Hoàn thiện các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản
Các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới sẽ sớm sẽ sớm được các bộ, ban, ngành hoàn thiện, trình Chính phủ trước ngày 25.5.2025

Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An, Ninh Bình. Ảnh: Xuân Lâm
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 4151/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính về việc hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa dưới nước, di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể và chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể.
Theo đó, văn bản nêu rõ ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính về việc Bộ Tư pháp hoàn thiện lại Báo cáo thẩm định dự thảo Nghị định, trong đó, thể hiện rõ ý kiến của các Bộ (Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Tài chính, Nội vụ) theo đúng quy định của Chính phủ; khẳng định rõ dự thảo Nghị định đủ hoặc chưa đủ điều kiện trình Chính phủ; gửi Bộ VHTTDL trước ngày 20.5.2025.
Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị VHTTDL chủ trì, phối hợp các Bộ, cơ quan liên quan chủ động tổ chức rà soát, đánh giá đầy đủ tác động của các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật và pháp luật về kiểm soát thủ tục hành chính; bảo đảm yêu cầu về cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 26.3.2025 của Chính phủ và chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ về việc trình dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Việc rà soát, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến tại Báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp, trong đó nêu rõ những nội dung tiếp thu, thống nhất và báo cáo cụ thể về những nội dung giải trình, bảo lưu ý kiến; lưu ý bảo đảm các nội dung quy định đúng thẩm quyền, đúng phạm vi và không bỏ sót các nội dung Luật Di sản văn hóa đã giao Chính phủ quy định chi tiết; hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định, trình Chính phủ trước ngày 25.5.2025.
Bên cạnh đó, các Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ VHTTDL và Bộ Tư pháp theo đúng quy định của Chính phủ và trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.
*Được biết, Bộ VHTTDL đang hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam, với mục tiêu rõ ràng là bảo tồn đi đôi với phát triển bền vững, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch và kinh tế.
Dự thảo gồm 4 chương, 22 điều, quy định cụ thể về các nguyên tắc quản lý, bảo vệ di sản, phân công trách nhiệm và các điều khoản thi hành. Một trong những điểm nhấn quan trọng của dự thảo là yêu cầu kế hoạch quản lý di sản phải được xây dựng trên nền tảng tích hợp và hài hòa với các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Điều 5 quy định nguyên tắc lập kế hoạch cần đảm bảo sự lồng ghép giữa bảo vệ di sản với các yêu cầu về phòng, chống thiên tai và phát triển bền vững, phản ánh quan điểm không tách rời giữa bảo tồn và phát triển.
Trong đánh giá tác động, việc xem xét mức độ đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững trên các phương diện môi trường, kinh tế, xã hội, văn hóa, hòa bình và an ninh được yêu cầu thực hiện đầy đủ, đảm bảo rằng mọi hoạt động liên quan đến di sản đều góp phần vào sự phát triển toàn diện và lâu dài.
Về mặt tài chính, dự thảo quy định rõ ràng các nguồn lực bảo vệ và quản lý di sản, bao gồm: Ngân sách nhà nước cấp hàng năm cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có di sản; viện trợ, tài trợ, hỗ trợ từ các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước; nguồn thu từ chính hoạt động khai thác di sản; và các nguồn tài chính hợp pháp khác. Đáng chú ý, ngân sách nhà nước không chỉ chi cho công tác bảo vệ mà còn hỗ trợ việc phát huy giá trị di sản.
Đồng thời, các tổ chức quản lý di sản được phép bán vé, thu phí và sử dụng nguồn thu theo quy định pháp luật, trong khi UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư và có thể chủ động thành lập quỹ bảo tồn di sản thế giới nhằm tăng cường khả năng huy động nguồn lực xã hội hóa.
Một nội dung quan trọng khác của dự thảo là đề cao vai trò của cộng đồng địa phương trong công tác bảo tồn và phát triển di sản. Tại các Điều 6, 11 và 15, dự thảo quy định rõ kế hoạch quản lý di sản phải có nội dung thể hiện sự tham gia của cộng đồng vào toàn bộ quá trình quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Quy chế bảo vệ di sản cũng cần xác định cụ thể quyền lợi, trách nhiệm và vai trò của cộng đồng cư dân sinh sống trong khu vực di sản, đồng thời yêu cầu các tổ chức quản lý di sản tăng cường phối hợp, tạo điều kiện để cộng đồng tham gia vào hoạt động bảo tồn và phát triển du lịch bền vững gắn với di sản.
Việc đưa cộng đồng vào vị trí trung tâm trong quản lý di sản thể hiện định hướng nhân văn và thực tiễn, nhằm bảo đảm sự đồng thuận và phát huy tri thức bản địa trong gìn giữ các giá trị văn hóa – thiên nhiên quý báu của đất nước.