Hoài niệm Tết xưa tại làng cổ Đông Sơn, Thanh Hóa

Đến làng cổ Đông Sơn phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa những ngày này, du khách sẽ được đắm chìm, hoài niệm trong chuỗi sự kiện 'Tết xưa, làng cổ'. Không khí Tết cổ truyền, các phong tục đón Tết truyền thống đang được tái hiện sống động tại ngôi làng nghìn năm tuổi.

Từ ngày 18/1 đến 2/2 (tức từ ngày 19 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến hết ngày 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ), làng cổ Đông Sơn tưng bừng tổ chức chương trình “Tết xưa làng cổ”. Năm nay là lần thứ ba phường Hàm Rồng và TP. Thanh Hóa tổ chức chương trình ý nghĩa này.

Các hoạt động trong chương trình “Tết xưa làng cổ” tại Làng cổ Đông Sơn gồm: Trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm tại Chợ quê từ ngày 18/1-2/2; các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ vào các tối ngày 19/1; 21/1; 23/1; 25/1; 27/1; 30/1; 1/2; Hội thi: Nấu bánh chưng tổ chức 8h ngày 23/1; Các hoạt động trò chơi, trò diễn dân gian từ ngày 30/1-2/2; Hội thi chim từ 8h00’ ngày 2/2; Hoạt động “Ông đồ cho chữ ngày tết” và ca trù từ ngày 30/1/2025 đến 2/2.

Tiếp tục vun đắp, gìn giữ về ý nghĩa Tết cổ truyền

“Tết xưa làng cổ” là sự kiện văn hóa đặc sắc, mang đến cho du khách trong nước và quốc tế những trải nghiệm sống động về không khí Tết truyền thống của dân tộc Việt Nam, đồng thời quảng bá những giá trị văn hóa đặc trưng của làng cổ Đông Sơn như di chỉ văn hóa Đông Sơn, Động Tiên Sơn, giếng cổ 2.000 năm…

Cắt băng khai mạc chương trình “Tết xưa làng cổ”.

Cắt băng khai mạc chương trình “Tết xưa làng cổ”.

Chương trình cũng là dịp để nhân dân và du khách có cơ hội trải nghiệm không gian Tết cổ truyền, hiểu thêm về nét đẹp văn hóa Việt Nam.

Trong đó, nổi bật như phiên chợ tết xưa với những gian hàng được trang trí đẹp mắt, đậm sắc màu, giới thiệu các đặc sản địa phương như bánh cuốn, gạo quê, các loại rau sạch do người dân tự trồng... Hay không gian “Ông đồ cho chữ ngày Tết“, hát “Ca trù”, trò chơi “Chọi gà”.

Đến làng cổ Đông Sơn những ngày này, du khách có thể tham gia những trò chơi, trò diễn dân gian hấp dẫn mang đậm không khí tết cổ truyền như bịt mắt đập nồi, đi cà kheo, chọi gà, ném còn, cờ tướng, cờ người, giao lưu đá cầu, kéo co... Đồng thời, còn được tham quan các điểm di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn phường Hàm Rồng.

Ngoài ra, du khách cũng có thể check - in những hình ảnh ấn tượng với bức tường cổ kính, rêu phong, những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi, con đường được trang trí cây nêu và đèn lồng đẹp mắt và hoài niệm về một tết xưa ý nghĩa tại làng cổ Đông Sơn.

"Tết xưa làng cổ" là dịp để quảng bá lịch sử, văn hóa, du lịch của phường Hàm Rồng tới du khách trong nước và quốc tế, giáo dục cho các thế hệ mai sau về phong tục Tết cổ truyền của ông cha ta từ ngàn xưa để lại, từ đó, tăng thêm niềm tự hào và trách nhiệm giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của làng cổ Đông Sơn.

Giá trị văn hóa đặc trưng

Làng cổ Đông Sơn là một trong những làng cổ đẹp của Việt Nam. Làng nằm giữa những núi đồi hùng vĩ, hướng mình ra dòng sông Mã với cây cầu Hàm Rồng anh hùng.

Đến nay, làng cổ Đông Sơn vẫn gìn giữ được những giá trị văn hóa với đặc trưng của làng quê vùng Bắc Trung Bộ. Ngôi làng có diện tích khoảng gần 4km2 và hiện tại có khoảng 330 hộ dân với hơn 1.000 cư dân.

Điểm nổi bật, mang đậm bản sắc của làng cổ Đông Sơn chính là hệ thống những con ngõ mang tên Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng. Các con ngõ này không chỉ đơn giản là những con đường dẫn vào các ngôi nhà, mà còn thể hiện một phần quan trọng trong văn hóa và giá trị truyền thống của cộng đồng nơi đây.

Những con ngõ với tên gọi đặc biệt như: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng. (Nguồn: Du lịch Thanh Hóa)

Những con ngõ với tên gọi đặc biệt như: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng. (Nguồn: Du lịch Thanh Hóa)

Ngõ Nhân là biểu tượng của lòng nhân ái, sự yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau. Trong ngõ Nhân, người dân làng cổ Đông Sơn coi trọng tình làng nghĩa xóm, luôn giúp đỡ và sẻ chia khi cần thiết.

Ngõ Nghĩa thể hiện tấm lòng thủy chung, biết ơn và trân trọng những giá trị truyền thống, lịch sử của dân tộc. Đây cũng là con ngõ của lòng trung nghĩa, nơi mọi người sống với nhau bằng sự chân thành và trung thực.

Ngõ Trí là con ngõ của tri thức và sự học hỏi, phản ánh truyền thống trọng học của người dân làng. Trong ngõ Trí, những câu chuyện xưa được truyền lại, và sự tôn vinh những người trí thức, những người có công trong việc xây dựng và phát triển làng xã luôn được đặc biệt coi trọng.

Ngõ Dũng mang đậm tinh thần của những người anh hùng, người dũng cảm đối mặt với thử thách. Đây là ngõ của sự kiên cường, bền bỉ và sức mạnh, thể hiện lòng dũng cảm, sức chịu đựng và tinh thần vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

 Làng cổ Đông Sơn vẫn gìn giữ được những giá trị văn hóa với đặc trưng của làng quê vùng Bắc Trung Bộ. (Ảnh: Ngọc Minh)

Làng cổ Đông Sơn vẫn gìn giữ được những giá trị văn hóa với đặc trưng của làng quê vùng Bắc Trung Bộ. (Ảnh: Ngọc Minh)

Các con ngõ này không chỉ phản ánh đạo đức và những phẩm chất tốt đẹp của cộng đồng mà còn góp phần tạo nên một bức tranh văn hóa, giáo dục sâu sắc trong từng ngóc ngách của làng cổ Đông Sơn.

Bên cạnh đó, không gian văn hóa đậm chất truyền thống của làng cổ Đông Sơn còn hội đủ 5 yếu tố về khảo cổ, lịch sử văn hóa, danh thắng, cách mạng và kiến trúc. Nơi đây còn có nhiều di tích văn hóa, lịch sử lâu đời có giá trị đại diện cho giai đoạn lịch sử văn minh Đông Sơn.

Xuân Hùng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoai-niem-tet-xua-tai-lang-co-dong-son-thanh-hoa-301849.html
Zalo