Hoa Tiến - Di sản Văn hóa làng Thái cổ ở Nghệ An

Dọc theo dòng sông Hiếu êm đềm quanh năm, hành trình xuôi ngược miền Tây xứ Nghệ đưa chúng tôi đến với vùng đất Hoa Tiến, xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) - nơi được mệnh danh là cái nôi văn hóa của người Thái cổ. Mảnh đất này vẫn lưu giữ nguyên vẹn những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Thái, thể hiện qua những ngôi nhà sàn vững chãi, hương men nồng nàn của ché rượu cần và đặc biệt là nghề dệt thổ cẩm truyền thống - một làng nghề lâu đời đã trở thành điểm đến quen thuộc của bao du khách gần xa.

Một trong gần 300 ngôi nhà sàn ở bản Thái cổ Hoa Tiến

Một trong gần 300 ngôi nhà sàn ở bản Thái cổ Hoa Tiến

Gìn giữ hàng trăm nếp nhà sàn

Khởi hành từ thành phố Vinh, men theo Quốc lộ 48 hơn 150km, chúng tôi băng qua cánh đồng Tả Chum rộng lớn. Con đường bê tông thẳng tắp, thoáng đãng đưa chúng tôi đến một vùng đất như tách biệt với hiện tại - bản Hoa Tiến. Ở đó, hàng trăm ngôi nhà sàn gỗ cổ kính của đồng bào Thái mọc san sát, tạo nên một khung cảnh đậm chất văn hóa truyền thống, như đưa người lữ khách trở về miền ký ức xưa. Đón chúng tôi bằng nụ cười chân tình, ông Sầm Văn Duẩn - Trưởng bản - chia sẻ đầy tự hào: “Giữ được hồn cốt văn hóa cha ông đến tận bây giờ là điều khiến chúng tôi vô cùng trân quý. Từ khi tôi còn nhỏ, bản làng đã mang dáng vẻ như thế. Không ai bảo ai, thế hệ sau cứ thế mà tiếp nối, tự ý thức gìn giữ bản sắc dân tộc. Những ngôi nhà sàn cổ chính là biểu tượng đặc trưng nhất - một dấu ấn văn hóa mà hiếm nơi nào còn lưu giữ được vẹn nguyên như bản Hoa Tiến.”

Khi hay tin chúng tôi vượt đường xa đến tìm hiểu về văn hóa bản địa, ông trưởng bản không để khách nghỉ ngơi lâu mà liền tiếp tục câu chuyện một cách hào hứng và liền mạch. Ông bảo rằng, chẳng ai rõ ngôi làng này hình thành từ bao giờ, ngay cả các cụ cao niên cũng không nhớ nổi cội nguồn cụ thể. Chỉ biết rằng, từ khi họ lớn lên, làng đã hiện diện như thế, và đến nay, dù thời gian trôi qua, mọi thứ cũng chỉ thay đổi rất ít. Ông kể, ngày xưa ông cha vẫn thường nhắc rằng tuy cuộc sống còn nghèo khó, nhưng tinh thần đoàn kết trong bản thì luôn bền chặt. Mỗi khi có gia đình cần dựng nhà, bà con trong bản, cả họ hàng lẫn láng giềng, lại cùng nhau vào rừng chặt gỗ, kéo về, rồi chung sức dựng nhà trong cả tháng trời. Ngôi nhà sàn lớn, kiên cố cứ thế mà hình thành nhờ công sức của cả cộng đồng. Theo ông, nhà sàn ngày trước được dựng để tránh thú rừng, tránh rắn rết bò vào. Dần dần, kiểu nhà này trở thành thói quen và ngày nay đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của người Thái ở vùng Tây Nghệ An.

Nhà sàn của người Thái đòi hỏi một lượng gỗ lớn, đặc biệt là những thân cây to, chắc và có chất lượng tốt nhất thường được chọn làm cột chính. Các cột này không chỉ cần vững chãi mà còn được chôn sâu xuống lòng đất để đảm bảo khả năng chống chịu trước điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhất là những trận lốc xoáy dữ dội vào mùa mưa. Điểm đặc trưng nổi bật giúp nhận diện nhà sàn truyền thống so với nhà sàn hiện đại chính là ở kết cấu cột được chôn sâu dưới đất.

“Ngôi nhà của gia đình tôi được dựng từ năm 1984, toàn bộ đều bằng gỗ táu quý do ông nội tôi để lại từ nhiều thập kỷ trước. Dù đã hơn 35 năm trôi qua, nhưng nhờ tuân thủ hoàn toàn theo kiến trúc cổ truyền, ngôi nhà vẫn giữ được sự kiên cố như thuở ban đầu” - ông Lữ Văn Thân, chủ sở hữu một trong những ngôi nhà sàn cổ ở bản Hoa Tiến, chia sẻ.

Những người phụ nữ Thái may hàng thổ cẩm

Những người phụ nữ Thái may hàng thổ cẩm

Sức hút từ thổ cẩm

Hoa Tiến - miền quê mang đậm dấu ấn văn hóa vùng cao, nơi những mái nhà sàn cổ kính nối tiếp nhau tạo thành một quần thể kiến trúc truyền thống độc đáo. Vùng đất này nổi bật với hương vị nồng nàn của ché rượu cần và hình ảnh những thiếu nữ Thái duyên dáng uyển chuyển trong điệu xòe, lăm vông đặc trưng. Hoa Tiến còn được biết đến là cái nôi của nghề dệt thổ cẩm trứ danh, nơi sắc màu thiên nhiên - xanh của cây rừng, hồng đỏ của hoa dại, vàng rực của nắng - hiện hữu sinh động trên từng thớ vải. Ẩn trong từng đường kim, mũi chỉ là tình yêu nghề bền bỉ và tâm hồn tinh tế của người phụ nữ Thái miền Tây xứ Nghệ - những nghệ nhân lặng thầm gìn giữ và thổi hồn vào từng tấm thổ cẩm truyền thống.

Từ bao đời nay, nghề dệt thổ cẩm đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Thái ở Quỳ Châu (Nghệ An). Theo bà Sầm Thị Bích - thành viên Hợp tác xã dệt thổ cẩm Hoa Tiến - xưa kia, thổ cẩm được làm chủ yếu để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày và làm sính lễ cho con gái khi về nhà chồng. Trong truyền thống, mỗi cô gái Thái đều phải biết dệt vải, thêu thùa, tự tay làm váy áo, chăn đệm, khăn Piêu - những vật dụng gắn bó chặt chẽ với đời sống vật chất và tinh thần của người phụ nữ Thái.

Ngay từ khi mới lên bảy, lên tám, các bé gái đã bắt đầu làm quen với sợi chỉ, con thoi; đến tuổi mười hai, mười ba thì bắt đầu học thêu. Dù bận rộn với việc nương rẫy, nhưng mỗi khi rảnh rỗi, họ lại say sưa ngồi bên khung cửi - nơi những họa tiết truyền thống và sắc màu rực rỡ dần hiện lên qua từng đường dệt tỉ mỉ. Có lẽ chính tình yêu với lao động và quê hương đã hun đúc nên nét tinh tế trong từng tấm vải.

Từ những khung cửi giản dị làm bằng tre, nứa, người phụ nữ Thái đã tạo nên những sản phẩm thổ cẩm mang đậm bản sắc dân tộc. Mỗi tấm vải là kết quả của sự khéo léo và cảm nhận tinh nhạy - bởi chúng được dệt hoàn toàn bằng tay, đòi hỏi sự điều chỉnh linh hoạt về độ chặt, độ mềm, sao cho sản phẩm vừa bền chắc, vừa mềm mại, sinh động.

Những tấm thổ cẩm của người Thái không chỉ là sản phẩm thủ công, mà còn là tấm gương phản chiếu tâm hồn và dấu ấn cuộc đời của người dệt nên chúng. Mỗi hoa văn, mỗi gam màu đều mang trong mình một câu chuyện. Với những thiếu nữ Thái đang ở độ tuổi xuân thì, tình yêu như thổn thức trên từng sợi chỉ, rực rỡ và tươi tắn qua những gam màu sáng, tỏa ra nguồn năng lượng của niềm tin và khát vọng. Ngược lại, phụ nữ lớn tuổi lại gửi gắm vào tấm vải những sắc màu trầm lặng hơn, với những đường nét chắc khỏe, sâu đậm như những trải nghiệm đã hun đúc nên chiều sâu tâm hồn họ.

Gian hàng trưng bày sản phẩm thổ cẩm của HTX dệt thổ cẩm Hoa Tiến

Gian hàng trưng bày sản phẩm thổ cẩm của HTX dệt thổ cẩm Hoa Tiến

Chị Lô Thị Nga - đại diện Hợp tác xã dệt thổ cẩm Hoa Tiến - chia sẻ rằng, thổ cẩm không chỉ là nghề mà còn là di sản văn hóa sống động của người Thái nơi đây. Hơn một thập kỷ miệt mài gìn giữ và phát triển nghề truyền thống, HTX Hoa Tiến đã được công nhận là "Làng có nghề" vào năm 2007 và hai năm sau đó là "Làng nghề dệt thổ cẩm" cấp tỉnh. Đến nay, hợp tác xã đã thu hút 150 xã viên cùng hơn 50 hộ dân gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm - những mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị dệt thổ cẩm. Không chỉ gìn giữ văn hóa truyền thống, nghề dệt nơi đây còn mang lại nguồn thu nhập ổn định, góp phần đáng kể trong công cuộc xóa đói giảm nghèo cho bản làng.

Hàng dệt thổ cẩm của người Thái ở Hoa Tiến, với những họa tiết hoa văn tinh tế và đa dạng, đã nhanh chóng thu hút sự yêu mến của không chỉ khách hàng trong nước mà còn cả quốc tế. Các sản phẩm như khăn Piêu, được thiết kế trên nền tảng các mô tuýp truyền thống nhưng lại mang trong mình sự kết hợp hài hòa với những yếu tố hiện đại, hay những chiếc túi xách xinh xắn dệt từ chất liệu tơ tằm, đã có mặt ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, và thậm chí đã vươn ra thị trường quốc tế, xuất khẩu sang Nhật Bản và các quốc gia châu Âu như Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ, Ý.

Điều đặc biệt làm nên sức hấp dẫn của các sản phẩm dệt thổ cẩm Quỳ Châu chính là nghệ thuật nhuộm màu độc đáo, được chiết xuất từ các loại cỏ cây, hoa, lá của người Thái - một bí quyết mà không nơi nào có thể sao chép. Chính sự độc đáo này đã nâng tầm giá trị của những sản phẩm thổ cẩm Quỳ Châu, biến chúng thành những món đồ thời trang cao cấp. Bên cạnh đó, những bộ trang phục thổ cẩm còn tạo sức hút mạnh mẽ đối với du khách, với mong muốn được mặc thử những trang phục thổ cẩm của đồng bào người Thái, lưu giữ những kỷ niệm đẹp trong chuyến trải nghiệm du lịch cộng đồng tại bản Hoa Tiến.

Du khách trải nghiệm trang phục thổ cẩm của đồng bào Thái

Du khách trải nghiệm trang phục thổ cẩm của đồng bào Thái

Ông Sầm Văn Túc, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Tiến, chia sẻ: "Chúng tôi rất tự hào khi những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc vẫn được đồng bào duy trì và gìn giữ qua nhiều thế hệ. Chính quyền địa phương luôn chú trọng công tác tuyên truyền và vận động người dân tiếp tục bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa quý báu này."

Vùng đất Hoa Tiến, thuộc huyện Quỳ Châu, là một mảnh đất cổ nằm trong vành đai văn hóa Phủ Quỳ, nơi những người Việt cổ đã định cư từ hàng ngàn năm trước. Nơi đây không chỉ sở hữu cảnh quan núi rừng hùng vĩ, dòng sông Hiếu thơ mộng mà còn nổi bật với những hang động kỳ bí và thác nước trắng muốt, như Hang Bua, Thẩm Ồm, trở thành những tên gọi đã đi vào lòng người. Cảnh sắc nơi đây, cùng với những âm vang vĩnh cửu của tiếng thoi đưa, tạo nên một không gian đầy thi vị.

(*) Trường Chính trị tỉnh Nghệ An

GVC, ThS. Phạm Thị Lan Hương (*)

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/hoa-tien-di-san-van-hoa-lang-thai-co-o-nghe-an-a28658.html
Zalo