Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam

Sáng nay (9/1), Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm 'Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam'.

Tọa đàm thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về việc đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật, trong đó: Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm”.

Dự và chủ trì Tọa đàm có TS. Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Đồng Chủ trì và điều hành Tọa đàm là TS. Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam (PLVN); TS. Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế; Ông Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế, Bộ Tư pháp.

Tọa đàm còn có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, chuyên gia luật pháp, đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam...

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu tại tọa đàm.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu tại tọa đàm.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đã nhắc nhớ chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó nhấn mạnh việc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng là tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện, bao trùm mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần phải liên tục được hoàn thiện để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, phát huy dân chủ, vì con người, công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Cụ thể, đối với công tác xây dựng pháp luật, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo: Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm"; việc xây dựng pháp luật phải phản ánh hơi thở thực tiễn, bám sát, giải quyết vấn đề thực tiễn; thể chế hóa kịp thời những chủ trương mới của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, Thủ tướng Chính phủ cũng đặc biệt quan tâm đến công tác hoàn thiện thể chế, trong đó đặt ra yêu cầu trong năm 2025 cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách, coi đây là "đột phá của đột phá"; tháo gỡ "điểm nghẽn của điểm nghẽn"; đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới."

"Thực hiện các yêu cầu, chỉ đạo nêu trên, Bộ Tư pháp đã tích cực rà soát, nghiên cứu, đề xuất các nội dung liên quan. Trong đó vấn đề về khuyến khích đổi mới, sáng tạo, huy động, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp cần thực hiện tốt Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nói.

Các đại biểu chủ trì tọa đàm.

Các đại biểu chủ trì tọa đàm.

Phát biểu tại tọa đàm, Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Nguyên Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, đã đưa ra những nhận định về khái niệm “doanh nghiệp dân tộc”; đồng thời đề nghị phải nghiên cứu những chính sách để phát triển doanh nghiệp dân tộc.

Chuyên gia Kinh tế PGS TS Đinh Trọng Thịnh đưa tới tọa đàm những ý kiến quý báu về các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp dân tộc. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định việc hỗ trợ không chỉ dành cho doanh nghiệp lớn, mà cần có biện pháp phù hợp để hỗ trợ cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Đem câu chuyện làm nước sạch của mình tới tọa đàm, doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty AQuaOne, rất mong có thể kiến nghị Chính phủ được tiếp cận tới nguồn vốn xanh, được vay với lãi suất ổn định.

Bà Liên cũng muốn ưu đãi về thuế để doanh nghiệp dân tộc được phát triển. Đồng thời, bày tỏ quan điểm về khái niệm doanh nghiệp dân tộc.

"Doanh nghiệp dân tộc không phải là xem xét đến quy mô lớn hay nhỏ. Yếu tố then chốt là doanh nghiệp đó phải đặt lợi ích của dân tộc, lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích của mình", doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên nói.

Hoàng An

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hoan-thien-chinh-sach-phap-luat-ve-doanh-nghiep-dan-toc-tai-viet-nam-post1708119.tpo
Zalo