Hoàn thiện hành lang pháp lý

Cùng với xu hướng chung của thế giới, kinh tế thể thao Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức phát triển mới.

Để tận dụng thời cơ, khai phá được “mỏ vàng”, đưa kinh tế thể thao cất cánh, một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu là hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực này.

Theo nhận định của các chuyên gia, khung pháp lý về kinh tế thể thao ở Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của lĩnh vực này.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Ngô Trang Hưng - Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh, hiện Việt Nam chưa có hệ thống pháp lý đồng bộ, chi tiết để điều chỉnh các hoạt động liên quan đến kinh tế thể thao như quản lý các sự kiện thể thao, tài trợ, quyền phát sóng và bản quyền thể thao.

Các quy định pháp lý liên quan đến thể thao chuyên nghiệp còn thiếu hoặc chưa rõ ràng, gây khó khăn cho thu hút đầu tư nước ngoài và quản lý tài chính trong các liên đoàn, câu lạc bộ thể thao.

Một trận đấu bóng diễn ra trên sân vận động Hàng Đẫy, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Một trận đấu bóng diễn ra trên sân vận động Hàng Đẫy, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Bên cạnh đó, chính sách xã hội hóa thể thao chưa thu hút mạnh đầu tư tư nhân do thiếu các ưu đãi và hỗ trợ phù hợp. Thực tế, các DN đầu tư vào thể thao mong muốn được hưởng những lợi ích tương xứng về thuế, quyền sử dụng đất và hỗ trợ cơ sở hạ tầng.

Dẫn chứng bài học từ Trung Quốc, PGS.TS Ngô Trang Hưng cho biết, khuôn khổ pháp lý về kinh tế thể thao của nước này đã được phát triển một cách bài bản và chặt chẽ, với các chính sách, quy định cụ thể nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành thể thao, cả về mặt kinh tế lẫn văn hóa và xã hội.

Trong đó, Luật Thể thao năm 1995 quy định cơ bản về quản lý các hoạt động thể thao, trách nhiệm của cơ quan quản lý, cũng như vai trò của các tổ chức xã hội và tư nhân trong phát triển thể thao.

Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các chính sách khuyến khích xã hội hóa và thị trường hóa thể thao, nhằm thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân cũng như quốc tế. Các chính sách này bao gồm hỗ trợ DN tham gia vào phát triển cơ sở hạ tầng thể thao, tổ chức sự kiện, sản xuất các sản phẩm liên quan đến thể thao.

Chính phủ Trung Quốc đã tạo ra nhiều ưu đãi cho các DN kinh doanh trong lĩnh vực thể thao, bao gồm giảm thuế và hỗ trợ tài chính; quy định rõ ràng về quyền phát sóng và quảng cáo trong thể thao, nhằm tạo điều kiện cho các thương hiệu tham gia, thúc đẩy nền kinh tế thể thao, hướng tới mục tiêu trở thành cường quốc thể thao số 1 toàn cầu vào năm 2035.

Từ thực tiễn đang tồn tại, TS Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế T.Ư cho rằng, thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục, thể thao theo hướng kinh doanh (hay thương mại hóa) thể thao.

Đồng thời, cần bổ sung các lĩnh vực hoạt động kinh doanh thể thao, thúc đẩy mọi hoạt động kinh doanh thể thao chuyên nghiệp, khuyến khích các hình thức liên doanh, liên kết, hợp tác giữa Nhà nước, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, DN, tổ chức, cá nhân trong phát triển kinh doanh thể thao.

Cùng với đó, củng cố quy định pháp lý và tăng cường quản lý nhằm ngăn chặn, xử lý mọi hành vi xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm truyền thông thể thao, đặc biệt trong môi trường số.

Thiện Quang

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hoan-thien-hanh-lang-phap-ly.html
Zalo