Hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển-Ngọc Hồi
Sáng 21/11, các lực lượng chức năng của huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã hoàn thành giải phóng mặt bằng những hộ cuối cùng của dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển-Ngọc Hồi.
Đây là nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, bởi dự án đã kéo dài nhiều năm qua bởi các vướng mắc khác nhau.
Đáng nói trong đợt này, dù phải lên phương án cưỡng chế 88 hộ dân (trong tổng số 806 phương án của dự án), nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên chỉ còn hơn 10 phương án phải cưỡng chế.
Đến trưa 21/11, công tác này đã cơ bản hoàn tất, bảo đảm an toàn và các mục tiêu đề ra; bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư để hoàn thiện dự án.
Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển-Ngọc Hồi được Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2010 với tổng mức đầu tư gần 888 tỷ đồng.
Theo quy hoạch, phần đường cải tạo, nâng cấp có chiều dài 3,8km, qua địa bàn 4 xã Tứ Hiệp, Ngũ Hiệp, Ngọc Hồi và Liên Ninh của huyện Thanh Trì.
Mặt cắt ngang đường được mở rộng lên 50,39-56m, đáp ứng 8-10 làn xe.
Dự án hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nâng cao năng lực phục vụ của tuyến đường, góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng trọng điểm phía nam thành phố Hà Nội; đồng thời tạo đà phát triển để huyện Thanh Trì hoàn thành Đề án xây dựng huyện thành quận, các xã thành phường đến năm 2025.
Tuy nhiên, sau 14 năm triển khai, dự án vẫn vướng giải phóng mặt bằng do việc xác định nguồn gốc đất của bốn xã trên gặp nhiều khó khăn, việc quản lý hồ sơ địa chính đối với toàn bộ khu đất dọc đường Quốc lộ 1A các xã cập nhật không đầy đủ; nguồn gốc sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân phức tạp như đất được giao không đúng thẩm quyền (có giấy tờ và không có giấy tờ), đất lấn chiếm, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất qua nhiều chủ sử dụng...
Trong những năm qua, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội và huyện Thanh Trì đã nhiều lần đối thoại, tuyên truyền, vận động, nhưng vẫn còn một số hộ chưa đồng thuận.
Trước tình hình này, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng huyện do đồng chí Bí thư Huyện ủy trực tiếp làm Trưởng Ban, các Phó Bí thư Huyện ủy làm Phó Ban, nhằm giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng dự án này. Huyện còn thành lập hai Tổ tuyên truyền, vận động, cưỡng chế thu hồi đất do các đồng chí lãnh đạo làm tổ trưởng cùng sự tham gia của các ban, ngành đoàn thể.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nguyễn Xuân Phong cho biết, công tác giải phóng mặt bằng thực hiện trên tinh thần có lợi cho nhân dân, nhưng bảo đảm quyết liệt và hiệu quả.
Lãnh đạo huyện Thanh Trì cũng khẳng định, biện pháp hành chính (cưỡng chế) là biện pháp cuối cùng. Quan điểm của lãnh đạo huyện Thanh Trì là “làm tất cả để có lợi cho người dân” và đến nay đã đạt kết quả tốt.
Từ kinh nghiệm này, trong năm 2025, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì sẽ tập trung thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với hai dự án trọng điểm mang tính đột phá và là tuyến đường huyết mạch, xương sống của huyện, đó là Dự án xây dựng đường vành đai 3,5 đoạn từ Phúc La-Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ và Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường 70 đoạn Hà Đông-Văn Điển-nút giao Tứ Hiệp...
Đây sẽ là những động lực quan trọng để hiện đại hóa hạ tầng trên địa bàn, để cụ thể hóa mục tiêu thành quận trong thời gian tới.