2.
Việc quy định về điện hạt nhân tại dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng (khoảng 10% mỗi năm) và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Các dự án điện hạt nhân đảm bảo cung cấp năng lượng sạch, dài hạn, ổn định cho sản xuất nhất là đối với các ngành sản xuất công nghệ cao, đòi hỏi nguồn điện ổn định.
Do đó, để hoàn thiện nội dung về điện hạt nhân trong dự thảo Luật, đưa điện hạt nhân phát triển bền vững, đại biểu Hoàng Đức Chính đề nghị, Ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu xây dựng các điều khoản rõ ràng về đầu tư, quản lý và vận hành nhà máy điện hạt nhân, tạo cơ sở pháp lý để phát triển điện hạt nhân trong thời gian tới. Đồng thời, bổ sung điều khoản về việc quản lý chất thải phóng xạ và các biện pháp đảm bảo an toàn cho cộng đồng và môi trường khi thực hiện các dự án điện hạt nhân. “Điều này nhằm tránh những lo ngại của người dân, tăng sự đồng thuận trong xã hội”.
Cùng với đó, cần nghiên cứu bổ sung quy định cho phép sử dụng các nguồn tài chính đa dạng, bao gồm tài trợ quốc tế và vốn vay ưu đãi để giảm gánh nặng tài chính khi phát triển điện hạt nhân; các điều khoản về khuyến khích đào tạo, phát triển nhân lực và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân.
“Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cùng các biện pháp quản lý rủi ro chặt chẽ, tin rằng điện hạt nhân có thể trở thành một nguồn năng lượng quan trọng giúp Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai”, đại biểu Hoàng Đức Chính nhấn mạnh.
Chiều cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã thông qua việc điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV, với 423/ 425 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, đạt tỷ lệ 88.31% tổng số ĐBQH tán thành.
Theo đó, Quốc hội quyết nghị: bổ sung trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về việc thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất (dự kiến trình bày Tờ trình, thảo luận Tổ vào sáng ngày 13.11.2024; thảo luận Hội trường vào sáng ngày 21.11.2024; biểu quyết thông qua vào ngày 30.11.2024).
Điều chỉnh thời điểm Quốc hội nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa sang phiên họp ngày 13.11.2024. Bổ sung việc trình chiếu video clip về Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để cung cấp thêm thông tin phục vụ Quốc hội thảo luận về nội dung này.
Nhà nước chỉ nên độc quyền vận hành lưới điện truyền tải cao áp và siêu cao áp
Quan tâm đến phát triển điện tự sản xuất, tự tiêu thụ từ nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới được quy định tại Điều 33 dự thảo Luật, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, khoản 1 Điều 33 đã quy định một số đối tượng được khuyến khích phát triển điện tự sản xuất, tự tiêu thụ từ nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới để cung cấp cho nhu cầu phụ tải của tổ chức, cá nhân. Đối với nội dung này, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung đối tượng là điện phục vụ hoạt động của các trường học và bệnh viện (bao gồm cả các bệnh viện và trường học tư nhân).
ĐBQH Siu Hương (Gia Lai) cũng nhận thấy, tại Điều 27 dự thảo Luật đã đưa ra quy định chung trong phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới. Trong đó, tại điểm d khoản 2 quy định “Phát triển tại các vùng, miền, địa phương có tiềm năng, lợi thế về năng lượng tái tạo, năng lượng mới; phù hợp với nhu cầu phụ tải; bảo đảm yêu cầu về môi trường và phù hợp với điều kiện xã hội khu vực phát triển”.
Đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo cần bỏ cụm từ “phù hợp với nhu cầu phụ tải” để tạo điều kiện phát triển cho các địa phương có tiềm năng, lợi thế về năng lượng tái tạo, năng lượng mới nhưng có nhu cầu phụ tải thấp.
Khoản 3 Điều 31 dự thảo Luật quy định về các chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời kết hợp với đầu tư hệ thống lưu trữ điện để hoạt động phát điện và sử dụng điện. ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) nhận thấy, dự thảo Luật hiện đã đề cập đến việc phát triển hệ thống lưu trữ điện, tuy nhiên cần cụ thể hóa hơn vai trò của các công nghệ lưu trữ năng lượng trong việc đảm bảo sự ổn định của hệ thống điện quốc gia trong bối cảnh năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió có tính gián đoạn thì các hệ thống lưu trữ như pin, hệ thống lưu trữ khí hydro sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng tái tạo.
Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định trong Chương III về cơ chế khuyến khích đầu tư vào hệ thống lưu trữ điện để kích thích phát triển thị trường mới này, bao gồm các cơ chế tài chính như giá mua điện ưu đãi đối với các dự án kết hợp năng lượng tái tạo với hệ thống lưu trữ cũng như các cơ chế tài trợ, hỗ trợ để khuyến khích phát triển công nghệ lưu trữ điện.
“Hydro và amoniac xanh - năng lượng của tương lai. Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) bước đầu đề cập đến các nguồn năng lượng mới này, đây là những nguồn năng lượng tiên tiến có khả năng giảm thiểu mạnh lượng phát thải và hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam”.
Nhấn mạnh yêu cầu này, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề nghị, cần cụ thể hóa hơn nữa các chính sách ưu đãi đối với các dự án phát triển hydro xanh và amoniac xanh, chẳng hạn như ưu đãi về thuế, trợ cấp tài chính, hoặc ưu đãi tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này; khuyến khích hợp tác quốc tế nhằm chuyển giao công nghệ và thu hút đầu tư từ các nước phát triển về năng lượng sạch như EU, Nhật Bản và Đức.
Tại điểm c, khoản 2 Điều 5 của dự thảo Luật quy định “nhà nước độc quyền vận hành lưới điện, truyền tải điện, trừ lưới điện truyền tải điện do tư nhân đầu tư xây dựng”. Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) cho rằng, quy định tại khoản 2 này mâu thuẫn với quy định tại khoản 5 trong Điều 5 quy định “Xóa bỏ mọi độc quyền rào cản bất hợp lý thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư khai thác sử dụng dịch vụ cơ sở vật chất của hệ thống truyền tải quốc gia trên cơ sở đảm bảo quốc phòng, an ninh. Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng công trình nguồn điện, lưới điện theo quy hoạch phát triển điện lực, hoạt động phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện, các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện do mình đầu tư xây dựng theo qui định của pháp luật”.
Lưới điện quốc gia hiện nay khoảng 95% do nhà nước đầu tư thì không thể xã hội hóa được theo khoản 5 Điều 5 của dự thảo Luật. Do đó, đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề nghị, sửa lại điểm c khoản 2 Điều 5 theo hướng quy định “Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện truyền tải cao áp và siêu cao áp’’.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị, rà soát sửa đổi quy định tại khoản 4, Điều 33 để bảo đảm sự hợp tác bình đẳng giữa tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp với điện lực. Theo đó, cần cân nhắc bỏ chữ “trách nhiệm” trong quy định tại điểm b khoản 4 Điều 33 là “tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thỏa thuận với đơn vị mua điện về tỷ lệ sản lượng điện dư và giá bán điện dư theo quy định của pháp luật. Tương tự, bỏ chữ “trách nhiệm” trong quy định tại điểm c, khoản 4 Điều 33 là “bên bán điện chịu trách nhiệm lắp đặt hệ thống đo đếm nếu Bên bán điện lựa chọn phát sản lượng điện dư”.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã giải trình, làm rõ về những nội dung tại dự thảo Luật được các ĐBQH quan tâm cho ý kiến.