Hoàn Kiếm (Hà Nội): Tôn tạo di tích đền Bà Kiệu là việc làm cấp thiết, đảm bảo kiến trúc cảnh quan

Theo nhận định của các chuyên gia, việc tôn tạo, tu bổ di tích đền Bà Kiệu của UBND quận Hoàn Kiếm nhằm bảo vệ di tích và phục hồi di sản, phát huy giá trị văn hóa lịch sử, quảng bá, phát triển tài nguyên du lịch là việc làm đúng đắn, đảm bảo kiến trúc cảnh quan. Đây là giá trị cốt lõi cần được giữ gìn và bảo vệ nghiêm ngặt.

Việc cải tạo chỉnh trang hệ thống hạ tầng xung quanh khu di tích đền Bà Kiệu nằm trong dự án do UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư.

Việc cải tạo chỉnh trang hệ thống hạ tầng xung quanh khu di tích đền Bà Kiệu nằm trong dự án do UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư.

Tạo hành lang pháp lý, bảo tồn giá trị văn hóa lịch sử

Di tích đền Bà Kiệu tọa lạc tại vị trí số 59 phố Đinh Tiên Hoàng, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội. Đây được coi là một trong những di tích đạo mẫu quý giá của Hà Nội.

Xưa kia, đền có tên tự là “Thiên Tiên điện” hay còn gọi là “Huyền Chân từ” (đền Huyền Chân), tên gọi dân gian là “đền Bà Kiệu”. Theo văn bia “Trùng tu Huyền Chân từ bi kí” dựng năm Tự Đức thứ 19 (năm 1866) thì đền nguyên ở thôn Tả Vọng, huyện Thọ Xương, được xây dựng từ đời vua Lê Trung Hưng, khoảng giữa niên hiệu Cảnh Trị (1663 – 1671) được mở rộng quy mô. Đền Bà Kiệu là nơi thờ Bà Chúa Liễu Hạnh và hai vị Tiên nữ Quỳnh Hoa và Quế Hoa.

Di tích đền Bà Kiệu được Bộ Văn Hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng, công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia tại Quyết định số 226/VH-QĐ ngày 05/02/1994. Hiện nay, cơ quan quản lý di tích đền Bà Kiệu là Ban Quản lý di tích thắng cảnh Hà Nội.

Thời gian qua, UBND quận Hoàn Kiếm đã thực hiện giải phóng mặt bằng, di chuyển các hộ dân, tổ chức ra khỏi khu vực xung quanh di tích đền Bà Kiệu, cải tạo hạ tầng kỹ thuật khu vực xung quanh di tích, nhằm bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị văn hóa di tích lịch sử.

Một góc khuôn viên đền Bà Kiệu.

Một góc khuôn viên đền Bà Kiệu.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng về tính cấp thiết của việc cải tạo, tu bổ hệ thống hạ tầng xung quanh Đền, TS. Nguyễn Doãn Văn, Giám đốc Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội cho biết: Di tích Quốc gia đền Bà Kiệu nằm trong quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013. Căn cứ các quy định, UBND Thành phố Hà Nội là chủ thể quản lý, Ban Quản lý di tích danh thắng (Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội) là đơn vị trực tiếp quản lý di tích.

Tuy nhiên, việc quản lý di tích Quốc gia đền Bà Kiệu còn một số tồn tại do lịch sử để lại (trước thời điểm UBND Thành phố ban hành Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 17/11/2016), gây ra tình trạng còn nhiều bất cập, phần nào chưa phù hợp với cảnh quan không gian, chưa xứng tầm với một di tích Quốc gia. Vì vậy, thực hiện nhiệm vụ của UBND Thành phố Hà Nội, ngày 09/9/2024, UBND quận Hoàn Kiếm đã tiến hành việc thu hồi đất của 01 tổ chức và 07 hộ dân tại 59 phố Đinh Tiên Hoàng, phường Lý Thái Tổ nằm trong mốc giới thu hồi đất để thực hiện dự án Giải phóng mặt bằng, cải tạo hạ tầng kỹ thuật khu vực xung quanh di tích đền Bà Kiệu.

Việc cải tạo chỉnh trang hệ thống hạ tầng xung quanh khu di tích đền Bà Kiệu nằm trong dự án do UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư, cho nên Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội phối hợp thực hiện nhằm đảm bảo tính hiệu quả. Việc cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh di tích Quốc gia đền Bà Kiệu sẽ tạo cảnh quan không gian cho di tích trong tổng thể tuyến phố đi bộ Hồ Gươm, đồng thời tạo hành lang pháp lý để bảo tồn và phát huy giá trị di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa và Luật Thủ đô.

“Chúng tôi tin rằng, đây là việc làm thiết thực, thể hiện cách ứng xử của người dân Thủ đô đối với di tích, di sản trọng tâm, trọng điểm đền Bà Kiệu”, TS. Nguyễn Doãn Văn khẳng định.

Cần phải được bảo vệ nguyên trạng

Luận bàn về tính cấp thiết của việc cải tạo, tu bổ hệ thống hạ tầng khu di tích, ThS. Phạm Đức Hân, Chuyên gia Bảo tồn di sản văn hóa cũng cho rằng: “Việc thực hiện dự án Giải phóng mặt bằng, cải tạo hạ tầng kỹ thuật khu vực xung quanh di tích đền Bà Kiệu là rất cần thiết, bởi đây thuộc khu vực I của di tích, theo quy định của Luật Di sản văn hóa cần được bảo vệ nguyên trạng.

“Việc tôn tạo, tu bổ di tích đền Bà Kiệu nhằm bảo vệ di tích và phục hồi di sản, phát huy giá trị văn hóa lịch sử, quảng bá, phát triển tài nguyên du lịch. Đây là việc làm đúng đắn nhằm đảm bảo tính thẩm mỹ của kiến trúc cảnh quan khu vực đền, và cũng là giá trị cốt lõi cần được gìn giữ và bảo vệ nguyên ngặt”, ThS. Phạm Đức Hân cho hay.

Chính quyền và lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm đã tiến hành thu hồi diện tích đất xung quanh khu vực đền Bà Kiệu.

Chính quyền và lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm đã tiến hành thu hồi diện tích đất xung quanh khu vực đền Bà Kiệu.

ThS. Phạm Đức Hân cũng cho rằng: Để đảm bảo sự tôn nghiêm khu di tích đền Bà Kiệu cũng như tạo cảnh quan khu vực Hồ Gươm, Đảng bộ và chính quyền quận Hoàn Kiếm cần quyết liệt hơn nữa trong việc giải phóng mặt bằng khu vực xung quanh di tích theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, với các khu vực khác xung quanh Hồ Gươm cũng cần đầu tư tu bổ, tôn tạo, chỉnh trang để tạo sự đồng bộ, tôn nghiêm góp phần tạo cảnh quan, phát huy giá trị văn hóa – lịch sử của các di tích.

Theo TS. Nguyễn Doãn Văn, Giám đốc Ban Quản lý di tích thắng cảnh Hà Nội, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là một khái niệm rộng, bao gồm nhiều nội hàm, được quy định trong Luật Di sản văn hóa.

“Nói rộng ra, thì bảo tồn có nghĩa là bảo vệ sự tồn tại, bảo vệ sự vững chãi của một di tích. Vì vậy, muốn phát huy giá trị một di tích, trước hết phải bảo tồn. Bảo tồn trên các mặt như hành lang pháp lý, bảo tồn kiểu thức sắc thái, bảo tồn sự tồn tại của di tích tại vị trí mà di tích hiện tồn trong suốt chiều dài lịch sử, tránh sự xâm lấn, xâm hại cũng như tác động ngoại cảnh từ bên ngoài”, TS. Nguyễn Doãn Văn nhấn mạnh.

Để giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa của di tích Quốc gia đền Bà Kiệu cũng như cụm di tích quanh Hồ Gươm, TS. Nguyễn Doãn Văn cho rằng, cần tăng cường công tác tuyên truyền về giá trị của di tích Quốc gia đền Bà Kiệu đến người dân, tổ dân phố, phường, quận và các cấp các ngành hiểu và đồng thuận trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích theo quy định của pháp luật.

Sau khi cải tạo chỉnh trang cần có quy hoạch tổng thể di tích Quốc gia đặc biệt di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, trong đó di tích đền Bà Kiệu là một thành tố, một trọng điểm trong quần thể không gian văn hóa Hồ Gươm.

Thực hiện việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích Quốc gia đền Bà Kiệu theo quy định của Luật Di sản văn hóa, các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và Thành phố Hà Nội.

Kim Thoa – Tiến Hào

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/hoan-kiem-ha-noi-ton-tao-di-tich-den-ba-kieu-la-viec-lam-cap-thiet-dam-bao-kien-truc-canh-quan-383859.html
Zalo