Hoàn thiện các giải pháp phòng, chống sụt lún, sạt lở tại đồng bằng sông Cửu Long
Những năm qua, do tác động của biến đổi khí hậu, cộng với tình trạng khai thác tài nguyên thiên nhiên, nước ngầm quá mức, đã làm gia tăng tình trạng sụt lún đất, thiếu nước và xâm nhập mặn tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thực tế trên đang dần trở thành thách thức chính đe dọa đến môi trường và sự sống của người dân. Từ kết hợp phòng ngừa đến thích ứng được coi là 'chìa khóa' để xây dựng, phát triển bền vững toàn vùng.

Hiện trường vụ sạt lở đất khu vực bờ phía Tây hạ lưu cống Nhà Mát, tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: GIA MINH).
Tại cuộc họp hoàn thiện Đề án phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long mới đây, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đánh giá, trước đây, toàn vùng chủ yếu đối mặt với các hình thái thiên tai như lũ lụt, cho nên, giải pháp chủ yếu để bảo vệ tài sản và tính mạng người dân là xây dựng các tuyến dân cư, bờ bao và tôn nền vượt lũ để phòng chống.
Từ năm 2016 đến nay, các địa phương trong vùng vẫn cố gắng bố trí, ổn định cho hơn 22.300 hộ ở khu vực có nguy cơ cao về sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập lụt đến nơi an toàn, với tổng kinh phí 2.628 tỷ đồng.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, hình thái thiên tai đã có sự biến đổi rõ rệt, các hiện tượng sụt lún, hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng, gây những hậu quả tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và sự phát triển kinh tế-xã hội khu vực.

Hiện trường vụ sạt lở tại khu vực bờ sông Tiền đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: HƯƠNG NGÂN).
Chia sẻ với chúng tôi, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận cho biết, để bảo đảm tính mạng người dân trong vùng, từ năm 2001 đến 2018, các địa phương như An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ... đã thực hiện gần 1.000 dự án; trong đó, gồm 857 cụm, tuyến dân cư và 119 bờ bao dân cư, với tổng kinh phí hơn 9.000 tỷ đồng, bảo đảm cho một triệu dân vùng ngập lũ sống an toàn, ổn định.
Riêng An Giang xây dựng 244 cụm, tuyến dân cư, tổng kinh phí 2.384 tỷ đồng. Tuy nhiên, giai đoạn 2018-2025, do hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn về kinh phí nên chưa xây dựng thêm được cụm, tuyến dân cư nào.
Mặc dù vậy, từ năm 2016 đến nay, các địa phương trong vùng vẫn cố gắng bố trí, ổn định cho hơn 22.300 hộ ở khu vực có nguy cơ cao về sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập lụt đến nơi an toàn, với tổng kinh phí 2.628 tỷ đồng. Hiện vẫn còn 17.833 hộ dân cần phải di dời đến nơi an toàn để phòng, chống ngập úng, sạt lở bờ sông, bờ biển. Tuy nhiên, các hộ này vẫn chưa bố trí được kinh phí để xây dựng cụm, tuyến dân cư, cơ sở hạ tầng.
Sụt lún, sạt lở, ngập úng tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long không chỉ đe dọa tính mạng người dân mà còn gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp, an ninh nguồn nước. Các giải pháp trước đây giờ không còn phù hợp với tình hình thiên tai ngày càng diễn biến bất thường, khó lường. Để chủ động phòng, chống thiên tai, không thể chỉ dừng lại ở những biện pháp đơn lẻ mà cần một chiến lược tổng thể và dài hạn, kết hợp giữa phòng ngừa và thích ứng.
Để bảo đảm tính mạng người dân trong vùng, từ năm 2001 đến 2018, các địa phương như An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ,... đã thực hiện gần 1.000 dự án; trong đó, gồm 857 cụm, tuyến dân cư và 119 bờ bao dân cư, với tổng kinh phí hơn 9.000 tỷ đồng, bảo đảm cho một triệu dân vùng ngập lũ sống an toàn, ổn định.
Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận
Đặc biệt, thời gian tới cần xây dựng các công trình có tính tổng thể, kết hợp đa mục tiêu. Trước mắt, cần xây dựng, củng cố, nâng cấp các công trình chuyển nước, cấp nước phòng, chống hạn, kiểm soát ngập úng kết hợp phòng, chống xâm nhập mặn, sụt lún, sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Xây dựng, củng cố, nâng cấp công trình kiểm soát mặn, ngập úng do triều cường kết hợp phòng, chống hạn hán, sụt lún bờ kênh, rạch.
Xây dựng các công trình phục vụ phòng, chống sạt lở kết hợp phòng, chống sụt lún… Đặc biệt cần xây dựng các giải pháp công trình và phi công trình, bao gồm cả việc nâng cao nhận thức cộng đồng và ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác phòng, chống thiên tai.
Phòng, chống sụt lún, sạt lở đất tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là một chiến lược không chỉ mang tính cấp bách mà còn là yếu tố then chốt giúp các địa phương nơi đây phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra khó lường. Chính vì vậy, việc xây dựng, củng cố, nâng cấp công trình phòng, chống cần theo từng loại hình.
Đặc biệt chú trọng đến xây dựng công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển bảo vệ các khu dân cư tập trung, cơ sở hạ tầng quan trọng, khu du lịch, nghỉ dưỡng không thể di dời trên các tuyến sông chính, kênh, rạch ở đô thị và bảo vệ rừng ngập mặn ven biển… Để làm được điều đó, cần chú trọng việc huy động nguồn lực từ cả ngân sách Nhà nước, các tổ chức ngoài nhà nước và cộng đồng.
Các công trình phòng chống thiên tai đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, do đó, phân bổ hợp lý nguồn lực sẽ quyết định hiệu quả của các giải pháp. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần đánh giá tác động của các giải pháp phòng, chống sụt lún, sạt lở đất đối với sự phát triển kinh tế-xã hội và an ninh trong khu vực, từ đó có những điều chỉnh phù hợp để bảo vệ một cách tối đa cuộc sống và tài sản của người dân.