Hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho xây dựng và thi hành pháp luật

Ngày 13/5, Bộ Tư pháp đã họp, chỉnh lý dự án Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật (dự án Nghị quyết) theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 45 Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra chiều 10/5.

Trên cơ sở ý kiến kết luận, Bộ Tư pháp đã tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết theo các nhóm nội dung trọng tâm. Trong đó, về kết cấu và hướng xây dựng nội dung dự thảo Nghị quyết, Dự thảo được xây dựng theo hướng kết hợp quy định chung mang tính nguyên tắc với một số quy định cụ thể có thể thi hành ngay sau khi ban hành.

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh chủ trì cuộc họp chỉnh lý dự án Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh chủ trì cuộc họp chỉnh lý dự án Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Bộ đã bổ sung rõ nguyên tắc, nội dung chi, cơ chế, tiêu chí xác định đối tượng áp dụng cơ chế đặc biệt; phân công rõ trách nhiệm cơ quan hướng dẫn và triển khai, có tính đến khả năng điều chỉnh linh hoạt theo thực tiễn. Đồng thời, dự thảo đã bao quát đầy đủ các chủ thể trong hệ thống chính trị, gồm Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, Tòa án, Viện kiểm sát, Kiểm toán Nhà nước và chính quyền địa phương.

Về ngân sách chi cho công tác xây dựng pháp luật, Bộ đã tiếp thu ý kiến về việc quy định rõ khoản chi ngân sách nhà nước “không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách hằng năm” và làm rõ các nội dung chi cụ thể, tránh trùng lặp với các quy định hiện hành, bảo đảm sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, tập trung đúng mục đích.

Về mức, định mức khoán chi, Dự thảo được chỉnh lý theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết về định mức khoán chi, bảo đảm phân bổ phù hợp với trách nhiệm của các chủ thể trong quy trình xây dựng pháp luật; kèm theo cơ chế kiểm soát, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, phòng chống tiêu cực.

Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế Nguyễn Hồng Hải phát biểu tại cuộc họp.

Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế Nguyễn Hồng Hải phát biểu tại cuộc họp.

Về Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật, Dự thảo đã làm rõ nguyên tắc quản lý Quỹ tài chính ngoài ngân sách, không trùng lặp với nội dung chi từ ngân sách nhà nước; xác định rõ nhiệm vụ hỗ trợ, cơ chế điều chỉnh và biện pháp kiểm tra, giám sát, hậu kiểm chặt chẽ, phòng ngừa sai phạm.

Về chế độ, chính sách hỗ trợ nhân lực, Dự thảo đã bổ sung tiêu chí xác định đối tượng thụ hưởng; bảo đảm thống nhất giữa chính sách, nhiệm vụ, chủ thể, mức hỗ trợ và cơ chế rà soát, kiểm tra định kỳ. Đồng thời làm rõ nguyên tắc xử lý khi một cá nhân được hưởng nhiều chính sách để bảo đảm công bằng, minh bạch.

Về các chính sách xã hội và học tập kinh nghiệm quốc tế, theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ đã rà soát, và đưa ra khỏi dự thảo nội dung liên quan đến nhà ở xã hội, học tập kinh nghiệm nước ngoài, để thực hiện theo quy định hiện hành.

Về ứng dụng công nghệ số trong xây dựng pháp luật, Bộ đã tiếp thu đề xuất đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, tích hợp hệ thống thông tin, sử dụng công nghệ số, AI, trợ lý ảo... phục vụ chuyên môn hóa và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật…

Tại cuộc họp, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú, các đại biểu đã thống nhất chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung về mặt nội dung, kỹ thuật tại dự án Nghị quyết theo kết luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục hoàn thiện dự án Nghị quyết để kịp thời trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.

HG

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/hoan-thien-du-thao-nghi-quyet-ve-co-che-dac-thu-cho-xay-dung-va-thi-hanh-phap-luat-post548279.html
Zalo